Du học sinh Việt nhớ hương vị Tết quê nhà

Giáo dụcThứ Tư, 02/02/2011 02:39:00 +07:00

(VTC News)- “Sydney chẳng thiếu thứ gì, bánh chưng, dưa muối, hương vòng, mà sao không thể có được “hương vị” Tết, “mùi” Tết như ở nhà mình”.

(VTC News) - “Sydney chẳng thiếu thứ gì, bánh chưng, dưa muối, hương vòng, mà sao không thể có được “hương vị” Tết, “mùi” Tết như ở nhà mình”.

Chỉ với một câu hỏi đơn giản: “Tết Việt trong bạn như thế nào”, dù với những cảm xúc khác nhau nhưng tất cả các du học sinh đều dành cho Tết Việt hai chữ “đặc biệt”!

Đàm Trần Anh, nghiên cứu sinh năm thứ 2 trường UNSW (The university of New South Wales, Australia)

Đàm Trần Anh, nghiên cứu sinh năm thứ 2 trường UNSW (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Mình đã có nhiều năm đón Tết ở nước ngoài. Mình thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ ghê gớm, nhớ đến phát khóc. Sydney chẳng thiếu thứ gì, bánh chưng, dưa muối, hương vòng, mà sao không thể có được “hương vị” Tết, “mùi” Tết như ở nhà mình.


Tết cổ truyền là một dịp đặc biệt không thể thay thế được. Dù đi đâu, làm gì, ở phương trời nào, mình cũng nhớ đến những ngày Tết với gia đình bố mẹ. Mình luôn cố gắng về nhà đúng dịp Tết. Năm nay mình đã chủ động thời gian để về đón Tết tại quê nhà.

Lần đầu tiên sang Úc lại đúng Tết, cái Tết đầu tiên xa quê. Chưa có điện thoại, nhà không có internet, không có cách nào liên lạc được với gia đình ở Việt Nam, mình lại càng thêm nhớ nhà.
Hôm 30 Tết năm đó, mình đã hát to một mình “Dù có đi bốn phương trời…” và “Mùa xuân đầu tiên…” cho đỡ nhớ nhà. Lúc đó, mình đã bị ông làm vườn gõ cửa vì gây mất trật tự, vì lúc này đã là 3 giờ sáng ở Úc. Nhưng sau đó ông cũng hiểu ra, và cười lớn.

Ksor Minh, từng là Phó Chủ tịch Hội SVVN du học tại Melbourne


Trong thời gian du học, tôi đã từng đón tết cổ truyền tại Melbourne, Australia. Đây là cái Tết đầu tiên xa nhà, xa gia đình, người thân và những người bạn quen thuộc.

Ksor Minh, từng là Phó Chủ tịch Hội SVVN du học tại Melbourne (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Càng đến gần ngày Tết thì cái cảm giác xôn xao vì nhớ quê hương, đất nước lại càng lớn dần hơn. Những ngày đó, những sinh viên du học như chúng tôi dường như muốn tìm đến với nhau nhiều hơn để sẻ chia, để vơi bớt đi nỗi nhớ.


Với tôi, ngày Tết cổ truyền luôn là một dịp đặc biệt để tất cả các thành viên trong gia đình sum họp, để nhớ về ông bà, tổ tiên, để giữ lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đó là ngày mà mọi người dành cho nhau những tình cảm đặc biệt, sự quan tâm, thăm hỏi về những gì đã làm trong năm qua và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất để hy vọng vào một năm mới mà những khó khăn sẽ qua đi và nhiều thành công sẽ đến.

Năm tôi đón Tết cổ truyền dân tộc tại Australia thật may mắn khi rơi đúng vào Ngày nước Úc (Australian Day). Điều này khiến cho không khí xung quanh sôi động hơn và chúng tôi cũng có cảm giác như người dân Úc đang hòa cùng niềm vui đón Tết với những người Việt xa xứ.

Năm đó, tôi và một số bạn trong Hội SVVN tại Melbourne đã tổ chức một bữa tiệc đón Tết cho các bạn sinh viên tất cả các trường ở Melbourne. Bữa tiệc tuy đơn giản nhưng cũng có bánh chưng, dưa hấu, cũng có bàn thờ nhỏ để tưởng nhớ đến tổ tiên.

Tôi nhớ mãi sau bữa tiệc đó, nhóm sinh viên xa nhà lại kéo nhau ra ngoài bờ biển St Kilda để chờ đến thời khắc giao thừa khi ở Úc chỉ cách Việt Nam 4 giờ đồng hồ.

Không pháo hoa, không người xe đông đúc, nhưng những du học sinh Việt đã cùng đếm ngược đồng hồ để rồi cùng hò vang khi thời khắc giao thừa đến.

Lê Thái Dương, sinh viên chuyên ngành Tài chính ĐH Monash (Melbourne, Australia). Phó chủ tịch của Hội SVVN của trường.

Đối với tôi, Tết là những ấn tượng vô cùng ý nghĩa và đặc biệt. Tuổi thơ của tôi đã lớn dần theo năm tháng với những hình ảnh tuyệt vời về Tết!
Lê Thái Dương, sinh viên chuyên ngành Tài chính ĐH Monash (Ảnh: Phạm Thinh) 
Khi đã là du học sinh ở đất nước “Chuột túi”, dịp nghỉ hè cũng chính là thời điểm Tết ở quê nhà, nên tôi và các du học sinh khác, đa số đều "go home”. “Về thôi, phải về thôi, để còn ăn Tết ở quê nhà”. Chúng tôi thường bảo nhau thế.


Tết chính là sắc màu tươi tắn của đường hoa Nguyễn Huệ, là bầu trời ngời sáng pháo hoa của đêm ba mươi, là mùi nhang trầm thơm phức sáng ngày mùng một khi cúng mừng tuổi ông bà, là những âm thanh ríu rít của lũ con nít chúng tôi khi đua nhau nhận bao lì xì của người lớn…

Tôi yêu những sắc màu của Tết, màu vàng tươi của hoa mai, màu đỏ của phong lì xì, màu xanh của bánh lá, màu cam của trái mứt tắc ngọt ngào và là cả một bầu trời trong xanh dịu dàng của những ngày Tết.

Đặc sắc nhất vẫn là chợ Tết. Ngay cả người nước ngoài cũng hào hứng đến Việt Nam để coi dân ta ăn Tết. Tết không chỉ gói gọn trong gia đình, chòm xóm, mà đã được  nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng,xã hôi..

Tết vẫn vậy, nhưng đối với tôi ngày càng mới mẻ, tươi vui và ý nghĩa. Có lẽ vì bây giờ đối với tôi, cũng như bao du học sinh khác, khi xa rời mái ấm gia đình và quê nhà thì những gì thuộc về quê hương đều là quý giá và thân thương!

Phạm Thịnh(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn