Đồng loạt các trường tiểu học cắt dịch vụ bán trú

Giáo dụcChủ Nhật, 01/01/2012 04:03:00 +07:00

Hơn 8.000 HS tiểu học của TP Nam Đinh sẽ không được cung cấp dịch vụ bán trú bắt đầu từ tháng 1/2012.

Hơn 8.000 HS tiểu học của TP Nam Đinh sẽ không được cung cấp dịch vụ bán trú bắt đầu từ tháng 1/2012. Trong khi phụ huynh lo lắng chưa biết xoay sở thế nào trước tình huống bất ngờ này thì các trường vẫn đang chờ đợi sự điều chỉnh từ cấp trên.

Với việc các trường tiểu học đồng loạt cắt dịch vụ bán trú thì kể từ tháng 1/2012 các bậc phụ huynh phải đón con thêm 2 lượt sau 10h30' và trước 14h mỗi ngày. Chị Mai Linh, có con đang học lớp 3, chia sẻ: “Hầu hết các bậc phụ huynh ở thành phố đều làm công nhân viên chức nên thời gian phải tuân thủ theo quy định. Trong khi con thì tan buổi học sáng từ lúc 10h30 thì đến tận 11h30 chúng tôi mới được phép rời cơ quan. Thật sự nếu trường cắt dịch vụ bán trú chúng tôi không biết xoay sở thế nào”.

Không thể tổ chức bán trú cho HS!

Bữa ăn của HS bán trú 

Trước hiện trạng này, chúng tôi đã trao đổi với một số hiệu trưởng của các trường tiểu học ở TP Nam Đinh để tìm hiểu nguyên nhân đồng loạt cắt dịch vụ bán trú.

Theo cô Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học N.T thì sở dĩ các trường không thể tiếp tục cung cấp được dịch vụ bán trú là do văn bản ban hành về “Tăng cường quản lý việc huy động đóng góp ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục” của UBND TP Nam Định ban hanh ngày 1/11/2011. Trong văn bản này có quy định tiền nuôi ăn bán trú đối với các cơ sở giáo dục tiểu học có tổ chức cho trẻ ăn ở trường với mức đóng góp tối đa 15.000 đồng/HS/ngày.

“Trước khi ban hành văn bản này trường chúng tôi thu tiền ăn bán trú là 20.000 đồng/HS/ngày nhưng cũng đã thấy khó chế biến suất ăn rồi. Chính vì thế khi văn bản được gửi về trường nhà bếp thông báo là với mức như vậy không thể đảm bảo suất ăn cho trẻ và đã đề nghị là không tiếp tục được nữa. Tuy nhiên chúng tôi đã động viên để cố gắng thực hiện hết năm 2011 còn từ tháng 1/2012 thì đành phải cắt dịch vụ này vì không thể đáp ứng được với mức tiền thu như vậy” - cô Hạnh cho hay.

Cũng theo cô Hạnh, bản thân nhiều phụ huynh khi được biết văn bản cũng đã đề xuất là cứ thu theo mức cũ nhưng trường vẫn phải thực hiện theo đúng chỉ thị của cấp trên vì không thể làm sai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với mức tiền ăn 15.000 đồng/HS/ngày thì đã phải trích ra gần 5.000 đồng dành cho việc quản lý, trông coi HS nghỉ trưa, trả tiền thuê đầu bếp, phục vụ, vệ sinh... Chính vì thế, số tiền ăn của các cháu chỉ còn 10.000 đồng/ngày. Với mức tiền ít ỏi này các trường phải bố trí một bữa ăn chính và khi các cháu ngủ trưa dậy sau sẽ có thêm một bữa ăn phụ trước khi bước vào học buổi chiều là quá khó. Chính vì thê ngay sau khi có văn bản không ít trường đã đưa ra biện pháp khắc phục trước mắt đó là bỏ bữa ăn phụ, cắt giảm thức ăn trong bữa chính những vẫn cố gắng để đảm bảo đủ chất cho HS.

“Thực sự đây chỉ là giải pháp tạm thời nhưng cũng không thể kéo dài được. Việc tổ chức ăn bán trú cho HS đòi hỏi rất nhiều yếu tố như đảm bảo an toàn vệ sinh, đủ hàm lượng chất dinh dưỡng cho trẻ…Với kiểu gượng ép để làm như thế này thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra. Chính vì thế chúng tôi mong cấp trên có một sự điều chỉnh hợp lý” - chị L.T.H, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 bày tỏ.

Nghịch lý ban hành văn bản

Khi được chúng tôi đặt ra vấn đề là khi UBND TP Nam Định quyết định mức thu tiền ăn là 15.000 đồng/HS/ngày thì có xuống các trường khảo sát, đánh giá hay không…, nhiều hiệu trưởng bày tỏ: “Trường tôi thì không thấy những chắc là có xuống các trường khác…”.

Chưa bàn đến việc là đơn vị tham mưu cho UBND TP Nam Định ban hành văn bản này có đi khảo sát thực tế hay không nhưng so với chủ trương của ngành giáo dục thì cách làm này quá cứng nhắc và gây khó cho các trường.

Công tác bán trú được hình thành dựa trên trên tinh thần thoả thuận giữa cha mẹ HS với nhà trường. Chính vì thế việc ban hành văn bản của UBND TP Nam Định khác gì “cấm đoán” phụ huynh và nhà trường?!

“Thiết nghĩ việc ban hành văn bản cũng có mặt tốt của nó nhưng lỗi ở đây là quá cứng nhắc về mức thu. Đáng lẽ ra có thể đưa ra mức thu dao động trong phạm vi rộng hơn, căn cứ vào đó phụ huynh và nhà trường sẽ ngồi lại bàn bạc để thống nhất mức hợp lý. Không chế cứng nhắc lại không tinh đến việc giá cả lương thực biến động nên việc gây khó khăn cho các trường là hệ quả tất yếu”- Phụ huynh Lê Thị Hà đánh giá.

Được biết sau khi triển khai một thời gian ngắn, hầu hết các trường tiểu học ở TP Nam Định đã có tờ trình nêu ra những bất cập lên Phòng GD-ĐT. Sau khi tiếp nhận tờ trình của các trường bản thân Phòng GD-ĐT cũng đã có văn bản trình lên Sở GD-ĐT và UBND thành phố ngày 12/12/2011, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Theo thông tin PV mới có được, hiện tại các ban ngành liên quan vẫn đang ngồi lại với nhau để “bàn bạc” còn khi nào có thông báo trả lời chính thức cho các trường vẫn bỏ ngỏ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về diễn biến vụ việc này.

Nguyễn Hùng/Theo Dân trí

Bình luận
vtcnews.vn