Động cơ thực sự sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman là gì?

Thế giớiThứ Bảy, 15/06/2019 07:11:00 +07:00

Động cơ đằng sau cuộc tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman là gì và những vòng xoáy căng thẳng tại khu vực này rồi sẽ đi tới đâu?

Khi những cột khói bốc lên trong cuộc tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman, những nhà kinh doanh dầu mỏ và những nhà ngoại giao "đứng ngồi không yên" trong nỗi lo sợ về cuộc xung đột đang có nguy cơ bùng phát ở Trung Đông vốn đã chẳng yên ổn.

tauchodau_tyim

Một tàu chở dầu bốc cháy trên Vịnh Oman ngày 13/6/2019. Ảnh: AP 

Những điều xảy ra khá rõ ràng - 2 tàu chở dầu bị tấn công khi hoạt động trên tuyến vận chuyển chiến lược bận rộn nhưng câu hỏi tại sao nó lại xảy ra và ai là người đứng đằng sau sự việc này lại không hề dễ lý giải, ít nhất là bởi dường như không có quốc gia nào trong khu vực có được lợi ích rõ ràng trong "phi vụ" này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công trên Vịnh Oman như một phần trong "chiến lược" nhằm làm leo thang căng thẳng, đồng thời khẳng định hành động này đã đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới. Sau đó, ngày 14/6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đoạn video mà nước này cho rằng, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang dỡ ngư lôi chưa nổ khỏi mạn con tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman.

Vì sao Iran bị cáo buộc là thủ phạm?

Một số chuyên gia Mỹ cho rằng chính Iran là thủ phạm của cuộc tấn công bởi nước này đang gặp khó khăn khi chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hướng giải quyết ban đầu của Iran là chờ đợi một cách kiên nhẫn với hy vọng ông Trump sẽ "nguôi dần" rồi từ từ giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Behnam Ben Taleblu từ tổ chức Foundation for Defense of Democracies: "Iran bây giờ có thể sẵn sàng liều lĩnh chấp nhận mọi rủi ro để thoát khỏi thế bế tắc về kinh tế".

Theo các chuyên gia ở Học viện quân sự Abdulrazaq: "Iran đang tiến hành các cuộc tấn công để chỉ ra rằng nước này có thể làm rung chuyển sự ổn định nền kinh tế toàn cầu khi đe dọa đến việc vận chuyển năng lượng và hàng hóa quan trọng khác ở vùng Vịnh".

Tuy nhiên, Iran không có nhiều lợi ích đạt được nếu tiến hành cuộc tấn công này bởi điều đó sẽ chỉ khiến Tehran ngày càng bị cô lập cũng như đối diện với nhiều sức ép quân sự hơn trong khi nền kinh tế Iran đang trong tình trạng tồi tệ.

Thực tế là qua việc cáo buộc Iran là thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công, chính quyền Tổng thống Trump có cơ hội mới để tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quôc tế đối với chính sách về Iran sau khi việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018 từng khiến Washington bị chỉ trích.

Một quan chức Mỹ cho biết, tại cuộc họp kín sáng 13/6, hầu hết các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều lên án các cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở dầu. Do đó, sự việc vừa qua sẽ khiến Mỹ tìm kiếm được nhiều sự ủng hộ hơn cũng như “hợp lý hóa” chính sách cứng rắn với Iran.

Căng thẳng Mỹ-Iran sẽ đi tới đâu?

Một số người cho rằng sự việc 2 tàu chở dầu bị tấn công chỉ là "giọt nước tràn ly" cho những căng thẳng giữa Mỹ với Iran. Sự việc này cho thấy rằng chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ đã phản tác dụng.

Washington cho rằng chiến lược gây sức ép về kinh tế và chính trị với Iran sẽ khiến nước cộng hòa Hồi giáo này phải quay trở lại bàn đàm phán nhưng nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này là thủ phạm đứng đằng sau các vụ tấn công. Có điều tới nay không có dấu hiệu nào cho thấy Washington đang chuẩn bị đáp trả quân sự trước các cuộc tấn công vào tàu chở dầu ở vùng Vịnh. Thay vào đó, Mỹ sẽ sử dụng những sự kiện này với cáo buộc Iran là thủ phạm để tiếp tục cô lập và gây sức ép với Iran.

 Mỹ cũng lựa chọn việc tăng cường tuần tra trên biển, đồng thời cử thêm tàu chiến tới khu vực này. Sau khi Ngoại trưởng Pompeo cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công tàu chở dầu, Tổng thống Trump đã "dập tắt" những hy vọng cuối cùng về các cuộc đàm phán với Iran.

"Tôi cảm thấy rằng còn quá sớm để nghĩ về một thỏa thuận. Họ chưa sẵn sàng và chúng tôi cũng vậy".

Thực tế, Iran cũng chưa bao giờ sẵn sàng để ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ và điều ấy rõ ràng thể hiện qua những bình luận của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei trên Twitter ngày 13/6: "Tôi không nghĩ ông Trump là một người xứng đáng để chúng tôi trao đổi cùng. Tôi sẽ không phản hồi hay trả lời ông ấy".

Vấn đề ở đây là chiến lược "gây sức ép tối đa" của ông Trump thật không may lại vấp phải chiến lược "chống cự tối đa" của lãnh tụ tối cao Iran và việc căng thẳng Mỹ - Iran sẽ “hạ nhiệt” khi nào sẽ không phải một câu hỏi có thể trả lời sớm.

Video: Tàu chở dầu bốc cháy ngùn ngụt sau sự cố trên vịnh Oman

Chiến tranh sẽ bùng nổ?

Ai đứng đằng sau các cuộc tấn công, đó vẫn là một câu hỏi. Nhưng các lực lượng thù địch nhau gay gắt, những động cơ khác biệt, những căng thẳng sục sôi ở Trung Đông có lẽ sẽ đem đến những câu trả lời hợp lý cho sự việc lần này.

Nếu Iran có liên quan, quốc gia này muốn gửi đến Mỹ một thông điệp rằng nước này có khả năng khiến nền kinh tế thế giới phải gián đoạn bằng các cuộc tấn công ở eo biển chiến lược Hormuz.

Cuộc tấn công vào 2 tàu chở dầu ngày 13/6 diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm và có nhiều yếu tố không đơn giản chỉ lý giải bằng sự tình cờ. Đó là việc 1 trong 2 con tàu bị phá hoại là của Nhật Bản và cuộc tấn công này xảy ra đúng vào lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở Tehran đem theo thông điệp từ Tổng thống Trump gửi tới Iran. Như Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định thì "sứ mệnh của ông Abe là yêu cầu Iran giảm leo thang căng thăng và bước vào đàm phán".

Nhằm vào tàu của Nhật, phải chăng thủ phạm đứng đằng sau muốn gửi đến ông Trump một thông điệp rằng lời cam kết bảo vệ các đồng minh của Mỹ chỉ là sáo rỗng?

Nhưng nếu Iran hy vọng chuyến thăm của ông Abe sẽ là cơ hội để thuyết phục Nhật Bản mua dầu của nước này bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ thì giả thuyết Iran là thủ phạm tấn công các tàu chở dầu lại trở nên mâu thuẫn.

Một số người theo thuyết âm mưu cho rằng các kẻ thù của Iran trong khu vực, chẳng hạn như Saudi Arabia vốn luôn muốn Iran và Mỹ đối đầu có thể mới chính là kẻ đứng đằng sau cuộc tấn công tàu chở dầu.

Sự việc lần này xảy ra chỉ 1 tháng sau khi 4 tàu chở dầu thương mại trước đó cũng bị tấn công ở vùng Vịnh nhưng cuộc tấn công 2 tàu chở dầu vừa qua với mức độ tinh vi và đắt đỏ hơn đã đặt ra nhiều câu hỏi và cũng âm ỉ nhiều nguy cơ về vòng xoáy căng thẳng Trung Đông khi chỉ cần một diễn biến bất ngờ xảy ra là có thể sẵn sàng bùng nổ thành một cuộc chiến.

Kiều Anh/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn