Đối thoại Shangri-La nóng ngay từ đầu

Thế giớiThứ Bảy, 04/06/2016 06:42:00 +07:00

“Trung Quốc sẽ đối mặt sự chỉ trích của cả thế giới nếu phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực”

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 15, còn gọi là Đối thoại Shangri-La (SLD), chính thức bắt đầu với bài phát biểu của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vào tối 3/6 tại Singapore.

Yêu sách chủ quyền quá đáng

Trước tổng cộng hơn 600 đại biểu từ các nước ASEAN, châu Á, châu Âu, Trung Quốc và Mỹ, nhà lãnh đạo Thái Lan kêu gọi các nước tham gia vào tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông nên lựa chọn hợp tác thay vì đối đầu. “Chúng tôi ủng hộ giải pháp hòa bình cho những tranh chấp, theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS” - ông Prayuth nói, trong đó có đề cập tới Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

doi-thoai-shangrila-nong-ngay-tu-dau

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào ngày 4/6

Trước đó, hội nghị này đã nóng lên từ sớm vì những cuộc gặp song phương của các bộ trưởng quốc phòng cũng như giới chức các nước trong suốt ngày đầu tiên của hội nghị kéo dài 3 ngày. Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ đối đầu gay gắt về vấn đề căng thẳng biển Đông tại hội nghị quy tụ ít nhất 20 bộ trưởng quốc phòng này. Đáng chú ý là hai bên lại không có kế hoạch gặp song phương bên lề.

Viết trên một tờ báo địa phương trước thềm SLD, ông Chu Bố, giảng viên danh dự tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cho rằng những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến nhiều người tin vào một cuộc đối đầu “không thể tránh khỏi” giữa hai cường quốc. Dù vậy, theo ông Chu, quan hệ Mỹ - Trung “rất linh hoạt, phần vì mỗi bên đều không đủ khả năng để giải quyết những hậu quả của một cuộc xung đột hay đối đầu”.

Ngay cả khi không có cuộc gặp Mỹ - Trung nào nhưng tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông vẫn phủ bóng hoạt động của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại SLD. Gặp người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen, ông Carter không quên đề cập vấn đề nóng bỏng ở châu Á - Thái Bình Dương nhiều năm qua: Câu chuyện tuyên bố chủ quyền trên biển của nhiều quốc gia.

Ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Một số tuyên bố chủ quyền tỏ ra quá đáng… Bất cứ hành động nào như vậy đều mang tính khiêu khích và gây bất ổn… Nhưng điều đó sẽ không ảnh hướng tới hoạt động của chúng tôi”. Dù không nêu cái tên cụ thể nào song ai cũng biết ông Carter muốn nói đến Trung Quốc, quốc gia đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì hoạt động xây dựng, bồi lấn phi pháp trái phép ở biển Đông thời gian qua.

Philippines dội gáo nước lạnh

Trong khi đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bất ngờ tăng nhiệt ngay trước thềm SLD. Trong cuộc họp báo thường niên hôm 3-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng chỉ trích việc Philippines gọi đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là một bãi đá trong đơn kiện “đường lưỡi bò” lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan. Bà Hoa nhấn mạnh hành động này của Manila cho thấy mục tiêu thật sự của phiên tòa nhằm “phủ nhận chủ quyền và các quyền liên quan của Trung Quốc” đối với Trường Sa.

Video: Tên lửa Trung Quốc có thể hủy diệt Mỹ trong 30 phút

Cùng ngày, báo giới Philippines đăng tải tuyên bố của Tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte khẳng định nước này “sẽ không bao giờ nhượng lại quyền của mình ở bãi cạn Scarborough (đang bị Trung Quốc chiếm giữ) ở biển Đông”. Tuyên bố thẳng thừng này không khác gì gáo nước lạnh xối vào Bắc Kinh khi chỉ một ngày trước đó, nước này còn tỏ ra rất hỉ hả “hoan nghênh đề nghị đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp biển Đông của chính phủ mới ở Philippines”.

Theo ông Tim Huxley - Giám đốc điều hành Văn phòng châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS - Anh), đơn vị tổ chức SLD, hiện có nhiều suy đoán về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc ở biển Đông, nhất là khi PCA sắp ra phán quyết.

Có mặt ở Singapore để tham dự SLD, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain hôm 3-6 cảnh báo về những hậu quả đáng sợ nếu Trung Quốc làm ngơ phán quyết của PCA. Ông McCain cảnh báo Bắc Kinh sẽ đối mặt sự chỉ trích của cả thế giới, đồng thời hối thúc nước này từ bỏ kiểu hành xử hung hăng với các quốc gia láng giềng.

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn