Đồng tiền 'sạch', đồng tiền 'bẩn' vào đề thi học kỳ II ở TP.HCM

Giáo dụcThứ Bảy, 20/04/2019 07:07:00 +07:00

Đề kiểm tra học kỳ 2 môn Giáo dục công dân ở TP.HCM đưa ngữ liệu đồng tiền "sạch", đồng tiền "bẩn" để học sinh bàn về lao động chân chính.

Phòng GD&ĐT Quận 3, TP.HCM vừa tổ chức thi học kỳ II môn giáo dục công dân cho học sinh khối 9 trên địa bàn quận. Đề thi gây bất ngờ và tạo thích thú cho học sinh khi đề cập đến vấn đề rất thời sự và mang tính giáo dục cao đó là đồng tiền "sạch" và đồng tiền "bẩn".

Câu 4 của đề thi có nội dung như sau:

Đồng tiền “sạch” và đồng tiền “bẩn”

"…Dưới con mắt thầy thuốc, tiền là một thứ rất bẩn, bởi được truyền qua tay rất nhiều người nên chứa rất nhiều loại vi khuẩn có hại. Vì vậy, các nhà khoa học khuyên nên chú ý giữ vệ sinh khi tiếp xúc với tiền.

Đứng ở góc độ xã hội, chúng ta lại nhận thấy như một nghịch lý: những đồng tiền lấm lem, mồ hôi, dầu mỡ, đôi khi bị rách, nhàu nát của người lao động lại là những đồng tiền “sạch”, nghĩa là được tạo ra bởi bàn tay, khối óc của người lao động. Vì vậy, đồng tiền đó là chính đáng và rất quý.

Còn nhiều khi những đồng tiền mới tinh, cáu cạnh lại là những đồng tiền “bẩn”, nôm na là được tạo ra bởi những nguyên do bất chính: trộm cắp, tham nhũng, buôn gian bán lận, lừa đảo, mánh khóe, ức hiếp…"

Từ ngữ liệu, đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn (7-10 dòng) nên suy nghĩ của bản thân về những người lao động tạo ra tiền “sạch” và phê phán những kẻ kiếm tiền “bẩn”. Từ đó, học sinh liên hệ bản thân về cách rèn luyện để trở thành người lao động chân chính.

57909005_2254743274746449_2812545061609275392_n

Đề thi môn giáo dục công dân gây hứng thú cho học sinh. 

Thầy Nguyễn Tấn T., giáo viên dạy môn giáo dục công dân ở Quận Tân Phú, TP.HCM nhận xét:
Cách ra đề thi trên tạo cho học sinh sự hứng thú trong việc học và làm bài thi. Đề thi rất thời sự, chạm đến những vấn đề nóng hổi trong xã hội và có tính giáo dục cao. Từ đề thi, giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy và học sinh cũng phải thay đổi cách học cho thời gian thay sách giáo khoa sắp tới".

Cũng theo thầy T., mặc dù đây là đề mở nhưng học sinh cần nói được, tiền “sạch” thường khó kiếm, có thể người lao động phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí cả máu mới kiếm được nên họ rất quý trọng. Ngược lại, tiền “bẩn” thường kiếm được một cách quá dễ dàng, nhanh chóng như trộm cắp, tham nhũng, buôn gian bán lận, lừa đảo,... Tiền “bẩn” do đó không được quý trọng và nhiều khi được người ta tiêu xài vô cùng lãng phí. 

"Để trở thành người lao động chân chính, học sinh phải ý thức được việc kiếm ra đồng tiền chính đáng mới có giá trị, đồng thời lên án những kẻ kiếm tiền bất chính, bất chấp thủ đoạn", thầy T. bình luận thêm.

PHAN THẾ HOÀI
Bình luận
vtcnews.vn