Đổi thay không ngờ ở các trường học Sóc Trăng

Giáo dụcThứ Tư, 08/04/2015 07:56:00 +07:00

Việc học sinh phải nghỉ học do quá nghèo hay do sức học yếu đã không còn là câu chuyện phổ biến ở Sóc Trăng.

(VTC News) - Việc học sinh phải nghỉ học do quá nghèo hay do sức học yếu đã không còn là câu chuyện phổ biến ở Sóc Trăng.

Phải nghỉ học do nhà quá nghèo, hay chán nản bởi sức học yếu vì phải dành nhiều thời gian lao động kiếm sống - những câu chuyện buồn của vài năm trước nay đã trở thành “của hiếm” tại những trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nhờ sự hỗ trợ của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP).

Dương Văn Lực - học sinh lớp 3A là một trong những gương mặt học sinh khá, giỏi của Trường tiểu học Đại Ân 1A (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Nhìn vào kết quả học tập, hay đôi mắt của Lực sáng lên khi thấy một bài Ttoán khó của Lực, không thể nghĩ rằng, trước đây em vốn là một học sinh rất yếu về môn Toán.

Nghe Lực kể lại, mới biết gia đình em rất nghèo. Hàng ngày, cha mẹ phải đi đốn mía mướn từ rất sớm, em ở nhà với ông bà ngoại đã già và chị gái. Cả cha mẹ đều không biết chữ, chị gái cũng chỉ học đến lớp 2 là nghỉ học, ông bà ngoại đã quá già yếu nên Lực phải tự học một mình. Cả năm lớp 1 và học kỳ I của lớp 2, học lực của em xếp loại yếu.

“Em thích đi học lắm, dù hàng ngày, một mình em phải đi qua 2 cây cầu khỉ và đoạn đường 4 km cũng không ngại. Nhưng học kém quá thì rất buồn. Giờ thì khác rồi, em còn được nhận giấy khen của trường nữa” - Lực hồn nhiên kể.

Học sinh trường Tiểu học An Trạch B (Sóc Trăng) trong giờ học. 
Những trường hợp như Dương Văn Lực không phải là ít tại Trường tiểu học Đại Ân 1A. Theo thầy Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng nhà trường, có được niềm vui ấy, tất nhiên trước hết vì bản thân học sinh rất nỗ lực, vượt khó, nhưng sự đóng góp hỗ trợ , tác động của SEQAP là vô cùng quan trọng.


Thầy Nguyễn Văn Lượng chia sẻ: Đại Ân 1 là xã bãi ngang ở vùng nông thôn của huyện Cù Lao Dung. Đường sá đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa và nước rong tháng 9 -10 âm lịch. Trước kia, chất lượng học sinh của trường chưa đều ổn định, tỉ lệ HS đạt khá, giỏi thấp; cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn, nhất là trang thiết bị và đồ dùng dạy học ở lớp.

Sau khi tham gia SEQAP, nhờ sự hỗ trợ “đúng” và “trúng” của Chương trình mà hiện nay nhà trường đã thay đổi rất nhiều: Cơ sở vật chất, nhất đặc biệt là đồ dùng dạy học ở lớp đã được trang bị đầy đủ; học sinh khó khăn được hỗ trợ ăn trưa, sách vở, đồ dùng học tập; học sinh đi học đều, học sinh có thành tích học tập tốt được khen thưởng; có thể hỗ trợ khẩn cấp cho học sinh khi xảy ra tai nạn, thiên tai…

Cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn các modun về đổi mới quản lý, phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, kĩ năng tổ chức các hoạt động ngoại khóa... Khi được học cả ngày, trường thực hiện được rất nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mà khi học nửa ngày không thể thực hiện được.

“Đến nay, chất lượng giáo dục của trường được nâng lên rất nhiều, tỉ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 67,47%. Đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất chính là những học sinh nghèo như em Dương Văn Lực. Vui nhất là nhà trường không còn hiện tượng học sinh bỏ học nữa.” - thầy Lượng cho biết.

Trong giờ nghỉ giải lao, nhiều giáo viên Trường tiểu học An Thạnh 1B (xã An Thạnh 1, Cù Lao Dung, Sóc Trăng) vẫn hay nhắc đến câu chuyện của Hoàng Thạch Nam - một học sinh nghèo người dân tộc Khmer đang học tại trường.

Mẹ mất sớm, Nam sống với cha và mẹ kế. Vì gia đình nghèo nên hàng ngày sau giờ học, em phải giúp cha chăn bò và làm thuê. Lớp 2, khi chuyển về học ở trường, Nam còn nói chưa thông thạo tiếng Việt, môn Toán thì rất yếu. Điểm kiểm tra môn Toán, Tiếng Việt, cố gắng lắm, em cũng chỉ đạt 5 điểm.

Nhưng, sức học của Nam thay đổi hẳn khi em được học cả ngày tại trường cả ngày theo mô hình phương án dạy học T35 của SEQAP. Học kỳ I năm học 2014 - 2015, Nam đạt được điểm 8 môn Tiếng Việt và 9 điểm môn Toán.

Một trường hợp cũng tiến bộ rõ rệt sau khi được sự hỗ trợ của SEQAP là học sinh Thạch Thị Hồng Đoan (lớp 5B). Là người dân tộc Khmer, bố mẹ cả ngày phải đi làm mướn vì nhà quá nghèo, Đoan cũng có một thời gian học tại trường mà chưa thông thạo Tiếng Việt. Nhưng, chỉ sau một thời gian học cả ngày theo phương án dạy học mô hình T35, Đoan đã trở thành học sinh khá. Học kỳ vừa rồi, em đạt 8 điểm môn Tiếng Việt và 7 điểm môn Toán.

Hỏi có biết đến SEQAP? Nam và Đoan đều cười rất tươi: “Em từng được nghe từ các thầy cô về việc SEQAP đã giúp đỡ những học sinh nghèo như chúng em nhiều như thế nào. Chúng em chỉ biết nói cảm ơn và hứa sẽ phấn đấu học giỏi hơn nữa để xứng đáng với sự hỗ trợ của Chương trình”.

Cô Đinh Thị Hồng Đang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 1B còn nhớ như in khó khăn của nhà trường vài năm về trước: Cơ sở vật chất thiếu thốn, trường thiếu phòng học, các lớp chỉ học nửa ngày; việc hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn rất hạn chế; chất lượng học tập của học sinh chưa cao…

Năm 2010, sau khi được chọn tham gia SEQAP, trường tiểu học An Thạnh 1B được xây cất thêm phòng học, bổ sung thêm giáo viên và trang thiết bị dạy học, trường chuyển từ dạy học nửa ngày sang mô hình dạy học cả ngày.

Đến nay, tất cả các lớp học của trường đã chuyển sang học cả ngày với 35 tiết/tuần (T35).

“Chúng tôi thực sự cảm ơn SEQAP vì những sự đổi thay tích cực do Chương trình đem lại. Nhờ SEQAP, trường được xây thêm 2 phòng học; bổ sung trang thiết bị; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng học sinh học đều, học tốt. Các học sinh thuộc diện nghèo được hỗ trợ bữa ăn trưa.

Bên cạnh đó, nhờ hỗ trợ, tham gia tích cực, hiệu quả  của cộng đồng, trường cũng xây dựng được thêm 2 phòng học tiền chế, đảm bảo đủ 1đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ  phòng học/lớp = 1.

Từ đó, nhà trường có điều kiện tăng thời lượng học tập  môn Toán, Tiếng Việt, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động câu lạc bộ, mô hình thư viện xanh, thư viện lưu động... góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Thay đổi rõ rệt nhất phải kể đến tỷ lệ học sinh giỏi 2 môn Toán, Tiếng Việt của trường tăng dần từng năm” - cô Đinh Thị Hồng Đang vui mừng chia sẻ.

Tác động toàn diện từ SEQAP

Trường tiểu học Đại Ân 1A  và Trường tiểu học An Thạnh 1B là hai trong số 50 trường tiểu học tham gia SEQAP tại tỉnh Sóc Trăng. Theo ông Kim Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, khi chuyển sang dạy học cả ngày, những trường này đã sử dụng rất có hiệu quả quỹ thời gian tăng thêm để tập trung củng cố kiến thức, kỹ năng môn Toán, Tiếng Việt.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới vận dụng các  phương pháp dạy học, và kỹ thuật dạy học phù hợp với nội dung bài dạy và đối tượng học sinh nhằm nâng cao và đảm bảo chất lượng dạy học.

Đối với những vùng khó khăn, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, các trường đã tăng cường, phát triển kỹ năng giao tiếp Tiếng Việt cho học sinh bằng việc sử dụng thời gian tăng thêm cho các tiết tăng cường, kỹ năng giao tiếp Tiếng Việt và tạo điều kiện cho các em được tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng…

“Từ khi tham gia SEQAP, cơ sở vật chất của các trường tiểu học Tỉnh Sóc Trăng được cải thiện rõ rệt. Tính đến nay, tổng số công trình đã được xây dựng bổ sung và đưa vào sử dụng là 70 phòng học, 34 nhà vệ sinh và 2 phòng đa năng.

Cùng với đó, Chương trình hỗ trợ giúp nhà trường mua sắm trang thiết bị trong phòng học. Quỹ phúc lợi học sinh, Quỹ giáo dục nhà trường cũng đã được giao về các trường, thụ hưởng kịp thời trước khi bước vào năm học mới 2014 - 2015…”, ông Kim Sơn cho biết.

Qua 5 năm tham gia SEQAP, các trường tiểu học của Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học có nhiều tiến bộ rõ rệt. Học sinh đi học đều hơn và thích thú mỗi khi đến trường. SEQAP đã tác động toàn diện đến giáo dục ở vùng khó khăn thông qua nhiều giải pháp hợp lý và hiệu quả

Hoàng Anh

Bình luận
vtcnews.vn