Bộ Công an với Bộ Quốc phòng ‘tranh luận nóng’ về Luật An ninh mạng

Pháp luậtThứ Sáu, 21/07/2017 16:11:00 +07:00

Dự luật An ninh mạng đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Luật An ninh mạng: Đòi hỏi cấp bách

Vừa qua, Bộ Công an đã công bố nội dung dự thảo Luật An ninh mạng (bao gồm 6 Chương, 64 Điều) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật An ninh mạng quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung công tác an ninh mạng, hoạt động bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Video: Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành: Hơn 44% các trang website nhà nước của Việt Nam bị tin tặc tấn công

Đối tượng áp dụng tại dự thảo Luật này là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật, gồm: Sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Đăng tải chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng; Xâm nhập, chiếm đoạt trái phép thông tin, tài liệu; ấn công mạng; Khủng bố mạng.

Tại chương II của dự thảo luật quy định về các hoạt động bảo vệ an ninh mạng với các nội dung chính, như: Phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia; Bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Giám sát, dự báo, ứng cứu và diễn tập ứng cứu sự cố an ninh mạng; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an ninh mạng và cấp phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng.

anninhmang

Dự thảo luật An ninh mạng của Bộ Công an được đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong nhân dân đến ngày 8/8/2017.

Số liệu của Bộ Công an cho biết, từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 44% tổng số các trang website của các cơ quan nhà nước Việt Nam bị tin tặc tấn công, an ninh mạng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Trước đó, tại Hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam 2017, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành cho biết: “Từ 2010 đến nay, Việt Nam đã có 18.052 trang web tên miền “.vn” bị tấn công (chiếm 3,72% tổng số tên miền “.vn” của cả nước), tin tặc đã chỉnh sửa, thêm nội dung vào các trang web này. Đặc biệt là đã có 1.083 trang có tên miền “.gov.vn” của cơ quan nhà nước Việt Nam bị tin tặc tấn công (chiếm 44,04% tổng số tên miền “.gov.vn” của cả nước).

Đặc biệt nghiêm trọng là vào ngày 27/6/2016, trang web của Vietnam Airline bị hack, tin tặc đã chèn các thông tin xuyên tạc về vấn đề Biển Đông cũng như chủ quyền biển đảo của Việt Nam, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Việt Nam”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, thực trạng trên đã đặt ra cho Việt Nam trước những thách thức lớn, trong đó đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt là an ninh mạng đang là nhiệm vụ quan trọng đối với chúng ta hiện nay.

An ninh kết hợp với quốc phòng

Gửi văn bản góp ý, Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng phù hợp với mục tiêu, quan điểm lãnh đạo của Đảng.

Theo Bộ Quốc phòng, an ninh mạng là thành tố không thể tách rời của an ninh quốc gia nên dự thảo Luật An ninh mạng phải bám sát các nội dung, quy định của Luật An ninh quốc gia năm 2004.

Quốc phòng cùng với an ninh quốc gia là hai nội dung quan trọng của bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Trong đó, “Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” và “Công an nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm”.

Chính vì thế, Bộ Quốc phòng đề nghị nghiên cứu lược bỏ bớt một số nội dung đã được đề cập trong các luật trên, với quan điểm tránh gây phức tạp cho đối tượng áp dụng, hạn chế chồng chéo giữa chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành và bảo đảm môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của xã hội.

Phản hồi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khẳng định luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng.

Không gian mạng đã bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. An ninh mạng là thuật ngữ thế giới đã thống nhất sử dụng, không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực an ninh quốc gia trên không gian mạng, trật tự an toàn xã hội (lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trộm cước viễn thông...), mà còn là lĩnh vực học thuật (trong các cơ sở đào tạo), lĩnh vực nghiên cứu (tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tiêu chuẩn, quy chuẩn...), lĩnh vực triển khai để bảo vệ hệ thống thông tin, thông tin.

“Do đó, nếu dự thảo Luật An ninh mạng chỉ tập trung vào lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng sẽ không đáp ứng được yêu cầu của tình hình an ninh mạng, không thể hiện được trách nhiệm chung của toàn xã hội, trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng” - Bộ Công an phản hồi Bộ Quốc phòng.

Tuy vậy, Bộ Công an đồng ý với quan điểm “quốc phòng cùng với an ninh quốc gia là hai nội dung quan trọng của bảo vệ Tổ quốc”. Do đó, nội dung an ninh mạng cũng phải thể hiện được trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là trong tình hình cuộc cách mạng công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Dự thảo luật An ninh mạng gồm 6 chương, 64 điều, quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung công tác an ninh mạng, hoạt động bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước ta.

Dự thảo cũng giải thích một số khái niệm mới như “chiến tranh mạng” là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước khi lực lượng quân sự nước ngoài sử dụng không gian mạng cùng với hoạt động vũ trang nhằm gây chiến tranh xâm lược.

“Tác chiến trên không gian mạng” là hoạt động chủ động đấu tranh có tổ chức trên không gian mạng nằm trong thế trận an ninh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia. “Gián điệp mạng” là bất kỳ hành vi nào nhằm bí mật thu thập hoặc tìm cách thu thập thông tin trên không gian mạng vì lợi ích của thực thể nhà nước hoặc phi nhà nước…

Dự thảo Luật An ninh mạng đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn) và Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (Bocongan.gov.vn; mps.gov.vn) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 08/8/2017.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn