Đội tuyển Việt Nam cũng cần một 'Người phán xử'

Thể thaoThứ Năm, 07/09/2017 07:47:00 +07:00

Tuyển Việt Nam trong mong muốn của người hâm mộ và tuyển Việt Nam hiện tại dường như là hai thực thể chẳng có chút liên quan gì đến nhau.

1. Tối thứ Năm tuần trước (31/8), bộ phim "Người phán xử" đã khép lại ở tập 47. Lâu lắm rồi, phim Việt Nam mới cho ra đời một sản phẩm khiến khán giả phải hồi hộp và đón chờ từng tập như thế. Đáng tiếc, cái kết của phim lại không được như kỳ vọng.

n1

 Bộ phim "Người phán xử" với cái kết gây tranh cãi.

Với tư cách khán giả, công chúng - những người tiếp nhận bộ phim, bình luận, khen chê với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố là chuyện bình thường. "Người phán xử" hoàn toàn có thể bị... phán xử. Chỉ có điều, không một sản phẩm nào, ở bất cứ lĩnh vực nào, có thể chiều lòng tất cả khán giả.

Người ta không thể vừa mong muốn chiến thắng cho chính nghĩa, vừa mong muốn cái kết tốt đẹp hơn cho một tập đoàn tội phạm.

Câu chuyện của bóng đá Việt Nam với câu hỏi lựa chọn giữa đá đẹp và chiến thắng cũng vậy. Từ khi nào, chúng ta lại lý tưởng hóa sức mạnh của một đội tuyển nằm ngoài top 100 trên thế giới và đang trải qua khủng hoảng bởi rất nhiều lý do như vậy?

2. Ở vòng loại thứ ba của Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam vừa có chiến thắng đầu tay. Trên sân Phnom Penh, thầy trò huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung đánh bại đối thủ với tỉ số 2-1, qua đó có được 5 điểm/ 3 trận, xếp sau Jordan với 2 điểm kém hơn.

Video: Campuchia 1-2 Việt Nam

Dù đã đạt được mục đích điểm số, song tuyển Việt Nam lập tức trở thành tâm điểm trong "cơn bão" dư luận. Hàng ngàn, hàng vạn lời chỉ trích đổ ập xuống đầu cầu thủ. Công Phượng quá cá nhân, Trọng Hoàng, Huy Hùng đỡ quả bóng cũng hỏng, lối đá rời rạc quá,... hay với đẳng cấp hiện tại, tuyển Việt Nam phải trình diễn bộ mặt khác trước Campuchia.

Những lời chỉ trích khiến nhiều người nhớ đến tình cảnh của HLV Toshiya Miura năm 2015. Tuyển Việt Nam nhận sự chửi rủa, đả kích của một bộ phận người hâm mộ sau chiến thắng 2-1 trước Đài Loan (Trung Quốc). Hiếm có nơi đâu trên thế giới, đội tuyển luôn đứng trước nguy cơ bị chửi dù thắng, hòa hay thua.

Một nhà báo từng chia sẻ: "Bóng đá vốn là môn thể thao đại chúng, nên đôi khi được bình bán bởi những cái đầu còn... dưới cả mức đại chúng". Đúng vậy, đội tuyển quốc gia là sản phẩm đại diện cho thể thao nước nhà. Đội tuyển được nuôi sống bằng tiền thuế của nhân dân. Tiền của nhà tài trợ đổ vào đội tuyển cũng dựa trên nguồn thu từ sản phẩm được người sử dụng chi trả.

viet nam campuchia

Người hâm mộ có quyền đòi hỏi ở đội tuyển Việt Nam.

Nói cách khác, mỗi cổ động viên, mỗi người hâm mộ, đều đóng góp cho đội tuyển nước nhà bằng cách này hay cách khác. Có nghĩa vụ, phải có quyền lợi. Người hâm mộ có quyền yêu cầu đội tuyển phải trình diễn lối đá lôi cuốn, bắt mắt và chiến thắng, hay xa hơn là vô địch.

Có người hâm mộ nào trên thế giới không mong muốn điều đó?

Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, song đã đến lúc, người hâm mộ nên chấp nhận một sự thật: Với tình hình không mấy khả quan của bóng đá nước nhà hiện tại, đội tuyển không thể vừa đá đẹp, vừa chiến thắng. Dù đối thủ có là tuyển Campuchia đi nữa. Và dù sự thật, không lúc nào không khiến người ta đau lòng.

3. Gần một thập kỷ, bóng đá nước nhà luôn chạy theo tiêu chí: Đá đẹp và chiến thắng. Bóng đá đẹp mang đến cảm giác khó quên cho người hâm mộ, với thành công về mặt lối chơi hoặc tinh thần của lứa U19 Việt Nam giai đoạn 2013 - 2014 hay phần nào là tuyển Việt Nam, U22 Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng.

n2

 U19 Việt Nam của Công Phượng (số 10) từng khiến người hâm mộ ngây ngất.

Không phải ngẫu nhiên, báo chí quốc tế xếp HLV Hữu Thắng đứng thứ hai trong danh sách các chiến lược gia xuất sắc tại Đông Nam Á trong 12 tháng qua. Dưới con mắt của nhiều chuyên gia, U22 Việt Nam trình diễn lối chơi cống hiến, trong sạch, bắt mắt. John Duerden - cây bút chuyên viết về bóng đá Đông Nam Á cũng thừa nhận mức độ cống hiến của lứa cầu thủ tài năng mà Việt Nam sở hữu, không chỉ tại SEA Games này.

Chúng ta đá đẹp. Đẹp như cái cách tuyển Việt Nam từng vùng lên lội ngược dòng trước Indonesia trong thế thiếu người. Đẹp như từng đường bóng mà Công Phượng cùng các đồng đội từng trình diễn trước cả Nhật Bản, Australia.

Nhưng cái đẹp, cái lôi cuốn của bóng đá Việt Nam chỉ mang đến những cảm xúc nhất thời. Để khi cảm xúc đó qua đi, người ta mới nhận ra: Chúng ta không có danh hiệu. Và khi bóng đá đẹp không mang lại danh hiệu, đó cũng không phải cái đẹp trọn vẹn và hoàn mỹ nhất.

Muốn vừa đá đẹp, vừa thắng nhiều, bóng đá nước nhà phải có cái "chân đế" bền vững, cầu thủ với trình độ chuyên môn cao, lối chơi được định hình rõ ràng, huấn luyện viên với thời gian tại vị đủ lâu để truyền đạt triết lý cho các học trò, và giải vô địch quốc gia thật sự chất lượng. Chúng ta có sở hữu đủ các yếu tố nói trên? Có lẽ, không khó để đưa ra được câu trả lời.

Và khi có được lời giải, thừa nhận thực tế của tuyển Việt Nam hiện tại không còn là nhiệm vụ quá khó khăn. Bóng đá Việt Nam hoặc đá cống hiến như SEA Games 29 hay AFF Cup 2016: chơi hay, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc và... ra về, hoặc chiến thắng, song đó là chiến thắng rất xấu xí. Giữa đá đẹp và chiến thắng, tuyển Việt Nam chỉ có một lựa chọn duy nhất.

v3 3

 Vất vả thế nào, Văn Quyết cùng các đồng đội cũng đã có 3 điểm.

HLV Mai Đức Chung đã chọn chiến thắng, với đấu pháp thận trọng và toan tính đến cùng. Nếu cố gắng triển khai lối đá tấn công lôi cuốn, đẹp mắt trong bối cảnh một nửa đội tuyển suy kiệt vì SEA Games, nửa còn lại bị ì do V-League nghỉ đến 2 tháng, lại chơi trên mặt cỏ nhân tạo trước đối thủ "đang lên" như Campuchia, ai đảm bảo chiến thắng cho tuyển Việt Nam?

4. Với 1 danh hiệu AFF Cup duy nhất trong lịch sử cùng 0 tấm huy chương vàng SEA Games, bóng đá Việt Nam không mạnh như nhiều người lầm tưởng. Ngước lên trên, tuyển Việt Nam không chỉ có Thái Lan cần đuổi kịp. Malaysia, Myanmar, Indonesia đã trỗi dậy, và Campuchia chẳng chịu cam phận "lót đường".

Chúng ta không mạnh, nên càng không có cơ sở để mong đá đẹp và chiến thắng như ở thời điểm hiện tại. Với HLV Mai Đức Chung, bị chỉ trích cũng được, miễn là thắng. Thắng để nuôi hy vọng ở vòng loại Asian Cup, bởi không thắng ở thời điểm này là một thảm họa. 3 điểm đã có rồi, còn điều gì tốt hơn nữa sao?

Một lối chơi đẹp, đó sẽ là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, bóng đá Việt Nam có lẽ phải trải qua thay đổi rất lớn về thượng tầng, hạ tầng, trải qua một cuộc cách mạng đau đớn và khắc khoải trong nhiều năm (như bóng đá Thái Lan đã từng) để tạo nên hình hài đội tuyển đủ đáp ứng yêu cầu.

mai duc chung

Với tuyển Việt Nam của Mai Đức Chung (giữa), đá đẹp và chắc thắng ở thời điểm này là không tưởng.

Kết lại bài viết, xin được dùng hình ảnh "khắc khổ" của các HLV để thấy sự khắc nghiệt của bóng đá Việt Nam. HLV Henrique Calisto - người mang lại vinh quang duy nhất cho tuyển Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ, phải ra đi với lí do "không chịu nổi sức ép". HLV Toshiya Miura bị sa thải sau khi đưa tuyển Việt Nam lọt vào bán kết AFF Cup, có huy chương đồng SEA Games, cùng U23 Việt Nam lần đầu dự vòng chung kết U23 châu Á. Giờ là Hữu Thắng.

Chiều lòng người hâm mộ quả thực không đơn giản. Chẳng trách, rất ít người dám nhận nhiệm vụ ở tuyển Việt Nam tại thời điểm này!

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn