Dư âm sinh nhật 90 tuổi của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 27/03/2015 03:36:00 +07:00

(VTC News) - Ban tổ chức giải thưởng Cống hiến cùng các nghệ sỹ trẻ đến thăm và chúc mừng sinh nhật tại nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

(VTC News) - Ban tổ chức giải thưởng Cống hiến cùng các nghệ sỹ trẻ đến thăm và chúc mừng sinh nhật tại nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 vừa bước qua sinh nhật thứ 90 của mình trong lặng lẽ, gần như không một lời chúc mừng, an ủi.

Có lẽ vì bận việc riêng mà gần 6 tháng qua con gái thứ hai của ông là pianist Thái Linh, hiện sống ở TP.HCM không về thăm ông.
Nguyễn Văn Tý
Nguyễn Thiện Nhân với ca khúc Mẹ yêu con của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý:



Hai người vợ của ông đã qua đời, người đầu tiên mất sau khi sinh con gái đầu lòng, người thứ hai mất hơn 10 năm trước. Cô con gái đầu hiện sống ở Hà Nội, rất ít khi vào TP.HCM để thăm bố, vì thiếu điều kiện.

Có lẽ vì thế mà khi nghe tin các nghệ sĩ muốn đến thăm, mắt ông ngấn lệ, rồi thật thà hỏi lại: 'Nói vậy nhưng rồi có đến thiệt không?'.
Nguyễn Văn Tý
Ca sĩ Phạm Anh Khoa tâm sự anh rất ngại xuất hiện công khai trong những tình huống như thế này, vì ngại mọi người đánh giá là tự đánh bóng hình ảnh.

'Thế nhưng khi nghe đến thăm nhạc sĩ của Dư âm và những ca khúc mà tôi yêu thích, tôi đã rủ ê-kíp của mình cùng đi, vì thật sự chưa biết nhà ông ở đâu để tự đi'.
Nguyễn Văn Tý
Ê-kíp Phạm Anh Khoa ôm đàn hát hai ca khúc thuộc diện 'bất tử' của Nguyễn Văn Tý là Mẹ yêu con, Dư âm. Tiếng hát sâu và dày của nữ ca sĩ Phù Vạn Nam Hương dường như rất phù hợp với ca khúc mang âm hưởng dân gian Bắc bộ là Mẹ yêu con, dù chưa hề tập trước.

'Em chỉ hát theo trí nhớ và ký ức tuổi thơ khi nghe nhiều người mẹ ru con đã hát' - Nam Hương nói. Nhìn hai thế hệ nghệ sĩ cách nhau đến 60-70 năm ngồi tâm sự, hát hò, mà như không có khoảng cách, quả là sự diệu kỳ của nghệ thuật.

Trong lúc nghe Nguyễn Văn Tý giơ tay đánh nhịp và hát theo, rồi rưng rưng lệ. Nguyễn Văn Tý chia sẻ với Phù Vạn Nam Hương lý do vì sao ông phải rời bỏ âm hưởng nhạc tiền chiến để bước sang âm hưởng dân gian và âm hưởng nhạc cách mạng - nhạc đỏ.

Thế nhưng: 'Đời tôi đủ dài để thấy rằng dù bạn theo thể loại nhạc gì thì cuối cùng hãy nghĩ đến dư âm đẹp còn đọng lại trong lòng người nghe. Không có được dư âm đó thì danh vọng, tiền tài, quyền lực… cũng không ý nghĩa gì' - Nguyễn Văn Tý nói.

Ngay sau đó Phạm Anh Khoa hát Trưa hè, ca khúc do anh sáng tác, Phù Vạn Nam Hương hát Thị trấn, ca khúc của nhạc sĩ Quốc Bảo. Vì khá hiểu nhau, nên mỗi khi Phù Vạn Nam Hương hát thì guitarist Phạm Thanh Tuấn đệm đàn rất hợp, cả hai cùng tôn nhau lên.

'Cuộc đời dài lắm, có đó rồi mất đó, các danh hão rồi sẽ mất đi, chỉ mong các bạn hãy vững tâm mà theo đuổi đam mê, chọn lựa của mình. Cuộc đời không chỉ sinh ra từ thực tế đâu, mà còn được sinh ra từ tâm tưởng, ước mơ, sự bay bổng… của chính mình.

Đời không như là mơ, nhưng đôi lúc đời chỉ là giấc mơ mới sướng'
- một chia sẻ và gởi gắm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với các nghệ sĩ trẻ.
Nguyễn Văn Tý
Ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm bè theo hai ca khúc của Nguyễn Văn Tý mà không hát riêng, vì chỉ muốn đến thăm bậc tiền bối mà thôi. Khi mọi người ra về, Tâm còn nán lại chừng 10 phút để gởi lời tâm tình riêng với nhạc sĩ.

Vài năm gần đây, giải âm nhạc Cống hiến, do báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam khởi xướng và tổ chức, đã thành lập Quỹ âm nhạc Cống hiến để thực hiện các hoạt động nghĩa tình, tương ái như thế này.

Hân Lê

Bình luận
vtcnews.vn