Du học sinh Việt 'dễ thở' hơn ở Anh

Kinh tếThứ Ba, 28/06/2016 14:12:00 +07:00

Đồng bảng Anh rớt giá mạnh sau khi có kết quả bỏ phiếu Brexit giúp nhiều du học sinh Việt Nam tại Anh dễ thở hơn khi giá học phí, thuê nhà quy đổi ra tiền Việt tiết kiệm.

Những du học sinh tại Anh hy vọng với việc giá đồng bảng Anh giảm thời gian qua sẽ giúp họ tiết kiệm một phần chi phí thuê nhà, ăn uống, giá thực phẩm...

Tuấn Anh (Du học sinh Việt Nam tại London) cho hay, giá thuê phòng tại nơi đây khoảng 70 Bảng/tuần nếu tính cả điện nước có thể lên đến 300-350 Bảng/tháng/phòng. Nếu so với tỷ giá hồi đầu tháng 7 khoảng hơn 33.000 đồng/1 bảng Anh thì nay mức giá thuê phòng tính ra tiền Việt chỉ vào khoảng 9 -10,5 triệu đồng, rẻ hơn trước khoảng 2 triệu đồng.

"Mức giảm này cũng không quá lớn so với mặt bằng giá cả ở Anh. Nhưng với du học sinh thì đây là mức giảm chi phí đáng kể. Bởi nhiều người du học theo diện 50% học bổng, gia đình vẫn phải cung cấp tiền sinh hoạt hàng tháng nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó", Tuấn Anh cho hay.

Còn Lan Anh (Du học sinh Việt Nam tại Anh) cho rằng, chưa thể nói trước được điều gì. Bởi Lan Anh cho rằng, đồng bảng Anh giảm giá mạnh có thể do hiệu ứng từ cuộc trưng cầu ý dân ở Anh về chuyện đi hay ở lại EU. Còn về lâu dài thì chưa biết liệu có sự phục hồi hay không.

Anh1

Giá thuê phòng ở Anh quy đổi ra tiền Việt sẽ rẻ hơn một chút với du học sinh

"Tỷ giá rõ ràng giảm đáng kể, nhưng các chi phí sinh hoạt thì chưa biết thế nào. Tôi đọc được trên báo chí Anh dự đoán chi phí thực phẩm có thể tăng do sẽ có thêm hàng rào thuế quan nếu như Anh rời EU. Nhập khẩu nhiều hàng hóa từ châu Á trả theo USD trong khi USD mạnh lên còn bảng Anh lại giảm giá. Như vậy, cuối cùng kết quả bằng hòa", Lan Anh cho biết.

Về vấn đề học phí, Việt Nga (Cựu du học sinh tại Anh) cho hay, bảng Anh giảm giá giúp cho du học sinh cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi những khoản đóng học phí cũng giảm đáng kể so với tiền Đồng.

"Mức giá học phí trung bình ở London khoảng 9.000 - 10.000 bảng Anh/năm, trường có tiếng thì có thể lên đến 12.000 bảng Anh - 15.000 bảng Anh/năm. Tính cụ thể, theo tỷ giá ra tiền Việt cũng rẻ đáng kể, quan trọng là du học sinh cảm thấy hời được một khoản tiền nho nhỏ để trang trải các chi phí khác", chị Nga nói.

Nỗi lo đằng sau

Đồng bảng Anh mất giá có thể đem lại niềm vui cho các du học sinh, nhưng với những người đã trót tiết kiệm đồng tiền này thì lại là sự tiếc nuối.

Được biết, chị Nga đã về Việt Nam cách đây hơn 1 tháng và tiết kiệm được gần 1.200 bảng Anh. Thế nhưng sau khi đồng bảng Anh mất giá, chị Nga tiếc hùi hụi vì chưa kịp mua chiếc xe tay ga thì nay phải bỏ thêm 5-6 triệu đồng.

Anh2

Nhiều người lo lắng giá thực phẩm ở Anh tăng sau Brexit

"Cứ đinh ninh số tiền đó đủ mua một chiếc xe ga xịn, hợp mốt mà nay số tiền đang có lại hao hụt đáng kể. Tôi cứ chờ bảng lên giá nữa rồi mới đưa đi bán để lấy tiền Việt nhưng cuối cùng Brexit làm thay đổi tất cả", chị Nga ngao ngán nói.

Dù đồng bảng Anh giảm giá nhưng phụ huynh có con đang du học tại Anh cũng không hẳn an tâm. Chị Hà (Quận 10, Tp.HCM) cho hay: "Tôi chưa xem đó là điều mừng. Nếu Anh rời EU, kéo theo đó là hàng loạt biến động kinh tế ở Anh. Giá cả thực phẩm ở Anh có thể đội lên do các chi phí nhập khẩu thay đổi khi tỷ giá bảng Anh và USD biến động trong khi USD tăng giá còn bảng Anh giảm giá thì con tôi sẽ phải chi tiền nhiều hơn để mua các đồ ăn, thức uống hàng ngày".

Đồng yên tăng giá

Sau khi có kết quả Brexit thì Nhật Bản cũng đau đầu với việc đồng yên tăng giá mạnh. Theo đó, đồng yên (JPY) tăng từ mức 1 USD tương đương 107 JPY lên 1 USD đổi được 99 JPY. Đây là mức cao nhất trong 2 năm qua.  

Những người kinh doanh hàng xách tay nhập từ Nhật Bản ở Việt Nam cũng canh cánh nỗi lo. Bởi đồng yên tăng giá sẽ khiến cho các mặt hàng được nhiều người Việt Nam ưa chuộng như sữa, đồ ăn đóng hộp, bỉm... sẽ đội giá đáng kể.

Theo tìm hiểu của PV VTC News, tỷ giá được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố ngày 28/6 cho thấy, 1 JPY tương đương 219 đồng Việt Nam. Trong khi hồi tháng 3, tỷ giá JPY/VND tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) được niêm yết ở 194,78 - 198,51 VND

Anh Lương (Kinh doanh hàng Nhật xách tay) cho biết: "Đợt đặt hàng Nhật gần đây nhất của tôi là vào đầu tháng 6, tỷ giá JPY ổn định nên mức giá không có biến động. Tôi đang lo đợt đặt hàng tới đây vào đầu tháng 7, giá sẽ đội lên khi tỷ giá đã có nhiều thay đổi. Chắc chắn các mặt hàng sẽ tăng giá thêm so với trước đây sau khi cộng các chi phí ít nhất 10%. Không lo việc khách hàng kì kèo vì khi đã dùng hàng xách tay từ nước ngoài thì thu nhập tương đối cao nhưng quan trọng là khách hàng hiểu chứ không lại nghĩ người bán muốn tăng giá kiếm thêm".

Còn chị Giang (Chuyên kinh doanh hàng Nhật) cũng dự đoán mức giá các sản phẩm chị đang kinh doanh như quần áo, sữa, mỹ phẩm đang đau đầu để thương lượng lại với khách sau khi tỷ giá tăng lên. Nguyên nhân do chị đã nhận order và thanh toán của một số khách đặt "giữ chỗ" một số sản phẩm trong đợt nhập hàng sắp tới.

"Tôi đang phải liên lạc lại với khách hàng để tính thêm phí phát sinh do đồng JPY tăng giá. Có người tỏ ra cau có vì tự nhiên phải thanh toán thêm một khoản tiền, nhưng cũng có khách hàng thoải mái. Hiện tại, các mặt hàng đang có giá ổn định vì đã đặt cách đây một vài tháng hoặc trước khi Anh bỏ phiếu có rời EU hay không".

Nghi Dung
Bình luận
vtcnews.vn