Đòn trừng phạt đau đớn nhất của chồng

Sức khỏeThứ Hai, 26/03/2012 08:38:00 +07:00

Tình cờ gặp tôi ngồi trong quán chuyện trò với mấy người bạn học, trong đó có người yêu cũ của tôi, anh chỉ buông một câu “giỏi nhỉ” rồi lặng lẽ bỏ về.

Tình cờ gặp tôi ngồi trong quán chuyện trò với mấy người bạn học, trong đó có người yêu cũ của tôi, anh chỉ buông một câu “giỏi nhỉ” rồi lặng lẽ bỏ về.

Chị Hoàng Thanh V, ngõ 64 phố Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) kể lại lý do buộc phải ly hôn trong nước mắt: “Tình cờ gặp tôi ngồi trong quán chuyện trò với mấy người bạn học, trong đó có người yêu cũ của tôi, anh chỉ buông một câu “giỏi nhỉ” rồi lặng lẽ bỏ về.


Ảnh minh họa

Từ đó trở đi, anh thành một người khác: lạnh lùng, vô cảm, coi như tôi không hiện diện trong nhà. Đã gần bốn năm nay, chúng tôi vẫn ăn cùng mâm, sống cùng nhà, chung đóng góp nuôi con nhưng không trò chuyện, ngủ chung với nhau.


Không khí gia đình căng thẳng, nặng nề. Nhiều lần tôi đề nghị có cuộc nói chuyện thẳng thắn nhưng anh đều gạt đi: “Tôi quá hiểu con người cô, cần gì phải nói chuyện”. Sự im lặng, lạnh nhạt đến tàn nhẫn của anh đã giết chết những tình cảm tốt đẹp chúng tôi từng có với nhau.


Tôi từng nghĩ đến cái chết để giải thoát khỏi cảnh sống địa ngục trong gia đình, nhưng lo các con chịu cảnh bơ vơ, tôi lại chùng xuống. Có lẽ giải pháp duy nhất là chúng tôi phải ly hôn… Nếu chồng tôi rộng lượng hơn một chút, chắc mọi chuyện sẽ khác”.


Trong các hành vi thuộc dạng cưỡng bức tâm lý, tình cảm, hành vi im lặng, "bỏ lửng" chồng hoặc vợ là đòn đánh đau nhất, khó chống cự và gây hậu quả nặng nề nhất. Loại bạo hành này khó phát hiện, do thường xảy ra trong các gia đình học vấn cao, thu nhập khá ở đô thị, ít ai có thể vứt "sĩ diện" để đâm đơn kiện vợ (chồng) đã... "bỏ lửng" mình. Thế nên bạo hành gia đình bằng sự im lặng là đòn trừng phạt đau nhất đối với nạn nhân, nhất là phụ nữ.


Học cách biết tha thứ


“Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất vợ không nói gì” giờ đây không chỉ là câu thơ vui. Sự “im lặng” của người chồng (vợ) như một thứ "bạo hành câm" phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình... Xã hội càng phát triển, con người càng thu nhận được nhiều tri thức, thì các loại hình bạo lực tinh thần theo kiểu ''im lặng là vàng'' lại càng tác oai tác quái, nguy hiểm và khó đấu tranh hơn nhiều.


Thông thường không dễ phát hiện để xử lý các tình huống bạo lực tinh thần vì chúng không để lại "tang chứng, vật chứng" trên cơ thể nạn nhân. Những vết thương lòng do hiện tượng bạo lực tinh thần gây nên sâu sắc và lâu dài hơn những cơn đau thể xác. Chúng đặc biệt gây nên những chấn động mạnh tới đời sống tình cảm, tâm lý của các nạn nhân. Điều đáng buồn là các vụ bạo lực tinh thần lại hay xảy ra ở các gia đình trí thức, cả vợ lẫn chồng đều có thu nhập cao.


Các thành viên trong gia đình sĩ diện “ngậm bồ hòn làm ngọt” và "diễn" với xung quanh như thể họ đang rất hạnh phúc. Hoặc vì lòng tự trọng quá cao, nhiều người không "chế" được cho mình "bài thuốc" chống "bỏ lửng" hữu hiệu nhất là xin tha thứ, và học cách tha thứ.


Đáng lo ngại là bạo lực tinh thần không chỉ gây tổn thương cho người vợ hoặc chồng, mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Những tiểu xảo trong bạo lực tinh thần có thể làm không khí trong gia đình trở nên căng thẳng hơn và sẽ khiến tâm lý trẻ không ổn định.


Việc đó có thể gây lệch lạc về nhận thức cũng như sự phát triển thể chất của trẻ. Giải quyết kịp thời và thỏa đáng tình trạng bạo lực gia đình, nhất là trong lĩnh vực bạo hành tinh thần không chỉ đòi hỏi có sự quan tâm của xã hội, mà quan trọng hơn là nhận thức của mỗi cặp vợ, chồng, trong đó học cách biết tha thứ là phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị triệt để căn bệnh này.


Theo Pháp luật Việt Nam



Bình luận
vtcnews.vn