Dự án nhà máy nước 5.000 tỷ đồng về đích, Hà Nội hết lo thiếu nước sạch

Thời sựThứ Năm, 05/09/2019 16:17:00 +07:00

Nhà máy nước mặt Sông Đuống 5.000 tỷ đồng sử dụng công nghệ châu Âu, cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân Hà Nội và vùng lân cận.

Ngày 5/9, Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne - cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc đã khánh thành giai đoạn 1 với công suất 300.000m3 ngày/đêm.

Đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống có ý nghĩa quan trọng đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Nuoc sach 1

Nhà máy nước mặt Sông Đuống 5.000 tỷ đồng sử dụng công nghệ châu Âu, người dân có thể sử dụng nước ngay tại vòi. 

Từ khi đưa vào vận hành phân kỳ 1 tháng 10/2018 với công suất bình quân 120.000 - 130.000m3/ngày đêm, Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai.

Nhà máy cũng cung cấp nước sạch cho các khu vực khó khăn cuối nguồn như Xa La (Hà Đông), một số xã thuộc huyện Thanh Trì dọc trên đường QL70 thông qua các công ty cấp nước phân phối trên địa bàn Hà Nội như Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty cổ phần VIWACO, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông…

Trong đó có những điểm thay thế chủ lực việc sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng như hệ thống giếng ngầm của các nhà máy nước phía Nam tại nút Pháp Vân; cung cấp nước sạch cho một số vùng trước đây chưa có mạng lưới nước sạch, phải sử dụng nước tự khoan như địa bàn các xã Trung Màu, Văn Đức huyện Gia Lâm; và đang tiếp tục lắp đặt mạng phân phối cho các xã Dục Tú, Mai Lâm (Đông Anh).

Đặc biệt, dự án đã đáp ứng sự thiếu hụt nguồn cung nước sạch cho cư dân Hà Nội trong đợt nắng nóng cao điểm hè 2019.

Theo ông Đỗ Văn Định - Giám đốc dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống - việc khánh thành phân kỳ 2 nâng tổng công suất lên 300.000m3/ngày đêm, nhà máy sẽ tiếp tục bổ sung cung cấp nước sạch cho các quận nội thành, khu vực trung tâm của thành phố, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho một số vùng bổ sung thuộc ngoại thành Hà Nội như các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Sóc Sơn…

Đồng thời, cấp nước tập trung cho một số khu đô thị lớn đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng như Khu đô thị VinCity Gia Lâm (Gia Lâm), Khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông) và đón đầu tạo cơ sở hạ tầng cho các khu đô thị đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng như Khu đô thị thông minh của Tập đoàn BRG, Công viên Kim Quy, Khu trung tâm triển lãm Quốc gia, Khu đô thị Cổ Loa… tại huyện Đông Anh.

Bên cạnh đó Nhà máy nước mặt sông Đuống còn bổ sung cấp nước vùng cho tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, bổ sung cấp nguồn nước cho thị xã Từ Sơn, Khu đô thị công nghiệp VSIP (Bắc Ninh)…

Cũng theo ông Định, nhà máy áp dụng công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn cao nhất hiện hành tại Việt Nam (tương đương các tiêu chuẩn quốc tế), được vận hành tự động hóa hoàn toàn, và cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Bên cạnh đó, nhà máy còn ứng dụng công nghệ và vận hành quy trình thân thiện với môi trường, đảm bảo chỉ số thất thoát nước thô <1%. Trong quá trình xây dựng, nhà máy đã dự liệu các giải pháp kỹ thuật để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên bề mặt các bồn bể và mái nhà, sử dụng hệ thống đèn LED, lắp đặt cấu hình tự động để tiết kiệm năng lượng… Trong tương lai gần, dự kiến sẽ kết hợp với các đối tác châu Âu để thực hiện việc xử lý chế biến bùn thành các sản phẩm phụ hữu ích cho các ngành nghề khác.

“Mục tiêu, khát vọng của Nhà máy nước mặt Sông Đuống là mang nguồn nước sạch sinh hoạt đến toàn bộ những khu vực thiếu nước của Hà Nội và những tỉnh lân cận”, ông Định nhấn mạnh và cho biết, với năng lực, kỹ thuật và kinh nghiệm hiện tại, nhà máy đã làm chủ được công nghệ, cơ sở hạ tầng và khoảng không cần thiết cho các giai đoạn tiếp theo.

“Do đó, nếu UBND TP.Hà Nội và các tỉnh khác đặt hàng, cứ mỗi 12 tháng, chúng tôi có thể cung cấp thêm 150.000m3 nước sinh hoạt sạch mỗi ngày đêm, để tiếp tục lan toả nguồn sống, giá trị nhân văn cho cộng đồng”, ông Định cho hay.

Nuoc sach 2

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết khi Nhà máy nước mặt Sông Đuống hoàn thành, các hiện tượng mất nước cục bộ tại các khu đô thị và vùng nội thành cơ bản đã được khắc phục.

Theo ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - Nhà máy nước mặt Sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1 nâng tổng công suất lên 300.000m3/ngày đêm là sự kiện rất quan trọng với Hà Nội. Vài năm trước, vào mùa khô, rất nhiều nơi tại Hà Nội thiếu nước sạch, thành phố luôn túc trực xe téc để cung cấp cho những khu vực thiếu nước. Tuy nhiên, hai năm qua, kể từ khi khánh thành phân kỳ 1, các vấn đề trên cơ bản đã được cơ bản giải quyết.

“Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển một hệ hống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho Thủ đô và các vùng lân cận. Chúng ta hoàn toàn yên tâm, các hiện tượng mất nước cục bộ tại các khu đô thị và vùng nội thành cơ bản đã được khắc phục”, ông Chung nhấn mạnh.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), bao gồm 2 hợp phần chính gồm công trình thu – trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn cấp 1 (đường kính từ 800 đến 1800mm) dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm, Long Biên, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

Về quy mô, dự án đến 2019 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050.

Chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y Tế ban hành. Nhà máy nước áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ Châu Âu đạt hiệu suất xử lý cao; tiết kiệm chi phí xây dựng; chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường.

Các thiết bị chính sử dụng cho dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ các nước Châu Âu và G7. Tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, bao gồm ống thép; ống gang dẻo, ống HDPE và các vật tư phụ kiện được nhập khẩu từ Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và Châu Á.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn