Dự án Dolphin Plaza bị thế chấp: Khách hàng vẫn cầm dao đằng lưỡi

Kinh tếThứ Hai, 25/07/2016 16:32:00 +07:00

Việc mua nhà tại dự án Dolphin Plaza nếu chưa được chủ đầu tư và ngân hàng giải chấp thì các căn hộ này vẫn không thể làm được sổ đỏ.

Trước thông tin nghi vấn của người dân về việc chung cư Dolphin Plaza (Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang bị chủ đầu tư cầm cố ở ngân hàng, chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần TID cho rằng, đơn vị này có quyền thế chấp các tài sản thuộc sở hữu của mình mà không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.

Theo công văn do bà Hoàng Hải Yến, Phó giám đốc TID ký nêu rõ, đơn vị này có quyền thế chấp các tài sản thuộc sở hữu của mình mà không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.

chung-cu-Dolphin-Plaza-showbizvn-2272016-a1

Dự án Dolphin Plaza bị thế chấp: Khách hàng vẫn cầm dao đằng lưỡi. (Ảnh: Internet)

Các căn hộ đã bán, đã thu tiền đều được giải chấp và thực tế khách hàng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đồng thời nhận được đầy đủ các quyền lợi liên quan.

Ngân hàng và chủ đầu tư khẳng định mối quan hệ tín dụng giữa hai bên không ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng và chưa từng xảy ra bất kỳ khiếu kiện, mâu thuẫn quyền lợi về vấn đề này", văn bản nêu.

Trong khi đó, đại diện của Ngân hàng TMCP Đại chúng (Pvcombank), xác nhận chung cư cao cấp Dolphin Plaza đang được thế chấp ở Pvcombank.

Theo vị đại diện này, việc dự án đang được thế chấp tại ngân hàng và vẫn làm thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng đã trả hết tiền không có gì mâu thuẫn cả. Vì ngay từ đầu, chủ đầu tư đã xin phương án vay vốn theo hình thức giải chấp từng phần. Có nghĩa, với những khách hàng đã trả tiền đầy đủ, sẽ được làm thủ tục sổ đỏ thì không còn bị thế chấp tại ngân hàng nữa.

Được biết, thời hạn trả nợ của dự án này vẫn còn khoảng 1 năm nữa. Trong trường hợp, khách hàng không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng cũng chỉ siết lại những phần chưa được thanh toán. Đối với những khách hàng đã có sổ đỏ thì không bị ảnh hưởng gì.

Còn theo ông Đặng Ngọc Quang (Phó Giám đốc văn phòng Đăng ký Đất Đai thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội), việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân vẫn diễn ra bình thường vì việc thế chấp của công ty Công ty Cổ phần TID (Chủ đầu tư chung cư) với ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) là thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.

Cuối năm 2014 - đầu năm 2015, khi chủ đầu tư hoàn thành dự án, công ty Cổ phần TID và PvcomBank có một văn bản gửi Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội, đề nghị xác nhận không thế chấp các căn hộ mà chủ đầu tư đã kí hợp đồng mua – bán nhà (có danh sách kèm theo). Theo danh sách đó, đợt 1 có 70 căn hộ. Căn cứ vào đề nghị đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vẫn tiến hành cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình bình thường.

Hiện tại, Sở được đề xuất cấp sổ đỏ cho gần 100 căn hộ trên tổng số hơn 400 căn hộ.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là trong tổng số hơn 400 căn hộ tại dự án này, mới chỉ có gần 100 căn hộ được cấp sổ đỏ, vậy những khách hàng khác mặc dù đã nộp tiền đầy đủ cho chủ đầu tư, nhưng nếu căn hộ vẫn chưa được giải chấp, đồng nghĩa với việc, họ sẽ chưa thể làm được sổ đỏ hoặc sẽ rất khó khăn trong việc làm sổ đỏ.

Và ai sẽ là người quản lý cũng như đốc thúc chủ đầu tư và ngân hàng giải chấp các căn hộ cho người mua nhà. Như vậy, dù mất tiền nhưng khách hàng vẫn phải thêm "bực" vào người.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hương, chủ căn hộ 5A2-T8 dự án Dolphin Plaza là một ví dụ điển hình nhất. Căn hộ của chị mua lại từ một người khác và đã được cấp sổ đỏ, nhưng khi đi làm thủ tục vay vốn, chị vẫn bị ngân hàng từ chối. Chỉ đến khi các cơ quan báo chí lên tiếng thì việc thế chấp căn hộ của chị mới được giải quyết nhanh gọn.

Tuy nhiên trước đó, do không làm được thủ tục vay vốn, nên chị Hương không có đủ tiền để giải quyết 10 container Thanh Long trị giá nửa tỷ đồng/1 container.

"Hàng không xuất được bị lưu tại cảng sẽ hỏng, tôi bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Vậy ai là người chịu trách nhiệm trong sự việc này? Kính mong các cơ quan chức năng và thông tin báo chí vào cuộc giải quyết việc này để người dân như tôi không gặp phải cảnh mất tiền, mất của như thế này”, chị Hương đặt câu hỏi.

Không chỉ chị Hương, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án này cũng đang cùng nỗi lo như chị Hương và không biết căn hộ của mình đã được giải chấp hay chưa.

Mới đây, tại buổi tọa đàm “Tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư”, nhiều ý kiến cho rằng 90% dự án hiện nay đều thế chấp ngân hàng để huy động vốn. Nhiều dự án mở bán khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý. Việc thế chấp có thể là hợp pháp nhưng vấn đề là ngân hàng có giám sát, quản lý dòng tiền để bảo đảm an toàn hay không vẫn chưa được quan tâm, làm chặt.

Cũng tại buổi tọa đàm này, chuyên gia tài chính Hồ Bá Tình cho rằng, hầu như người mua nhà không am hiểu các cơ sở pháp luật.

Họ không biết điều kiện để nhận sổ hồng, sổ đỏ. Người mua nhà thường ở thế yếu nên họ cần được bảo vệ bởi cơ quan quản lý. Ví dụ, nếu khách hàng nghi ngờ và muốn tìm hiểu thông tin dự án nào thì có thể đến cơ quan quản lý để tìm hiểu dự án đó xem có đủ tiền sử dụng đất, giấy phép hay không… Có như vậy mới bảo đảm quyền người mua nhà.

Thời gian gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội mới chính thức đưa ra danh sách ơn 30 dự án đủ cơ sở pháp lý để bán, nhưng thực tế, thời gian vừa qua, hàng loạt dự án vẫn được rao bán rầm rộ trên thị trường.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn