Động xương người: Những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 26/04/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Tại sao, ở “suối xương” này tuyệt nhiên không có thứ gì ngoài xương người?

(VTC News) - Tại sao, ở “suối xương” này tuyệt nhiên không có thứ gì ngoài xương người? Và ở những ngách hang khác nữa, cũng chỉ rặt xương người, không có rác rưởi gì cả?


Lạc vào thế giới của xương cốt, chúng tôi không còn biết phải mô tả đường lối như thế nào nữa. Khu vực này như một ma trận, với rất nhiều ngóc ngách. Có ngách đi thẳng, có ngách đi xuống, có ngách dốc ngược lên trời, lại có ngách ở lưng chừng vách, trên nóc vòm động. Cứ nhóm này chui vào ngách, đi một lát, lại chạm mặt nhóm kia.

Nhóm thám hiểm chúng tôi đều cố gắng dánh dấu từng ngách động để tránh đi lạc, tốn công sức, thời gian. Dù có vận động trí nhớ đến chừng nào, cũng không nhớ nổi những chỗ đã đi qua, vì những khe vách đều có màu nhờ nhờ, vàng nhạt giống nhau.

So sánh xương sườn người xưa. 

Tôi trộm nghĩ, nếu mấy chục năm trước, con người không được trang bị hiện đại, tận răng như chúng tôi, với đèn điện đầy đủ, nếu bị lạc trong khu vực này, không có thiết bị chiếu sáng, thì chết rũ trong hang đá là cái chắc. Và có lẽ, trong động này, cũng có những bộ cốt người là hậu quả của cuộc chinh phục hang bị lạc đường.

Trong quá trình tìm kiếm xương cốt, lọt vào một ngách hang, tôi có một phát hiện khá lạ lùng. Đó là, tại một hẻm đá, có vài bộ xương, gồm cả của người lớn lẫn trẻ con. Đống xương này khá đầy đủ các loại, có cả hộp sọ, chỉ có điều hộp sọ đã bị vỡ thành từng mảnh, mỗi mảnh to cỡ lòng bàn tay.

 
Chỉ có vài hộp sọ tìm thấy, nhưng đã vỡ nát. 

Đống xương này gồm những chiếc xương ống chân rất lớn, và những ống xương chân tương đối nhỏ. Phân biệt rõ nhất là những chiếc xương sườn, có những chiếc to, dài trên 20cm, song lại có những chiếc chỉ dài hơn 10cm.

Đống xương này còn khá đầy đủ các loại xương, gồm xương tay, chân, sọ, cột sống, quai xanh, xương hông, xương ngón tay, ngón chân và những chiếc răng.

Với đống xương này, lại có một giả thuyết đặt ra: Phải chăng, đã có một gia đình tử nạn khi chui vào hang động này? Tại sao ông bố, bà mẹ nào đó lại dẫn con vào sâu thế, để rồi tử nạn ở đây? Phải chăng một gia đình, gồm cả người lớn và trẻ con đã chui vào hang để chinh phục, để rồi bỏ mạng trong lòng hang lạnh lẽo này?

Xương sườn người lớn và trẻ con được tìm thấy cạnh nhau. 
Một số mẩu xương được tôi nhặt lên từ đống xương có cả trẻ con lẫn người lớn. Sau khi chụp hình, so sánh, những mẩu xương này được trả về vị trí cũ.  

Tiếp tục đi sâu, đến cuối một ngách, tôi bắt gặp một dãy xương nằm rải rác trong một khe đá dốc. Nhìn cảnh xương cốt rải đều như thế này, rõ ràng xương đã bị nước cuốn vào. Liệu đây có phải là “suối xương” như lời kể của người dân Sài Sơn? Nhưng “suối xương” mà người dân Sài Sơn kể có nước chảy, cát trắng, có cá lạ đầu to mình nhỏ, cả những mảnh thuyền vỡ… Khu vực này không có nước, không có mảnh thuyền nào, mà chỉ có mỗi xương rải dọc như một con suối. Ngoài ra, “suối xương” này cũng chỉ rải trên một đoạn dài vài mét mà thôi.

Chúng tôi lách chân khỏi những mẩu xương nằm rải rác như “suối xương” để đi tiếp vào sâu. Tuy nhiên, chỉ đi được độ 20 mét thì hết đường. Nhìn những mảnh xương rải như kiểu bị nước cuốn, song hang lại hết đường, lại kịch, vậy nước thoát đi đâu? Chẳng lẽ nước cuốn xương đến đây, rồi nước ngấm dần xuống lòng đất?

Cả một đoạn dài vài mét xương rải như "suối xương". Nhìn "suối xương" này có cảm giác như bị nước cuốn tạo nên. 

Giả thiết nước cuốn xương từ nơi khác đến cũng hợp lý, song lại nảy sinh vô vàn câu hỏi không có lời giải đáp. Chẳng hạn: Nếu nước cuốn mọi thứ xuống đây vào mùa mưa lũ, thì phải có cả rác rưởi, chai lọ, cành cây, hoặc những thứ nặng tương đương những khúc xương. Vậy tại sao, ở “suối xương” này tuyệt nhiên không có thứ gì ngoài xương người? Và ở những ngách hang khác nữa, cũng chỉ rặt xương người, không có rác rưởi gì cả? Trong khi đó, một đống rác khổng lồ ở tầng động thứ 2 mà chúng tôi gặp, không hề bị cuốn xuống tầng động thứ 3 một mẩu rác nào.

