Dự án 'vàng' tại khu đô thị Việt Hưng long đong tìm chủ

Kinh tếThứ Ba, 03/02/2015 07:00:00 +07:00

Sau nhiều năm "bất động" và long đong tỉm chủ mới, dự án vàng tại khu đô thị mới Việt Hưng - CT15 Việt Hưng đã về tay chủ mới là Tập đoàn Đất Xanh.

(VTC News) - Sau nhiều năm "bất động" và long đong tỉm chủ mới, dự án vàng tại khu đô thị mới Việt Hưng - CT15 Việt Hưng đã về tay chủ mới là Tập đoàn Đất Xanh.

Long đong tìm chủ

Dự án CT15 Việt Hưng do Công ty Cổ phần Đầu tư NNP và Công ty Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam  PVR làm chủ đầu tư, trong đó PVR nắm 30%.

Dự án CT15 Việt Hưng trước đây được nhiều người biết đến với tên gọi dự án Opulent Paradise. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án này lên tới 1.054 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 29.405 m2. Trong đó, khu Tổ hợp nhà ở và dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng được bố trí 4 khối nhà, trong đó có một khối 19 tầng, hai khối nhà 16 tầng, một khối nhà 9 tầng và một khối nhà 5 tầng. Dự án dự kiến thực hiện từ quý I/2011 đến quý IV/2013.

Dự án 'vàng' tại khu đô thị Việt Hưng long đong tìm chủ
Dự án 'vàng' tại khu đô thị Việt Hưng long đong tìm chủ - Ảnh: Châu Anh 
Tuy nhiên, hồi đầu năm 2013, sau nhiều năm nằm bất động, dự án đã được chủ đầu tư điều chỉnh để phù hợp với quy định, quy hoạch của Nhà nước, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.


Theo đó, CT15 Việt Hưng được xây dựng trên lô đất 29.405m2, trong đó diện tích xây dựng chung cư 18 tầng là 3.190m2, chung cư 4 tầng là 1.860m2, nhà vườn 1.830m2, còn lại là sân tennis và các công trình khác. Tổng mức đầu tư dự án gần 876 tỷ đồng (giảm hơn 128 tỷ so với trước).

Bên cạnh đó, hiện PVR cũng đã điều chỉnh giá bán cănhộ và nhà vườn tại dự án này, theo đó, giá căn hộ từ 18 triệu đồng/m2 (đối với khu 18 tầng giảm 3,55 triệu đồng/m2) và 19 triệu đồng/m2 (đối với khu 4 tầng giảm 2,88 triệu đồng/m2), TTTM giá bán 20 triệu đồng/m2 và nhà vườn là 40 triệu đồng/m2.

Hồi năm 2011, khi dự án này mới chính thức khởi công đã gây xôn xao trên thị trường, không chỉ bởi số vốn đầu tư lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, mà CT15 Việt Hưng còn được hứa hẹn sẽ  trở thành một dự án nổi bật trong khu đô thị mới Việt Hưng với các dịch vụ tiện ích đi kèm mang lại cho cư dân nơi đây một cuộc sống bình yên và tiện lợi.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến cuối năm 2013 (thời gian dự kiến sẽ hoàn thành của dự án), dự án vẫn nằm bất động và vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Dự án bất động, trong khi thị trường bất động sản cũng rơi vào tình trạng đóng băng, chủ đầu tư dự án này đã buộc phải lên kế hoạch thoái vốn tại dự án. Tuy nhiên, dự án đẹp nhưng việc tỉm được "chủ mới" lại không hề dễ dàng.

Video "Bộ trưởng Đinh La Thăng giận sôi người, mắng té tát Tổng thầu Trung Quốc":


Hồi đầu năm 2013, ban lãnh đạo PVR đã duyệt chủ trương chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án Tổ hợp căn hộ CT15 Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Theo đó, Hội đồng Quản trị PVR đã phê duyệt chủ trương nhượng phần vốn góp tại dự án Tổ hợp Căn hộ và dịch vụ công công CT15 Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Hội đồng Quản trị giao cho ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty, đàm phán với các đối tác có nhu cầu với giá bán tối thiểu đạt tới điểm hòa vốn dự án, trong trường hợp thấp hơn phải xin ý kiến cổ đông.

Lý giải về việc chuyển nhường này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Kinhdoanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) cho biết, do diễn biến bất lợi của thị trường,cũng giống như phần lớn các công ty bất động sản khác, PVR đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn, huy động các nguồn vốn để thực hiện Dự án.

Đối với dự án CT15 Việt Hưng, Hội đồng Quản trị của PVR đã quyết định chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của PVR. Tuy nhiên, qua quá trình tìm kiếm, đàm phán với các đối tác gặp nhiều khó khăn, nên PVR sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt và ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định giá chuyển nhượng phần góp vốn theo tình hình thị trường.

Không lâu sau đó, Hội đồng Quản trị PVR đã thông qua việc đầu tư tài chính ngắn hạn vào CTCP đầu tư AHC Việt Nam (AHC).

Theo đó, PVR sẽ đầu tư tài chính ngắn hạn vào AHC để phục vụ phát triển và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh công ty dưới hình thức nhận chuyển nhượng lại không quá 24% vốn điều lệ của AHC.

Bên cạnh đó, PVR cũng thông qua việc AHC xin hợp tác đầu tư với PVR hoặc các hình thức khác để bán, chuyển nhượng Dự án tổ hợp căn hộ và dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) để đổi lại được hưởng phân chia lợi nhuận từ dự án.

Dự án 'vàng' tại khu đô thị Việt Hưng long đong tìm chủ
Dự án CT15 Việt Hưng hồi cuối năm 2013 vẫn là bãi đất hoang - Ảnh: Châu Anh 
Những tưởng việc hợp tác này sẽ giúp dự án có nguồn vốn và tiếp tục được triển khai theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, vào đầu giữa tháng 6/2014, cáu tên AHC không còn được nhắc đến tại dự án này nữa.


Thay vào đó, chủ đầu tư PVR lại ký thỏa thuận vay vốn lớn lên đến 326 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đại Dương – Chi nhánh Đông Đô. Số vốn này Công ty đã quyết định triển khai Dự án Việt Hưng, dự án sau nhiều lần thoái vốn bất thành.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 4 tháng sau, một lần nữa, Công ty lại thông báo thoái vốn tại dự án này.

Mới đây nhất, cuối năm 2014, cụm chung cư cao 18 tầng 3 block 18T1, 18T2, 18T3 thuộc dự án CT15 Khu đô thị Việt Hưng đã được chuyển nhượng lại cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh với giá trị chuyển nhượng dự kiến khoảng 130 tỷ đồng.

Như vậy, sau gần 2 năm muốn thoái vốn, PVR cũng đã tìm được đối tác. Tuy nhiên số phận dự án CT15 Việt Hưng sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới khi về tay chủ mới, vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Chủ đầu tư bết bát tại nhiều dự án

Theo website của dự án Opulent Paradise, Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) là một trong những Công ty thành viên của Tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

PVR là đơn vị có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp thể hiện bởi sự thành công qua các dự án: Hanoi Times Towers, Khu đô thị sinh thái – văn hóa Hạ Long, Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên…

Video: Dự án nghìn tỷ bỏ hoang

Tuy nhiên, hầu hết các dự án của doanh nghiệp này đều rơi vào tình trạng khó khăn. Ngoài dự án CT15 Việt Hưng "long đong" sau nhiều lần thoái vốn thì các dự án khác của doanh nghiệp này cũng không khá khẩm hơn.

Một trong nhưng dự án đình đám nhất của doanh nghiệp này là Hà Nội Times Tower (khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) cũng rơi vào bế tắc và PVR cũng buộc phải chuyển nhượng dự án này.

Được khởi công xây dựng vào quý IV/2010, Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2013. Thế nhưng, đã gần hết quý I/2013, Dự án Hà Nội Times Tower của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) vẫn chưa thi công xong phần móng. Việc thi công quá chậm, khiến dự án này trong suốt 2 năm sau ngày khởi công chìm đắm trong làn sóng đòi rút vốn của khách hàng.

Những sóng gió với dự án Hà Nội Times Tower tạm lắng xuống khi Tập đoàn Đại Dương (OGC) mua vào một lượng lớn cổ phần của PVR và trở thành cổ đông chi phối tại DN này.

Sự thực, sau khi OGC nắm quyền chi phối tại PVR, Hà Nội Times Tower đã được tái khởi động.

Nguyên nhân khiến PVR phải "bán con" hàng loạt đã được PVR lý giải là do khó khăn chung của thị trường và PVR chưa thu xếp được nguồn vốn để triển khai dự án.

Trước đó, hồi năm 2012, PVR cũng đã “ghi danh” là doanh nghiệp bất động sản đầu tiên bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2012 của PVR vừa được công bố cho thấy, tại thời điểm 31/12/2012, khoản nợ phải trả ngắn hạn của Công ty là 532 tỷ đồng. Báo cáo kiểm toán cũng nêu rõ: “Đến ngày 31/12/2012, tài sản ngắn hạn của PVR nhỏ hơn nợ ngắn hạn, với số tiền khoảng 378,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của PVR là 14 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động sản xuất - kinh doanh bị âm”.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn