Đối tác của Apple chọn lắp ráp iPad, MacBook ở Indonesia mà không chọn Việt Nam: Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư lý giải

Kinh tếThứ Sáu, 31/05/2019 12:46:00 +07:00

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng môi trường đầu tư Việt Nam chưa hấp dẫn bằng Indonesia nên chưa được đối tác của Apple lựa chọn.

Bên hành lang Quốc hội chiều 30/5, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với phóng viên về việc thu hút nguồn lực từ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Từ việc Pegatron - Đối tác của Apple chọn lắp ráp iPad, MacBook ở Indonesia mà không chọn Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đánh giá, việc nhà đầu tư chọn Việt Nam, Indonesia hay Thái Lan là do cách nhìn của họ. Nếu tính toán thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam tốt hơn và có lợi hơn thì họ sẽ đầu tư. Và trong trường hợp này, Indonesia có lợi thế hơn nên đã được chọn.

Nguyen-chi-dung

 Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời phóng viên chiều 30/5.

- Apple là một đại gia công nghệ lớn trên thế giới nhưng họ đã lựa chọn Indonesia mà không phải là Việt Nam phải chăng do môi trường đầu tư của chúng ta chưa hấp dẫn, thưa ông?

Tất nhiên. Sau sự việc này chúng tôi sẽ có sự rà soát lại chính sách về môi trường đầu tư. Tuy nhiên hiện nay vẫn có những tập đoàn lớn trên thế giới tiếp tục tìm đến Việt Nam, việc này tùy vào chiến lược của từng tập đoàn và mục tiêu của họ khác nhau.

Chúng tôi sẽ kiểm tra lại vấn đề này, vì Apple là một tập đoàn công nghệ lớn, đi theo Apple sẽ có rất nhiều doanh nghiệp “vệ tinh” và điều này rất có lợi cho phát triển công nghệ và doanh nghiệp hỗ trợ.

 
Apple là một tập đoàn công nghệ lớn, đi theo Apple sẽ có rất nhiều doanh nghiệp “vệ tinh” và điều này rất có lợi cho phát triển công nghệ và doanh nghiệp hỗ trợ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

- Phát biểu tại Quốc hội, nhiều đại biểu có tỏ ra lo lắng về việc chuyển dịch vốn đầu tư của Trung Quốc cuối năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 rất lớn. Hiện tại ước tính lên khoảng 7 tỷ USD. Vậy, việc dịch chuyển vốn này sẽ đem đến thuận lợi hay khó khăn gì cho Việt Nam không, thưa ông?

Hiện nay, dòng vốn này chủ yếu chảy vào mảng chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức chú ý đến con số 7 tỷ USD. Trong 7 tỷ USD đó thì có 3,8 tỷ USD là của Sabeco, đây là doanh nghiệp được Thái Lan mua lại, bây giờ họ lại thành lập doanh nghiệp tại Hồng Kông. Do đó, vốn từ Hồng Kông - Trung Quốc tăng vọt là vì như vậy.

Số tiền này bản chất không phải từ Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam, mà số tiền này đến từ Thái Lan mua doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, lấy theo tên nước đăng ký doanh nghiệp thì đúng là Trung Quốc, nhưng bản chất không phải vốn từ Trung Quốc mà đã chiếm tới 3,8 tỷ USD trong tổng số 7 tỷ USD này.

- Nhưng làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư này có khiến ông suy nghĩ, trăn trở?

Tôi cho đây là chuyện hết sức bình thường, vì thế giới đang chứng kiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nên nhiều nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng để tránh sự trừng phạt của Mỹ.

- Trước việc dịch chuyển như vậy, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đón nhận được cơ hội này hay không, thưa ông?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ và chuẩn bị trình lên Bộ Chính trị đề án về định hướng thu hút đầu tư vào Việt Nam sau 30 năm. Trong đó đã đánh giá và tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài, nêu tất cả các vấn đề từ lợi thế, khó khăn, nguyên nhân, xu hướng…

Tất cả đều đã được nghiên cứu, và thời gian tới đây sẽ có định hướng mới, đặc biệt trú trọng việc thu hút đầu tư có chọn lọc.

Ví dụ, sẽ tập trung vào những dự án có công nghệ với giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, nguyên liệu đầu vào ít…Đây là những định hướng để đưa ra thông điệp với thế giới, từ nay trở đi Việt Nam sẽ thu hút nguồn đầu tư nước ngoài có chọn lọc.

Thời gian tới sẽ ban hành nghị quyết và có chương trình hành động với một hệ thống các nhiệm vụ giải pháp đi kèm, để làm sao vừa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và nâng cao chất lượng trong thu hút đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn