Những câu chuyện thấm đẫm tình người trong khu cách ly Đà Nẵng

Đời sốngThứ Sáu, 27/03/2020 07:12:17 +07:00
(VTC News) -

"Viết" nhật ký bằng tranh tặng bác sĩ, chiến sỹ phục vụ mình, dạy yoga cho người xung quanh... là những câu chuyện cho thấy tình người tỏa sáng trong khu cách ly.

'Bác khủng long diệt khuẩn"

Một ngày tháng 3 chói chang nắng, Phạm Thị Hảo cùng 56 người khác thu dọn hành lý chuẩn bị rời khu cách ly ở Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự Đà Nẵng. Họ là nhóm người công dân đầu tiên từ nước ngoài (Hàn Quốc) về Đà Nẵng hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày theo quy định.

Những ngày sống trong khu cách ly, Hảo lặng lẽ hoàn thành cuốn nhật ký bằng tranh với tựa để “Nhật ký 14 ngày cách ly” để tặng đội ngũ y bác sĩ, bộ đội, thay lời tri ân.

Những câu chuyện thấm đẫm tình người  trong khu cách ly Đà Nẵng - 1

Nhật ký "14 ngày cách ly" của Phạm Thị Hảo.

Cô gái viết: “Con luôn tin những người hy sinh, cống hiến cho xã hội luôn có cuộc đời đầy ý nghĩa và vô cùng đáng sống. Con rất mong có thể được gặp lại mọi người một lần nữa, khi mà con đã trưởng thành hơn, sau khi đi du học về; khi mà mọi người vẫn ở đây, khỏe mạnh, yêu Tổ quốc như hôm nay...”.

Qua nét cọ giản dị, những sinh hoạt thường nhật ở trung tâm được Hảo mô tả chân thực, sinh động và đáng yêu. Đó là hình ảnh nhà ăn tươm tất, là chiếc bánh mì nóng hổi, là “bác khủng long diệt khuẩn” ở trung tâm trong bộ đồ bảo hộ...

Nhân vật trong bức tranh “Bác khủng long diệt khuẩn” mà Hảo vẽ chính là Đại úy - y sĩ Võ Mai Bình. Đều đặn ngày 2 lần, Đại úy Bình mặc đồ bảo hộ, khoác máy phun thuốc diệt khuẩn từng phòng trong khu cách ly.

Những câu chuyện thấm đẫm tình người  trong khu cách ly Đà Nẵng - 2

Đại úy, y sĩ Võ Mai Bình trong bức vẽ "Bác khủng long diệt khuẩn".

Có lẽ do bộ dạng của mình lúc mặc đồ bảo hộ cùng tiếng gầm gừ của máy phun thuốc khiến các bạn trẻ tại khu cách ly gọi mình là khủng long diệt khuẩn”, Đại úy Bình nói và cho biết thêm, anh thường thấy Hảo vẽ tranh trong cuốn sổ nhỏ nhưng không biết cô gái vẽ gì, chỉ đến khi được tặng món quà ý nghĩa này thì mới biết mình là “bác khủng long diệt khuẩn”.

Tôi sẽ giữ cuốn nhật ký này cẩn thận như một kỷ niệm đẹp của đời lính”, Đại úy Bình xúc động.

Dạy yoga trong khu cách ly

Cũng từng cách ly tại trung tâm sau khi nhập cảnh ở Đà Nẵng ngày 18/3, chị Nguyễn Thị Kim (42 tuổi, trú TP.HCM) cho biết, do có hơn 10 năm tập, 8 năm dạy yoga nên khi vào đây, chị Kim vẫn duy trì tập luyện đều đặn để tăng cường sức khỏe và khả năng đề kháng với bệnh tật. Chị cũng tiếp tục dạy yoga online cho các học viên của mình vào mỗi thứ bảy và chủ nhật như thường lệ, và điều đó thu hút sự chú ý của những người cùng phòng.

Chị Kim kể: “Khi mình tập, các em cùng phòng cách ly thấy và muốn tập chung. Mình rất hoan nghênh. Trong điều kiện cách ly không có thảm, mình hướng dẫn cho các em tập các thế đứng. Thấy thế, càng nhiều người xin tập và mình sẵn sàng hướng dẫn. Mình muốn mọi người cùng tập luyện yoga, vận động cơ thể để tăng cường sức khỏe và tạo mối liên kết với nhau cho mạnh mẽ hơn”.

Những câu chuyện thấm đẫm tình người  trong khu cách ly Đà Nẵng - 3

Chị Nguyễn Thị Kim dạy yoga cho bạn trong phòng cách ly.

Vậy là đều đặn mỗi sáng, trước sân trung tâm, chị Kim dạy cho hàng chục người tập yoga. Không khí khu cách ly nhờ đó trở nên vui vẻ, lạc quan. Tất cả các hoạt động đều có sự tư vấn, hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo an toàn.

Mình gửi yêu thương đi thì nó sẽ đến. Ở trong khu cách ly, mình dạy online và có đến 70 người trong nhóm tham gia. Thông điệp mình truyền đi là hãy giữ gìn sức khỏe, thật tỉnh táo, không quá sợ hãi trước dịch bệnh để tập luyện, giữ gìn về sinh, bảo vệ cho mình và cộng đồng”, chị Kim chia sẻ.

Về điều kiện sinh hoạt, ăn uống tại khu cách ly, người phụ nữ này cho biết không có gì phải phàn nàn, bởi Chính phủ đã phải bỏ tiền ra để tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe cho công dân.

"Đừng đòi hỏi, vô đây không phải để hưởng thụ, phải chịu khó cùng nhau mới được.Các anh bộ đội, nhân viên y tế tại trung tâm phục vụ hàng trăm người cách ly rất vất vả. Thế nên mình phải thông cảm và chia sẻ. Mình kêu gọi tất cả mọi người trong khu cách ly nâng cao ý thức, chung tay, chung sức hỗ trợ những người đang phục vụ mình”, chị Kim nói.

Bái vọng cha từ nơi cách ly

Ông T.Đ.S. (quê Nghĩa Đàn, Nghệ An) được đưa vào Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh Đà Nẵng sau khi trở về từ Malaysia. Ngày 23/3, ông nhận được tin cha qua đời ở quê nhưng không thể về vì chưa đủ 14 ngày cách ly theo quy định.

Những câu chuyện thấm đẫm tình người  trong khu cách ly Đà Nẵng - 4

Ông T.Đ.S thắp hương bái vọng cha.

Tôi từng nghĩ sẽ trốn về chịu tang cha, nhưng hiểu được sự nguy hiểm mình có thể gây ra cho cộng đồng nên dằn vặt lắm. Tất cả vì cái chung của đất nước, tôi mong cha mình sẽ hiểu, không có ngoại lệ nào cho mùa dịch này”, ông S. nói và cho biết thêm, ông từ bỏ ý nghĩ bỏ trốn nhờ có sự động viên của các những người làm nhiệm vụ tại đây.

Hiểu nỗi lòng ông S., các chiến sĩ ở trung tâm quyết định lập bàn thờ trong khuôn viên để ông có thể thắp nén hương, bái vọng hương hồn cha ở quê nhà. Chia sẻ nỗi đau mất người thân của ông S., nhiều người trong khu cách ly cũng tới thắp hương, bái vọng người quá cố mà họ chưa một lần nghe tên, biết mặt.

Video: Cán bộ chiến sĩ tận tình phục vụ người dân trong khu cách ly

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn