Đơn giản hóa thủ tục có để lọt 'công ty ma'?

Kinh tếThứ Hai, 21/04/2014 05:00:00 +07:00

(VTC News) - Luật doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng đơn giản hóa và tạo thuận hơn cho việc thành lập doanh nghiệp nhưng sẽ không sợ để lọt "công ty ma".

(VTC News) - Luật doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng đơn giản hóa và tạo thuận hơn cho việc thành lập doanh nghiệp nhưng sẽ không sợ để lọt "công ty ma".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Đặng Huy Đông cho biết thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay ở nước ta đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét, tiếp tục cải cách.

“So sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông thừa nhận.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập 
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin, theo cách tính của Ngân hàng thế giới năm 2013,  khởi sự kinh doanh ở nước ta gồm 10 thủ tục với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày, và xếp hạng thứ 109 trên 189 quốc gia và nền kinh tế.

Vì vậy, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm  hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh vẫn hết sức cấp thiết.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng thông tin dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đã tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định, v.v...

Tiếp tục đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho thành lập doanh nghiệp như: Đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện); hài hòa hóa và thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về đăng ký thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội, v.v...

Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua bị nhiều thủ tục hành chính cản trở và bây giờ được giải phóng. Vì vậy luật này cần được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với thực tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đa số mọi người đều quan tâm đến việc tự do làm ăn. Tự do về kinh tế, dân chủ về kinh tế.

"Mặt thứ hai của vấn đề nói ít và chưa nói đó là gian lận, vi phạm pháp luật, lừa đảo rất phức tạp. Chưa thấy nói ra luật này có hạn chế được tình hình hay không, có hạn chế được việc đó không", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đặng Huy Đông (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng để hạn chế các hoạt động gian lận trong các hoạt động kinh doanh, ở đây có vấn đề quy định của pháp luật và việc thực thi.

"Với luật này, chúng tôi tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên khuôn khổ chung. Các doanh nghiệp ra thương trường trên cơ sở luật chung. Để kiểm soát hành vi gian lận thì giữa các doanh nghiệp khi có hoạt động với nhau phải kiểm soát lẫn nhau bằng các chế tài công khai minh bạch", Thứ trưởng Đặng Huy Đông thông tin.

Luật quy định các doanh nghiệp tự đăng ký và chịu trách nhiệm về các thông tin về hoạt động kinh doanh của mình về vốn, quản trị doanh nghiệp, nhân thân doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đã khai vào đó là phải chịu trách nhiệm trước đối tác và xã hội. Hệ thống pháp luật của chúng ta sẽ xử lý.

Nhiều trường hợp các gian lận hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đi vào khi có sự chanh trấp, gian lận xảy ra. Sẽ có các luật chuyên ngành để xử lý. Luật này cũng tăng cường chế tài để xử lý.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông lấy ví dụ: "Việc doanh nghiệp tự khai vốn điều lệ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng khi khai vốn càng to thì càng có vị thế trên thương trường. Khi anh đăng ký 100 tỷ đồng thì trách nhiệm với xã hội và các đối tác phải tương ứng.

Nếu anh không có đủ số vốn đó mà đi huy động trên cơ sở số vốn đó thì đối tác sẽ hiểu là anh có số vốn đó và bỏ vốn ra thêm. Đó là hành vi gian lận để trục lợi và có thể xử lý hình sự được".

Ông Đông cũng cho biết thêm, mạng quản lý doanh nghiệp đã liên thông với Tổng Cục thuế vì thế sẽ hạn chế được các "công ty ma".

Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư lấy ví dụ, một cá nhân mở tới 30-40 công ty khác nhau thì các cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác cũng có thể kiểm tra bởi vì các thông tin được công khai.

Bên cạnh đó, nội dung dự thảo Luật cũng có nhiều nội dung mới như: Áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật Doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; bổ sung mở rộng đối tượng được quyền hợp nhất, sáp nhập, chia, tách công ty.

Cho phép các công ty có cùng bản chất (có thể khác loại hình thức tổ chức) có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách.

Bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục về phương thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp và đăng ký lại doanh nghiệp sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách.

Quy định rõ hơn và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp; thống nhất một đầu mối trong giải quyết thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định hướng dẫn giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn