Đốn hạ, di dời 28 cây xanh trên đường Lê Lợi để xây dựng Metro ở TP.HCM

Thời sựThứ Sáu, 05/05/2017 08:29:00 +07:00

Để đảm bảo an toàn cho quá trình thi công dự án Metro và các nhà dân xung quanh, cơ quan chức năng sẽ bứng dưỡng 1 cây và đốn hạ 27 cây xanh trên đường Lê Lợi.

Chiều 4/5, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã tổ chức họp báo về phương án xử lý 28 cây xanh trên vỉa hè đường Lê Lợi để phục vụ thi công dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Suối Tiên - Bến Thành.

Tại buổi họp, ông Dương Hữu Hòa - Giám đốc Ban quản lý dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cho biết, để thi công đoạn hầm nối từ ga trung tâm Bến Thành đến Nhà hát Thành phố (dài 320 m) phải di dời, đốn hạ 28 cây xanh dọc đường Lê Lợi - đoạn từ đường Pasteur đến Phan Bội Châu.

Hinh anh

Cây xanh trên đường Lê Lợi sẽ bị đốn hạ. 

Theo ông Hòa, qua khảo sát, đơn vị nhận thấy trên vỉa hè đường Lê Lợi có 28 cây xanh, trong đó có 12 cây nằm trong phạm vi ranh giới giải phóng mặt bằng và 16 cây còn lại có thân nằm ngoại phạm vi. Tuy nhiên, 16 cây còn lại cũng có tán cây nằm trong tĩnh không của ranh giải phóng mặt bằng từ 1 đến 1,5m.

Khi triển khai thi công, tường vây có chiều sâu 50m sẽ cắt đứt hệ rễ, cành tán có nguy cơ mất ổn định và đổ ngã đe dọa đến sự an toàn của người thi công, thiết bị thi công, đặc biệt là công trình nhà dân ngay bên cạnh.

Do đó, cơ quan chức năng sẽ bứng dưỡng 1 cây xanh và đốn hạ 27 cây còn lại để đảm bảo an toàn cho quá trình thi công, nhà dân xung quanh.

"Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và thuận lợi thi công, chúng tôi buộc phải làm thế”, ông Hòa cho biết.

Được biết, công tác đốn hạ cây lần này có chi phí khoảng 200 triệu đồng. Số gỗ sau khi đốn hạ sẽ giao cho khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP.HCM) sử dụng cho các công trình công ích.

Khi hoàn thành tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, mảng xanh, cây xanh trên đường Lê Lợi sẽ được đầu tư lại, đảm bảo phù hợp với cảnh quan thực tế và hài hòa với quy hoạch của khu vực.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).

Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.

Video: Lý giải tiếp tục đốn hạ hàng loạt cây cổ thụ ở Hà Nội

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn