'Dư luận đang đánh đồng, có con mắt thiếu thiện cảm khi xét giáo sư cho Bộ trưởng Tiến'

Giáo dụcThứ Bảy, 03/03/2018 12:33:00 +07:00

Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y cho rằng, dư luận đang bàn tán về việc xét phong giáo sư (GS) cho Bộ trưởng Tiến vì có tâm lý đánh đồng chứ không nhìn vào thành tích khoa học.

Trả lời VTC News, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y, nguyên Giám đốc Học viện Quân y cho rằng, dư luận bình luận việc xét GS cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiếnnhưng lại không hề căn cứ vào hồ sơ khoa học mà chỉ mang tâm lý “vơ đũa cả nắm”.

- Dư luận xôn xao việc xét phong GS cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Là người trực tiếp tham gia hội đồng xét phong GS, ông thấy vấn đề này thế nào? 

Dư luận đang tập trung đặt câu hỏi tại sao Bộ trưởng Tiến nhiều việc như vậy nhưng vẫn hoàn thành được các tiêu chuẩn của chức danh GS. 

Hồ sơ của bà Tiến hoàn toàn đủ các tiêu chuẩn xét phong GS, thậm chí còn đạt ở mức độ cao. 

Trong đợt xét này và các đợt xét trước, cũng ít có GS có được thành tích nổi bật như của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. 

Cụ thể đó là về số lượng đào tạo nghiên cứu sinh, thạc sỹ, viết sách, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, các bài báo khoa học đăng trong nước và quốc tế. Điều này không phải bàn luận nhiều. 

151988026950152-thumbnail

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. 

- Lịch sử ngành Y có nhiều Bộ trưởng là GS, PGS không, thưa ông?

Lịch sử ngành Y thì rất nhiều vị Bộ trưởng Y tế là GS. Đó phải kể đến như GS Phạm Song, GS Nguyễn Trọng Nhân, PGS Trần Thị Trung Chiến.

Đó là việc hoàn toàn bình thường. 

- Liệu Bộ trưởng có đủ thời gian nghiên cứu khoa học, tham gia đào tạo như quy định không, thưa ông?

Bộ trưởng cũng có rất nhiều các Thứ trưởng, các Cục, Vụ, Viện, các chuyên viên để giúp việc cho Bộ trưởng. Nếu có kế hoạch quản lý điều hành tốt thì Bộ trưởng Tiến có nhiều thời gian để tham gia đào tạo và nghiên cứu. 

Nếu mọi người vẫn còn không tin và nghi ngờ thì hãy xem hồ sơ của Bộ trưởng Tiến. Nếu Bộ trưởng không làm thì làm sao có thể có những thứ đó. 

Thực tế bà Tiến làm được thì rất đáng trân trọng, khuyến khích. Bà ấy làm tốt nhiệm vụ của mình rồi lại còn làm thêm đào tạo, nghiên cứu thì quá hoan nghênh. 

Nguyên nhân là do mọi người chưa hiểu thôi. Nếu muốn biết Bộ trưởng Tiến có làm không thì hãy nhìn vào tập hồ sơ của bà ấy. 

- Là một nhà khoa học, Chủ tịch đồng chức danh GS ngành Y, ông đánh giá thế nào về các công trình của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến? 

Cụ thể, về tiêu chí giảng dạy, bà Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. 

Bà Tiến tham gia giảng dạy và là chủ nhiệm một bộ môn tại ĐH Y dược TP.HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. 

Bộ trưởng có 2 cuốn chuyên khảo. Đây là việc khó, ít GS làm được vấn đề này. Ngoài ra, bà Tiến còn có 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn. 

Về nghiên cứu khoa học, bà Tiến chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước. Các GS mà chủ nhiệm 1 đề tài cấp Nhà nước là cũng hiếm rồi. Trong đó, có một đề tài tôi là chủ nhiệm chương trình nên thường xuyên theo dõi, kiểm tra. Tôi nhận thấy, bà Tiến làm rất tốt. 

Số đề tài cấp Bộ của bà Tiến đã nghiệm thu là 6 trong khi yêu cầu chỉ cần 1 đề tài cấp Bộ. 

Thành tích như vậy tôi cho rằng xuất sắc so với các GS khác. 

Bộ trưởng Tiến còn được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp. 

Không những thế, Bộ trưởng Y tế còn thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của ĐH Oxford, Anh. Đây là trường đại học hàng đầu thế giới. Bà Tiến không phải thỉnh giảng 1-2 kỳ mà là 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm. 

pham-gia-khanh-1-copy-crop-1519997183954257008695

 

Thử hỏi ở Việt Nam, có GS nào có được thành tích như Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

GS Phạm Gia Khánh

Cụ thể, tháng 10/2013, bà Tiến lần đầu được ĐH Oxford trao chức danh GS thỉnh giảng nhiệm kỳ 3 năm. Khi đó, bà là người Việt Nam đầu tiên được nhận chức danh này từ ngôi trường nổi tiếng thế giới. 

Lần thứ hai, bà Tiến được Đại sứ quán Vương quốc Anh trao chức danh GS thỉnh giảng của Đại học Oxford là ngày 10/3/2017, trong giai đoạn từ 2016-2021. 

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy đổi cao (34,38). Trong khi đó, chức danh GS chỉ yêu cầu 20 điểm. 

Thử hỏi ở Việt Nam, có GS nào có được thành tích như vậy. 

Với thành tích như vậy, không thể nào nói bà Tiến không nghiên cứu, không đào tạo. Với thành tích như vậy, không thể nào nói bà Tiến không đủ tiêu chuẩn chức danh GS. 

- Thành tích nghiên cứu và giảng dạy của Bộ trưởng Tiến như vậy nhưng vẫn có người bảo không đủ để xét GS, thưa ông? 

Ai mà bảo bà Tiến không đủ chuẩn chức danh GS thì hãy đối chiếu lại tiêu chuẩn xem có đạt không. 

Tiêu chuẩn của bà ấy để được xét phong GS thì đã quá rõ ràng. Thậm chí, còn vượt hơn rất nhiều tiêu chuẩn hiện nay. 

Như vậy, tiêu chuẩn của bà ấy xếp vào loại top đầu của GS trong năm nay và các năm trước. 

- Hồ sơ của bà Tiến có bị để lại rà soát không, thưa ông? 

Danh sách để lại thì tôi chưa biết. Nhưng cuộc họp ngày 27/2, Chủ tịch Hội đồng CDGSNN nói rằng vừa rồi chúng ta có rà xét rồi nhưng thời gian rà xét ngắn quá, lại vào dịp Tết nên rà soát đó có thể không hoàn thiện, có thể bỏ sót. 

Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng CDGSNN đề nghị xem xét những hồ sơ nào cần thì cần rà soát lại. Chủ tịch Hội đồng kết luận giao cho tổ công tác cùng Chủ tịch hội đồng ngành chọn hồ sơ để lại rà soát. 

Đến thời điểm này, tổ công tác chưa bàn với tôi (Chủ tịch Hội đồng chức danh ngành Y) là chọn hồ sơ nào để rà soát. 

Vì vậy, thông tin bảo hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nằm trong danh sách phải rà soát lại là chưa chính xác. 

Theo tôi nghĩ, thông tin như vậy là do dư luận đồn đoán. Vì nếu có danh sách phải rà soát thì tổ công tác phải bàn bạc với Chủ tịch Hội đồng ngành. Trong khi đó, tôi lại chưa được tổ công tác bàn bạc gì cả. 

- Phải chăng hiện dư luận đang có tâm lý đánh đồng và có con mắt không thiện cảm trong trường hợp xét GS cho bà Tiến? 

Đúng vậy. Theo tôi, vấn đề là ở chỗ đó. Tôi cho rằng vì họ chưa hiểu, chưa nhất trí bằng lòng. 

Tôi nghĩ bất kỳ ai không phải là Bộ trưởng mà đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thì cũng phải thừa nhận. Bộ trưởng mà làm được thì quý quá, hoan nghênh quá. 

Trong lịch sử ngành Y đâu phải chỉ có bà Tiến. Đã từng có 5 Bộ trưởng là GS chứ không phải là chỉ có bà Tiến. Không kể ngành Y ngành khác cũng vậy. 

- Phải chăng dư luận cần tỉnh táo để không bị cuốn theo bởi những người có ý đồ xấu khi đưa những thông tin này, thưa ông?

Đúng vậy. Tôi cho rằng Bộ trưởng là GS không chuyện phải gì đặc biệt. Trong ngành Y, rất nhiều Bộ trưởng là GS. 

Khi Bộ trưởng làm GS thì rất trân trọng, hoan nghênh bởi vì một bài giảng của Bộ trưởng là GS có giá trị rất nhiều lần so với bài giảng của các thầy khác. 

Làm nghiên cứu, tham gia đào tạo sẽ giúp Bộ trưởng trong vấn đề về xây dựng chính sách để quản lý. 

- Thưa ông, trong trường hợp này Hội đồng CDGSNN cần có cách ứng xử như thế nào khi một bên là vấn đề tiêu chuẩn về học thuật, một bên là vấn đề dư luận bàn tán?

Hội đồng CDGSNN rất cầu thị, lắng nghe ý kiến thuận và nghịch của xã hội để xử lý. Trong đó, căn cứ chính là ở tiêu chuẩn để xem xét GS. 

Bây giờ, bà Tiến đủ tiêu chuẩn mà không công nhận thì hội đồng đã làm sai. 

Nếu một ứng viên được đánh giá là đủ tiêu chuẩn mà vì lý do nào đó mà không công nhận thì hội đồng phải có trách nhiệm trả lời lại với ứng viên đó. 

Riêng trường hợp bà Tiến có đơn thư khiếu nại. Nhưng đơn thư này không có bằng chứng và đã được giải quyết. 

Bà Tiến đã được Chủ tịch nước trao tặng “Thầy thuốc nhân dân” – danh hiệu cao quý của ngành Y. Như vậy, bà Tiến đủ phẩm chất đạo đức để được xét GS. 

Hội đồng ngành cân nhắc rất kỹ và bỏ phiếu 19/21 thành viên đồng ý. Hội đồng CDGSNN cũng đã bỏ phiếu đồng ý với tỷ lệ rất cao cho trường hợp của bà Tiến. 

Xin cảm ơn ông!

Video: Vì sao Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa tiêu chuẩn xét giáo sư?

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn