Dự án nạo vét 72 tỷ đồng tăng 36 lần lên 2.595 tỷ đồng: Đại biểu Ninh Bình tranh luận

Thời sựThứ Hai, 28/05/2018 17:26:00 +07:00

Chiều 28/5, ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã tranh luận và nói rõ hơn về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình).

Tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016 chiều 28/5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình), dự kiến ban đầu là 72 tỷ đồng nhưng sau đó lên tới gần 2.600 tỷ đồng.

Đại biểu Trí cho biết đó là hiện tượng "đầu chuột đuôi voi" của kinh phí đầu tư cho các dự án.

"Vừa qua cử tri giật mình với một dự án nạo vét sông Sào Khê với phê duyệt ban đầu là 72 tỷ đồng, thế nhưng sau đó cứ nợ dần, nợ dần lên đến gần 2.600 tỷ đồng, quả là qua sức tưởng tượng.

Có thể nói cả thế giới khó tìm ra được loại bột nở nào để làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, lại là voi ma mút như vậy.

Nhưng ở Việt Nam chúng ta, rất lạ là, có không ít những dự án nợ dần như vậy. Trong tất cả các lĩnh vực đường xá, cầu cống, nhà máy, trường học, tượng đài, bệnh viện, cả vật thể và phi vật thể, toàn là trăm ngàn tỷ", đại biểu Trí nêu.

Vị đại biểu Hà Nội băn khoăn: "Chúng tôi nghĩ Chính phủ lấy kinh tế ở đâu để bù vào. Ngân sách hằng năm đã được Quốc hội thông qua, đã phân bổ hết, tại sao lại làm khó cho Chính phủ như vậy?".

nguyen-anh-tri-bui-van-phuong

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí và đại biểu Bùi Văn Phương tranh luận về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình).

Ngay sau đó, ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình bấm nút tranh luận và giải thích rõ hơn về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình).

Ông Phương cho rằng, không hẳn các dự án điều chỉnh vốn đầu tư là "có mờ ám".

Nói rõ hơn về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình), ông Phương cho hay, dự án này bắt đầu từ năm 2011 với mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nhưng do dòng sông chạy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình là vùng đất du lịch nên dự án được điều chỉnh lại so với ban đầu.

Với 4 mục tiêu sau điều chỉnh, gồm nhằm đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, phục vụ giao thông thuỷ và phát triển du lịch Ninh Bình, nên số vốn làm dự án tăng từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ. 

Tuy nhiên, vốn Nhà nước bỏ ra làm dự án này chỉ hơn 1.400 tỷ đồng, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hoá.

"Với dự án có ý nghĩa lớn với sự phát triển của tỉnh như vậy thì việc điều chỉnh đầu tư là hợp lý", ông Phương nói.

Screen Shot 2018-05-23 at 12.10.12 PM

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận với phần giải thích của đại biểu Bùi Văn Phương.

"Chúng ta thấy đội vốn 36 lần từ 72 tỷ đồng lên hơn 2.500 tỷ đồng, đồng thời Ninh Bình cũng là nơi có số nợ đọng lớn, nợ đọng là 5.900 tỷ trong khi số vốn bố trí thì chỉ có 2.000 tỷ, chiếm 34% tổng nợ, có nghĩa là phần còn lại trên 65% chưa có phương án bố trí nguồn.

Tôi nghĩ trên thế giới này một dự án đầu tư phát triển tăng vốn hơn 30 lần như thế thì chúng ta không thể giải thích gì thêm được vì đầu tư phát triển quan trọng nhất của nó là chất lượng và hiệu quả", đại biểu Nghĩa nói.

Dự án đó kéo dài chưa nói tham nhũng, tiêu cực là nó đã không có hiệu quả và không hiệu quả thì nó lại tác động ngược trở lại nền kinh tế, thua lỗ và nó là gánh nặng của nền kinh tế.

"Khi đội vốn và kéo dài thì không có hiệu quả. Tôi đề nghị tốt nhất chúng ta thanh tra dự án này và từ thanh tra này, chúng ta đi đến kết luận đâu là khách quan, đâu là chủ quan. Nếu khách quan và đáng khen thưởng thì chúng ta khen thưởng, còn chỗ nào đáng khắc phục, đáng sửa chữa và phải rút kinh nghiệm chúng ta phải rút kinh nghiệm, tôi nghĩ giải trình ở đây không thể nào hết được.

Trong trường hợp có hiện tượng như vậy tôi đề nghị tiến hành thanh tra, có kết luận để các đồng chí ở Ninh Bình khỏi băn khoăn, thắc mắc, cử tri thấy minh bạch, rõ ràng và người ta yên tâm", đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

Tiếp sau phần phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định: "Tôi muốn đề cập hiện tượng "đầu chuột đuôi voi" rất phổ biến. Khi xin dự án thì chỉ dự án rất nhỏ, sau cứ nở dần ra. Thử hỏi Quốc hội hàng năm vẫn thông qua bây giờ lấy tiền đâu ra để bù vào.

Thứ hai, nói trong đó chỉ có 1.400 tỷ đồng tiền của nhà nước, còn lại là kêu gọi vốn. 1.400 tỳ đồng không nhiều à? Có nở ra nhưng nở gấp 2-3 lần là quá đáng, còn nở nhiều như thế này thì nên xin làm một dự án khác. Tôi đã từng làm quản lý 5 dự án khi làm viện trưởng tôi biết, có nhưng chỉ chừng mực".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng so sánh, vì nơi đó quan trọng, ngày xưa là kinh đô Vua ở để đội vốn là không được.

"Các đồng chí không thương người dân ở Tây Bắc không có cơm ăn, rất khổ, người ta phải di dân. Không ai thích di dân, người ta phải di chuyển chỗ nọ chỗ kia. Không thương những đoạn đường ở Tây Bắc, Tây Nam rất khó khăn. Một lần tôi đi chỉ còn thiếu đường là ứa nước mắt, tại sao không thương họ? Có những vùng như Hà Giang, mùa hoa tam giác mạch đưa ra cả thế mạnh mới, họ rất cần đường, con đường hạnh phúc đó chỉ có tốt cách đây 20 năm, bây giờ không phù hợp để làm du lịch, tại sao không giúp họ?

Xin thưa Quốc hội có hàng triệu người đang mang gen bệnh, tôi chỉ cần xin 1.000 tỷ, tôi cam đoan với Quốc hội có thể giảm được tỷ lệ người mang gen bệnh cho cộng đồng người Việt Nam để cải thiện giống nòi rất nhiều trong bệnh thalassemia, nhưng chúng tôi không dám xin và xin cũng không được", đại biểu Trí kết thúc phần tranh luận.

Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) được Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc trình bày tại Quốc hội chiều 21/5 nhấn mạnh tình trạng điều chỉnh dự án với giá trị lớn, trong đó có Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng).

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 22/5, bà Nguyễn Thị Thanh – Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, dự án ban đầu quy mô nhỏ nhưng khi làm vướng khu cố đô nên yêu cầu phải mở rộng, phải giải phóng mặt bằng, lo tái định cư nên dẫn đến đội vốn. Nguyên nhân chính là do khảo sát không kỹ.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn