Dự án chế tạo “quái” máy bay của Đức Quốc xã

Tổng hợpChủ Nhật, 13/06/2010 04:30:00 +07:00

Năm1944, Kurt Tank - Giáo sư chuyên nghiên cứu chuyên ngành khí động học người Đức đã quyết định biến ý tưởng của kỹ sư Otto Muck thành hiện thực.

Trong những năm 1944–1945, với mong muốn có thể chế tạo được một loại máy bay chiến đấu có khả năng cơ động nhanh như các loại phản lực cơ, đồng thời có thể cất, hạ cánh được tại các khu vực có bãi đỗ hạn chế, quân đội Phát xít Đức đã nghiên cứu và có ý định chế tạo loại “quái” phi cơ Focke-Wulf Triebflügel để trang bị cho cỗ máy chiến tranh của mình trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Chiến đấu cơ có hình dáng kỳ lạ Focke-Wulf Triebflügel - dự án bất thành của quân đội Phát xít Đức. 

Thực ra, nguồn gốc đầu tiên của loại chiến đấu cơ Focke-Wulf Triebflügel được hình thành từ ý tưởng đã được cấp bằng ý tưởng sáng chế của kỹ sư hãng Siemens của Đức có tên Otto Muck vào năm 1983 về một loại phương tiện bay cất cánh thẳng đứng (VTO - Vertical Take-Off).

 

Năm1944, Kurt Tank - Giáo sư chuyên nghiên cứu chuyên ngành khí động học người Đức đã quyết định biến ý tưởng của kỹ sư Otto Muck thành hiện thực thông qua bản thiết kế kỹ thuật về chiếc máy bay VTO Focke-Wulf Triebflügel do Heinz von Halem phác thảo.

 

Tháng 9 cùng năm đó một dự án chế tạo máy bay cất cánh thẳng đứng Focke-Wulf Triebflügel đã được đệ trình lên giới lãnh đạo của Focke-Wulf Flugzeugbau - tập đoàn chuyên sản xuất máy bay quân sự và dân dụng của Đức Quốc Xã  trong những năm Thế chiến thứ II.

 

Mặc dù dự án chế loại máy bay này đã bị huỷ bỏ sau đó không lâu bởi một số lý do liên quan đến tính hiệu quả, đặc biệt là sự sụp đổ của đế chế độc tài Hitler nhưng dự án chế tạo chiến đấu cơ Focke Wulf Triebflügel vẫn là một trong những nghiên cứu đầu tiên và đáng quan tâm nhất thế giới về loại máy bay chiến đấu ứng dụng công nghệ cánh quay phản lực.

 

Chiến đấu cơ Focke Wulf Triebflügel được thiết kế theo mô hình cột thẳng đứng kể cả khi  cất và hạ cánh. Loại máy bay này hoạt động được nhờ hệ thống động cơ 3 cánh quạt kiểu rotor quay được bố trí ở 2/3 thân tính từ mũi máy bay.

 

Trên mỗi cánh của rotor thân của Focke Wulf Triebflügel các kỹ sư bố trí lắp đặt mỗi cánh 1 động cơ phản lực thẳng dòng (ramjet).

 

Mỗi động cơ phản lực thẳng dòng này có đường kính 0,68 mét với khả năng cung cấp mỗi chiếc 840 kg lực đẩy.

 

Loại động cơ đặc biệt này trước đó đã được chuyên gia khí động học Otto Pabst nghiên cứu thành công sau các cuộc thí nghiệm kiểm chứng tại Cục khí động học của tập đoàn Focke-Wulf Flugzeugbau.

Về cơ bản, loại động cơ phản lực thẳng dòng của chiến đấu cơ Focke Wulf Triebflügel được nghiên cứu và phát triển dựa trên công nghệ đốt nhiên liệu và nén không khí đặc biệt đã từng được sử dụng để chế tạo các loại máy bay tiêm kích trong quân đội Đức.

 

Sở dĩ Focke Wulf Triebflügel được thiết kế theo kiểu đứng thẳng trên mặt đất nhằm tăng tính cơ động sẵn sàng cất cánh trong các tình huống khẩn cấp, đồng thời giảm chi phí xây dựng các sân bay quân sự tại các chiến trường mới.

 

Để đáp ứng yêu cầu này, các kỹ sư đã lắp đặt hệ thống đứng gồm 4 “vi” phụ và một “vi” chính nằm giữa thân máy bay. Đây cũng chính là các chi tiết nằm trong cơ cấu điều khiển hướng bay giống như cấu tạo của một số loại tên lửa có cánh.

 

Trên các “vi” phụ và “vi” chính này được bố trí các bánh xe được chế tạo bằng cao su đặc biệt, các bánh xe này có tác dụng giúp Focke Wulf Triebflügel dễ cơ động trên mặt đất.

Tuy nhiên, khi chiến đấu cơ này bay khỏi mặt đất, hệ thống bánh sẽ được che phủ bởi các thiết bị thép có hình hoa tuy líp để tránh sức cản của không khí khi cơ động giúp Focke Wulf Triebflügel có thể bay nhanh hơn.

 

Buồng điều khiển của phi công trên chiếc Focke Wulf Triebflügel cũng được thiết kế theo kiểu mũ chụp giống như nhiều loại chiến đấu cơ thông thường khác thời kỳ đó.

Hệ thống vũ khí của Focke Wulf Triebflügel được bố trí trên phần đầu của cỗ máy chiến tranh này để tạo điều kiện cho phi công khai thác tối đa các góc bắn từ cabin điều khiển.

 

Mỗi chiếc Focke Wulf Triebflügel được trang bị 2 súng máy cỡ nòng 30 mm MK 103 (200 viên mỗi lần xuất kích); 2 súng máy 20 mm NG 151 (250 viên). 

Mặc dù chương trình chế tạo máy bay chiến đấu Focke Wulf Triebflügel của người Đức đã bị huỷ bỏ, sau khi Chiến tranh thế giới lần II kết thúc một số nước trong phe Đồng Minh, điển hình là Mỹ đã nối lại các nghiên cứu của người Đức và đã chế tạo được 2 loại máy bay dựa trên nguyên lý cất cánh thẳng đứng đã từng được nghiên cứu và chế tạo vào những năm 1944-1945.

 

Theo Bình Nguyên (Khoa Học Đời Sống)

Bình luận
vtcnews.vn