Dự kiến lỗ hơn 15.000 tỷ đồng, dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn bị yêu cầu thanh tra

Đầu TưThứ Sáu, 11/11/2022 19:40:42 +07:00

Trước số liệu cho thấy phải bù giá khoảng 15.727 tỷ đồng cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn vào cuối năm 2023, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị thanh tra dự án này.

Chiều 11/11, với 453/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,96% tổng số đại biểu, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. 

Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là 863.567 tỷ đồng và tổng số thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.294.067 tỷ đồng, trong đó dự toán 436.204 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Phải bù giá 15.727 tỷ đồng năm 2023, Quốc hội yêu cầu thanh tra dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn

Nghị quyết phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2023 có nội dung giao Chính phủ rà soát, tính toán chính xác kinh phí bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng quy định của Nghị quyết 42/2021/QH15 của Quốc hội, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trước khi thông qua Nghị quyết, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ thực hiện đúng các quy định của Nghị quyết 42/2021/QH15 đối với khoản bù giá bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, làm rõ căn cứ xây dựng dự toán khoản chi bù giá này. Một số ý kiến nhất trí với phương án Chính phủ trình, bố trí dự toán cho Tập đoàn Dầu khí để thực hiện bù giá bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Dự kiến lỗ hơn 15.000 tỷ đồng, dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn bị yêu cầu thanh tra - 1

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị thanh tra dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn trước việc số liệu cho thấy sẽ phảu bù hơn 15 nghìn tỷ đồng vào thời điểm hết năm 2023. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Tờ trình của Chính phủ có thống kê số liệu phải bù giá đến hết 2023 khoảng 15.727 tỷ đồng và đề nghị bố trí dự toán năm 2023 khoảng 8.257 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chính phủ chưa thuyết minh đầy đủ cơ sở tính toán khoản dự toán này, chưa thuyết minh lý do chưa bố trí đủ dự toán theo số liệu Chính phủ tính toán, đặc biệt là chưa thuyết minh rõ việc xác định số tiền bù giá này đã đồng bộ với các cam kết khác theo đúng thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ theo yêu cầu của Nghị quyết 42.

Đồng thời, giám sát bước đầu của Uỷ ban Tài chính ngân sách cho thấy tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện rất đáng lo ngại và là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong năm 2022 vừa qua, trong khi dự án đang được hưởng những ưu đãi lớn, nhất là về cơ chế bao tiêu.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ và kiểm toán Nhà nước tổ chức triển khai kiểm toán và thanh tra các nghĩa vụ thuế, chuyển giá, số vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án… để đánh giá tổng thể thực trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của dự án, trong đó bao gồm cả các nội dung về bao tiêu.

Cho đến nay, các nội dung này vẫn chưa được triển khai và ngày 24/10/2022, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 85/2022/NĐ-CP hướng dẫn về thanh toán bù giá cho cơ chế bao tiêu này.

Vì vậy, để bảo đảm về trình tự, thủ tục, căn cứ xây dựng dự toán khoản chi bù giá này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội giao Chính phủ rà soát, tính toán chính xác kinh phí bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng quy định của Nghị quyết 42/2021/QH15 của Quốc hội, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cản trở làm chậm tiến độ giải ngân vốn

Nghị quyết giao Chính phủ cũng giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách Nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Bên cạnh đó, ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2023, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2023.

Bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

(Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản )
Bình luận
vtcnews.vn