Đồng Rúp mất giá, doanh nghiệp Việt Nam được - mất gì?

Kinh tếThứ Hai, 29/12/2014 11:24:00 +07:00

(VTC News) - Đồng Rúp đang rơi vào thảm cảnh chưa từng có trong suốt 16 năm qua và đang tác động mạnh mẽ tới quan hệ thương mại giữa Nga và Việt Nam.

(VTC News) - Đồng Rúp đang rơi vào thảm cảnh chưa từng có trong suốt 16 năm qua đang khiến doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, du lịch... đang làm ăn với Nga cũng lâm vào tình cảnh "dở khóc dở cười".

Sự cấm vận thương mại từ Mỹ và các quốc gia châu Âu đã khiến cho các mặt hàng trên thị trường Nga bị thiếu hụt nghiêm trọng và tăng giá một cách đột biến. Do đó nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội và nhanh chóng tiếp cận, mở rộng thị trường tại Nga. Tuy nhiên đến khi đồng Rúp của Nga trên đà tuột dốc không phanh thì các doanh nghiệp này cũng rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười".

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chịu lỗ nặng 

Theo các chuyên gia kinh tế, sức mua của thị trường Nga đã giảm đi đáng kể khi nước này bắt đầu rơi vào tình cảnh suy thoái, từ đó kéo theo sức cạnh tranh của thị trường giảm và số lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nga của các doanh nghiệp Việt cũng giảm theo, đặc biệt trong đó có mặt hàng thủy sản.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Nga đang gặp phải  rất nhiều khó khăn - Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp đã phải hủy hàng loạt đơn hàng xuất khẩu sang Nga vì hàng hóa tại đây tiêu thụ khá chậm, một số doanh nghiệp khác cũng đành "ngậm ngùi" dừng cuộc chơi trên thị trường khốn khó này.

Đối với những doanh nghiệp còn có thể tiếp tục trụ lại tuy có thêm nhiều thị phần hơn nhưng phải chấp nhận đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi phải chịu lỗ lớn trong vòng từ 6 tháng tới 1 năm. Bởi lẽ, với cú sốc hơn 59 Rúp mới đổi được 1 USD như vừa qua, các nhà nhập khẩu của Nga đang mong muốn các doanh nghiệp này sẽ giảm thêm 30% giá trị của hàng hóa so với lúc ban đầu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khả năng thanh toán giữa Nga và các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó khăn bởi đồng Rúp đang trượt giá mạnh trong khi các hợp đồng giao dịch giữa hai nước vẫn được tính bằng đồng đô la Mỹ.

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp nhập khẩu ở Nga đang phải xoay sở với việc thanh toán hợp đồng và xin được gia hạn trả tiền đến cuối năm 2015. Còn một số nhà nhập khẩu khác dù đã được các công ty ở Việt Nam nhiều lần gửi thư thông báo thanh toán hợp đồng và nợ đến nhưng cũng không thấy họ hồi đáp.

Ông Hòe thừa nhận vấn đề đau đầu nhất hiện nay của nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu thủy sản sang Nga là vẫn là vấn đề công nợ, vì vậy chẳng còn cách nào khác là phải đồng ý cho phía đối tác Nga được giãn thời hạn thanh toán.

Thép Việt Nam "thấp thỏm"

Đối với ngành sản xuất sắt thép trong nước cũng đang phải đối mặt với những lo ngại về việc thép của Nga sẽ xuất khẩu ồ ạt sang Việt Nam và bán với giá rẻ, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng sắt thép trong nước và dẫn tới việc các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ mất thị phần ngay trên chính địa phận của mình.

Ngành thép trong nước lo ngại việc nhập khẩu ồ ạt thép Nga với giá rẻ - Ảnh minh họa

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt đánh giá Nga lâu nay vốn có lợi thế về sản xuất thép với tổng sản lượng đứng thứ 5 toàn cầu (hơn 70 triệu tấn/năm), chi phí sản xuất thấp, nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú và công nghệ cao.

Thậm chí trong thời gian tới nếu thuế nhập khẩu thép từ Nga về Việt Nam giảm theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Hải quan (VCUFTA) thì chắc chắn các nhà sản xuất thép trong nước lại càng thêm phần khó khăn.

Du lịch điêu đứng vì lượng khách giảm, hủy chuyến tăng

Riêng ngành công nghiệp không khói cũng đang điêu đứng vì đồng Rúp. Các điểm du lịch như Mũi Né, Nha Trang thời gian này vắng hẳn khách Nga. Từ đầu tháng 12 cho đến nay, lượng khách Nga đặt tour cũng đã giảm đến 50%-60% vì tính theo tiền Rúp thì giá tour so với trước đây đã tăng lên gấp rưỡi.

 Du khách Nga giảm hẳn dù các tour có giá ưu đãi và nhiều khuyến mại - Ảnh minh họa

Các công ty du lịch mặc dù đã chấp nhận thua lỗ để đưa ra nhiều gói tour giá thấp và nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi để hút khách đặt vé nhưng cũng không ăn thua. Chưa kể việc hủy và giảm chuyến ngày càng trầm trọng cũng khiến các công ty du lịch phải gánh chịu nhiều thiệt hại.

Như công ty Anex Tour chỉ tính riêng trong tháng 12 đã giảm từ 8 – 10 chuyến, trong khi hợp đồng thuê máy bay, thuê xe thì đã thanh toán mà có ít khách đến mấy cũng vẫn phải chạy. Bên cạnh đó nhiều khách hàng đặt tour từ trước khi đồng Rúp sụt giá cũng khiến công ty phải bù một khoản lỗ không hề nhỏ.

Các nhà hàng, khách sạn cho đến các resort tại Nha Trang, Phan Thiết cũng như đang ngồi trên đống lửa vì lượng khách Nga giảm hẳn. Theo Phó Giám đốc Công ty Tiến Đạt Resort cho biết: “Resort chúng tôi có 120 phòng nhưng giờ chỉ 30 phòng có khách, lượng khách đã sụt giảm mạnh từ 70%-80%.  Theo thông tin mà tôi biết được thì đầu năm 2015 có thể còn giảm mạnh nữa".

Clip Người Việt tại Nga chống chọi với thảm cảnh đồng Rúp mất giá

 

Những hy vọng với bước ngoặt mới

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh Hải quan trong đó có Liên bang Nga sẽ chính thức được ký kết vào đầu năm 2015. Đây được xem là bước khởi đầu cho việc Việt Nam sẽ ngày càng thắt chặt quan hệ thương mại với Nga và giúp cho Việt Nam ngày càng có thêm nhiều cơ hội để xâm nhập mạnh vào thị trường rộng lớn và tiềm năng của nước này. 

Bên cạnh đó Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi khi thu hút được nhiều các dự án của Nga đổ về trong nước như các dự án về điện và dầu khí, chưa kể còn có thể nhập khẩu được nguyên liệu và hàng hóa từ Nga với những mức giá hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhận định, trước tình hình bấp bênh của Nga về kinh tế và đồng nội tệ như hiện nay thì Việt Nam sẽ phải chịu những tác động không nhỏ và phải cần có thời gian cũng như những biện pháp thiết thực hơn nữa mới có thể phục hồi trở lại và tiếp tục phát triển.

Clip Nga phải gánh chịu những gì khi đồng Rúp trượt giá

Huyền Trân

Bình luận
vtcnews.vn