Nhưng tại sao ở nhiều khu vực xương cốt nằm ngay miệng hang sâu hoắm mà lại không bị nước cuốn xuống? 

Ngoài ra, nếu xương cốt trong hang do nước cuốn xuống từ phía trên, tầng động thứ 2 hoặc thứ 3, thì xương phải theo nước trôi vào những hang trũng, ở đáy động. Nhưng lạ ở chỗ, những đống xương toàn nằm trong các ngách ở trên cao, thậm chí ở lưng chừng động.

Như vậy, cứ cho là có hiện tượng nước cuốn xương trôi, thì cũng chỉ cuốn đi một đoạn, từ miệng khe đến cuối khe đá mà thôi, chứ không thể từ miệng hang, từ tầng thứ 2 hoặc tầng động thứ 3 xuống đáy hang rồi xương tự nhảy vọt lên các ngách động ở lưng chừng vách đá.

Trong quá trình đi tìm kho xương, tôi thấy xuất hiện khá nhiều đồ gốm, phần lớn đã bị vỡ. Có những chiếc đĩa, bát rất lớn, ghép các mảnh lại, có thể thấy chiếc đĩa hoặc bát có đường kính lên đến 40cm, như đồ đựng thức ăn cho nhiều người.

Vô số mảnh chum như thế này được tìm thấy trong động. 
 

Thứ xuất hiện tương đối nhiều trong các khe vách, đó là những chiếc chum sành. Hầu hết những chiếc chum sành đã bị đập vỡ thành nhiều mảnh.

Vậy người xưa mang chum sành vào trong hang tối, sâu hoắm này làm gì? Chẳng lẽ họ mang vào để hứng nước? Hay thời xưa, tại khu vực chùa Thầy có tục táng chum, nghĩa là tử thi được nhét vào chum, rồi được khiêng vào hang này bỏ. Sau này, giới săn cổ vật đã đập chum tìm của, làm xương vãi tung tóe ra ngoài?

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, ở Việt Nam, có một hình thức mộ táng bằng chum, thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh (khoảng năm 1.000 TCN đến cuối thế kỷ thứ 2) ở vùng Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, ngoài Bắc, từ đầu công nguyên đến nay không có hình thức mộ táng này.

Hơn nữa, qua quan sát, tôi thấy rằng, những chiếc chum bị đập vỡ trong hang động tương đối nhỏ, chỉ có thể đựng vừa một bộ xương, chứ không thể nhét vừa xác người. Ngoài ra, những chiếc chum sành này có niên đại tương đối gần, chỉ cỡ vài trăm năm, chứ không đến hàng ngàn năm. Nếu vài trăm năm trước, tại Sài Sơn, có hình thức táng chum, thì người dân Sài Sơn không thể không biết được.

Xương cột sống. 

Cũng có một số giả thuyết đặt ra, rằng xương cốt trong động là của những người chết đói năm 1945. Nhưng giả thuyết này cũng bị bác bỏ nhanh chóng, vì từ thập kỷ thứ 3, thế kỷ 20, người dân Sài Sơn và nhà chùa đã mở động, tiến hành thu gom xương cốt cho vào bể. Sự việc này vẫn còn ghi rõ trên bia đá tại hang Cắc Cớ và lưu giữ trong chùa. Như vậy, những bộ xương trong hang phải có trước thập kỷ 30 của thế kỷ trước, chứ không phải của nạn nhân trận đói lịch sử.

Giả thuyết tục táng treo trên núi như một số “hang ma” ở Sơn La, Thanh Hóa cũng bị các nhà khoa học bác bỏ. Nếu có tục táng này, thì những chiếc quan tài gỗ sẽ còn dấu vết. Tại những “hang ma”, trong khi xương cốt đã tiêu hết, thì những chiếc quan tài vẫn còn nguyên, thậm chí là gỗ còn tương đối tốt.

Cho đến thời điểm này, dù bể xương trong chùa đã rất nổi tiếng, song vẫn chưa hề có cuộc nghiên cứu nào của các nhà khoa học và chưa được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức. Tôi đã hỏi rất nhiều người quản lý chùa, chính quyền địa phương, song thông tin duy nhất mà họ cung cấp, cũng chỉ là truyền thuyết về nghĩa quân Lữ Gia chống Hán, bị nhốt và chết trong hang, như trong truyền thuyết lưu truyền dân gian. Ngoài ra, không nhận được thêm bất cứ thông tin gì khác. Nhưng bộ xương nằm đó cả trăm năm nay, vẫn bị bí ẩn bao trùm, như màn đêm bao phủ tuyệt đối của hang động. Những câu hỏi của cũng lạc vào bóng đêm vĩnh cửu của Thần Quang Động.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn