Động đất Sông Tranh 2: Người dân làm gì để thoát thân?

Thời sựThứ Năm, 06/09/2012 06:55:00 +07:00

(VTC News) - Trước hiện tượng động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn Bắc Trà My và các huyện lân cận, Quảng Nam đã phát văn bản hướng dẫn đến các địa phương.

(VTC News) - Sau một loạt các sự cố động đất xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My cùng dư chấn xuất hiện tại các huyện lân cận, UBND tỉnh Quảng Nam phát văn bản hướng dẫn ứng phó động đất đến các huyện.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Trà My, Nam Trà My và một số địa phương lân cận đã xảy ra hơn 40 trận động đất, trong đó đặc biệt vào tối ngày 03/9/2012 xuất hiện trận động đất với cường độ khoảng 4,2 độ richter, gây rung chuyển nhiều nhà dân và trụ sở cơ quan ở các địa phương trên. 
Trước tình trạng động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Bắc Trà My và các huyện lân cận, UBND tỉnh Quảng Nam đã "phát" văn bản hướng dẫn ứng phó động đất gửi các địa phương trong tỉnh 

Trước tình hình đó, nhằm đối phó với động đất có thể còn tiếp tục xảy ra tại các địa phương trên, ngày 5/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra văn bản phổ biến một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất, gửi Ban chỉ huy PCLB & TKCN các huyện, thành phố trong tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy PCLB & TKCN các địa phương tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân trên địa bàn, nhằm chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do động đất gây ra.

Theo ghi nhận của UBND tỉnh Quảng Nam, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Trà My, Nam Trà My và một số địa phương lân cận đã xảy ra hơn 40 trận động đất lớn nhỏ 

Theo đó, văn bản hướng dẫn người dân các địa phương có kế hoạch dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, bông băng, thuốc chữa bệnh thông thường cùng các vật dụng nhu yếu phẩm đề phòng khi có động đất xảy ra; Không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao; không đặt giường ngủ sát cửa kính;

Những vật dụng trong nhà dễ ngã đổ, rơi xuống, nên được gắn chặt vào tường nhà nhằm tránh rơi xuống đất gây thương tích; Các đồ đạc nặng như kệ sách, tủ, chén bát…. nên đặt xa khỏi các cửa ra vào, các nơi thường lui tới để khi ngã đổ vẫn không chắn lối ra và nên gắn chặt vào tường nhà…trước khi có động đất xảy ra. Đồng thời theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Khi có động đất xảy ra, nếu ở trong nhà, người dân phải ngay lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập vẫn có không khí để thở. Nếu không có gầm bàn thì chạy đến góc phòng mà đứng, không chạy ra khỏi nhà khi có chấn động do động đất gây ra.

Sau khi chấn động ngừng mới rời khỏi phòng, nhà nếu cần; Khi di chuyển ra khỏi nhà cần lấy các vật che trên đầu như gối, cặp sách, cặp tài liệu nhằm tránh vật trên cao rơi vào đầu.

Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì phải lánh nạn ở những bãi đất trống, chạy tránh xa các tòa nhà cao ốc, tường cao, cây to và đường dây điện để tránh sập đổ…
Sau chấn động đầu tiên thường có thời gian yên tĩnh, sau đó mới có chấn động mới, do đó người dân không nên hoảng sợ.

Báo cáo vụ việc lên Thủ tướng Chính Phủ

Ngày 6/9, ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận, sau diễn biến của các đợt động đất hôm 3/9 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương về tình hình và diễn biến sự việc.

“Quảng Nam cũng đã đề xuất các cơ quan liên quan khẩn trương cho lắp đặt hệ thống quan trắc động đất tại khu vực huyện Bắc Trà My để cảnh báo kịp thời, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ ngành Trung ương sớm lập đoàn kiểm tra vào huyện Bắc Trà My, để khảo sát tình hình động đất cũng như vấn đề liên quan đến đập thủy điện Sông Tranh 2 để người dân yên tâm”, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.

Bửu Lân-Thùy Dương
Bình luận
vtcnews.vn