Đội xe tăng Việt Nam tăng hạng, cùng bảng đấu với Nga - Trung Quốc

Quân sựThứ Ba, 10/08/2021 11:01:13 +07:00
(VTC News) -

Với vị trí quán quân Bảng 2 tại Tank Biathlon 2020, đội tuyển Xe tăng Việt Nam đã giành được suất tham gia Bảng 1 trong giải đấu năm nay bên cạnh Nga và Trung Quốc.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng Bảng 1 của Tank Biathlon (Xe tăng hành tiến) tại Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) luôn là bảng đấu tập hợp các đội tuyển mạnh nhất của giải như Nga, Trung Quốc, Belarus và Azerbaijan.

Theo thông báo chính thức từ trang chủ của Army Games 2021, tham gia Tank Biathlon năm nay sẽ có 20 đội tuyển, con số này năm ngoái chỉ 16 đội, gồm: Nga, Trung Quốc, Belarus, Azerbaijan, Việt Nam, Lào, Syria, Venezuela, Abkhazia, Zimbabwe, Kazakhstan, Qatar, Kyrgyzstan, Mali, Mông Cổ, Myanmar, Tajikistan, Nam Ossetia, Serbia và Uzbekistan.

Giống như mọi năm, Tank Biathlon 2021 sẽ được chia thành 2 bảng đấu. Các đội sẽ tham gia thi đấu vòng loại (Vòng đua riêng lẻ) để chọn ra các đội có thành tích tốt hơn vào vòng bán kết (Đua tiếp sức) và vào vòng chung kết với thể thức thi đấu tương tự. Do Bảng 1 nội dung Xe tăng hành tiến dành cho những đội mạnh nên quy định và luật thi đấu cũng sẽ có nhiều khác biệt so với Bảng 2.

Đội xe tăng Việt Nam tăng hạng, cùng bảng đấu với Nga - Trung Quốc - 1

Với vị trí quán quân Bảng 2 tại Tank Biathlon 2020, đội tuyển Xe tăng Việt Nam sẽ được tăng hạng ở giải đấu năm nay, cùng bảng với các đội mạnh như Nga và Trung Quốc. (Ảnh: QĐND)

Về trang bị của các đội tuyển vẫn sẽ là xe tăng T-72B3 do nước chủ nhà Nga cung cấp, trước đó có thông tin cho thấy giải đấu năm nay sẽ sử dụng xe tăng T-72B3 (mod 2016) thay cho T-72B3 (mod 2011) với nhiều cải tiến dành riêng Tank Biathlon. Bên cạnh đó các đội tuyển cũng có thể tự mang xe tăng tham gia giải đấu. Ví dụ như Trung Quốc với xe tăng Type 96B và Belarus với T-72B3 (mod 2016).

Địa điểm tổ chức các trận thi đấu tại Tank Biathlon 2021 như mọi năm vẫn diễn ra tại thao trường Alabino, ngoại ô Moscow.

Nội dung các vòng đấu

-Vòng đua riêng lẻ: một cái tên khác của vòng loại, phần thi này tiến hành trên đường chạy được bố trí 11 vật cản như: Hàng cọc, bãi mìn, vật cản nước, sống trâu, hào chống tăng, vách đứng, đường mấp mô, cầu vệt bằng... và các vòng phạt 500m, vị trí kiểm tra kỹ thuật. Mỗi vòng chạy có chiều dài khoảng 4-6km.

Mỗi vòng chạy xe sẽ bắn 3 mục tiêu bằng pháo chính, 1 mục tiêu súng máy phòng không 12,7mm và 1 mục tiêu súng máy đồng trục PKT 7,62mm.

Trong quá trình thi đấu, các đội thi nếu vi phạm bất kỳ lỗi nào như va chạm vào cột, bỏ qua chướng ngại vật hoặc sai đường đều phải điều khiển xe tăng vào khu vực vị trí kiểm tra kỹ thuật để chạy phạt. Nếu bắn trượt mục tiêu, đội thi sẽ phải chạy vòng phạt dài 500m cho mỗi lần bắn trượt.

Kết quả vòng thi sẽ được tính bằng tổng thời gian chạy bài thi cùng với điểm phạt trong quá trình chạy thi để chọn ra đội chiến thắng.

Đội xe tăng Việt Nam tăng hạng, cùng bảng đấu với Nga - Trung Quốc - 2

Kíp xe tăng của đội tuyển Việt Nam trong bài bắn với pháo chính tại Tank Biathlon 2020. (Ảnh: Zvezda)

-Vòng đua tiếp sức: được áp dụng ở vòng bán kết và chung kết của nội dung Tank Biathlon. Phần thi đua tiếp sức được tiến hành trên đường chạy với 10 chướng ngại vật tự nhiên và nhân tạo. Khác biệt của vòng đua tiếp sức so với vòng đua riêng lẻ là tham gia phần thi này có 3 kíp xe cho một đội và các kíp xe luân phiên sử dụng 1 xe tăng để thi đấu.

Tại vòng đua tiếp sức, mỗi kíp xe sẽ chạy 4 vòng, bao gồm vượt chướng ngại vật và tiêu diệt 8 mục tiêu theo quy định. Độ khó của các bài thi cũng được nâng lên đáng kể so với vòng loại. Đối với mục tiêu của pháo tăng, đội thi sẽ phải bắn mục tiêu ở trạng thái hành tiến (pháo ngang). Phần thi bắn súng máy 12,7mm ngoài bia số 25, xạ thủ phải bắn thêm bia số 11 giả lập pháo chống tăng.

Điểm đặc biệt của vòng đua tiếp sức là ngoài sự nỗ lực trong thi đấu, còn là sự phối hợp, hiểu ý của các kíp lái với nhau trong quá trình đổi kíp. Mỗi kíp lái sau khi hoàn thành tất cả các vòng chạy cần dừng xe tăng dừng trước tuyến xuất phát với thân xe phải nằm chính giữa hai cột giới hạn. Kíp xe tắt động cơ, xuống xe, tháo mũ, móc vào vị trí để mũ và chốt cửa xe. Kíp xe thứ nhất kết thúc bài thi chuyển giao xe cho kíp xe thứ hai và tiếp đến kíp xe thứ ba. Kết quả chung cuộc là tổng thời gian cả 3 kíp xe hoàn thành vòng thi.

Ở vòng chung kết, nội dung thi đấu tương tự như vòng bán kết.

Đội xe tăng Việt Nam tăng hạng, cùng bảng đấu với Nga - Trung Quốc - 3

Với sự chuẩn bị của đội tuyển Xe tăng Việt Nam trong thời gian qua, hy vọng chúng ta sẽ có thành tích thi đấu tốt tại giải đấu năm nay. (Ảnh: QĐND)

Điểm khác biệt của Bảng 1 và Bảng 2

Cụ thể, về thể thức thi đấu ở các vòng loại, bán kết và chung kết giữa hai bảng vẫn giống nhau nhưng các quy định phạt do vi phạm quy chế hoặc bắn trượt mục tiêu đều bị xử phạt nặng hơn. Đặc biệt là ở bài thi bắn pháo chính. Bất kỳ kíp xe tăng nào bắn trượt mục tiêu sẽ phải chạy 3 vòng phạt 500m. Trong khi đó, ở Bảng 2 chỉ là 1 vòng chạy phạt. Cùng với đó, kíp xe sẽ phải tiếp tục chạy tới vị trí nạp đạn lấy đạn pháo để thực hiện lại bài bắn cho tới khi hạ mục tiêu mới tính là hoàn thành.

Điều này hoàn toàn khác biệt so với bài thi ở Bảng 2. Kíp xe tăng bắn trượt mục tiêu chỉ cần hoàn thành chạy phạt đã được tính là hoàn thành bài thi.

Trà Khánh((Tổng hợp))
Bình luận
vtcnews.vn