Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần cuối có gì mới?

Thời sựThứ Ba, 22/10/2013 10:28:00 +07:00

(VTC News) – Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị Quốc hội giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(VTC News) – Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị Quốc hội giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sáng nay (22/10), Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý đã trình bày trước Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó có nhiều nội dung mới đề nghị Quốc hội thông qua.

Không đổi tên nước
Ông Phan Trung Lý 
Theo bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, về tên nước, qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


“Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Qua nghiên cứu, xem xét nhiều mặt, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) thấy rằng việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” – ông Lý trình bày.

Chưa quy định lấy phiếu tín nhiệm

Về quyết định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, ông Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Hiến pháp hiện hành: “Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” mà không bổ sung quy định việc lấy phiếu tín nhiệm trong Hiến pháp. 

Tuy nhiên, theo ông Lý, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được Quốc hội khóa XIII tiến hành trên cơ sở thực hiện yêu cầu về đánh giá cán bộ theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là một bước thăm dò trước khi quyết định bỏ phiếu tín nhiệm đối với nhưng người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 vừa qua theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội được đông đảo nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm mới được triển khai lần đầu và còn một số vấn đề cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nên đề nghị chưa quy định vấn đề này trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

“Ủy ban DTSĐHP tán thành với ý kiến này và thấy rằng, việc không quy định lấy phiếu tín nhiệm trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng không ảnh hưởng đến thẩm quyền Quốc hội quyết định lấy phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu tín nhiệm.” – ông Lý trình bày.

Làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước

Về thẩm quyền của Chủ tịch nước, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước; nghiên cứu để quy định rõ đầy đủ, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch nước về mối quan hệ của Chủ tịch nước đối với hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Ông Lý cho biết, theo quy định tại Điều 86 thì Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại; các nhiệm vụ, quyền hạn thể hiện vị trí, vai trò của Chủ tịch nước đã được quy định tại các điều 88, 89, 90 và 91 của Dự thảo. Các quy định này nhằm bảo đảm để Chủ tịch nước thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của mình, qua đó, phản ánh mối quan hệ của Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Vẫn theo ông Lý, qua thảo luận một số ý kiến đề nghị cần rà soát chỉnh lý lại để làm rõ hơn mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ; sắp xếp lại các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp; làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.

“Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban DTSĐHP đã rà soát, sắp xếp lại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản để làm rõ hơn trách nhiệm cá nhân của thành viên Chính phủ trước Thủ tướng.

Cụ thể là đã bổ sung vào Dự thảo quy định Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Thủ tướng Chính phủ…” – ông Lý trình bày.

Sáng mai (23/10), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngày 5/11, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận này. Sau đó Quốc hội cùng thảo luận ở hội trường về những khác nhau đó.

Ngày 18/11, ông Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Sau đó Quốc hội lại thảo luận ở hội trường về việc chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Và trong phiên họp được truyền hình trực tiếp vào sáng 28/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.



Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn