Đối mặt khoản truy thu thuế trăm tỷ đồng: Doanh nghiệp ô tô lo sốt vó

Chính sách thuế và cuộc sốngChủ Nhật, 14/05/2017 07:25:00 +07:00

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô hoảng hốt vì không biết lấy tiền đâu ra để nộp số tiền truy thu thuế lên tới vài tỷ, thậm chỉ cả trăm tỷ đồng.

Trả lời các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô Hà Nội, Bộ Tài chính đã "bác" đề xuất giãn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô nhập khẩu có dung tích từ 3.0L trở lên, xuất hóa đơn sau ngày 1/7/2016.

Doanh nghiệp ô tô lo lắng

Bộ Tài chính giải thích, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016, quy định xe ô tô dưới 24 chỗ khi bán ra phải kê khai nộp thuế TTĐB theo mức thuế suất mới. Hướng dẫn tại Thông tư 130 của Bộ này là phù hợp với Luật.

Do đó, kiến nghị về việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mở tờ khai trước ngày 1/7/2016 vẫn được tính thuế TTĐB theo biểu thuế cũ khi xuất hóa đơn sau ngày 1/7/2016; chỉ áp dụng thu thuế TTĐB mới cho các xe bán ra, xuất hóa đơn sau 45 ngày, kể từ ngày 1/7/2016 là không phù hợp.

Hinh anh

 Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô kêu cứu vì thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, một nhóm doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu tại Hà Nội đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, nhân cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 17/5 tới, kiến nghị được nới thời điểm áp dụng mức thuế mới thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu.

Theo các doanh nghiệp, ngày 6/4/2016, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có quy định việc áp dụng thuế TTĐB mới cho các loại ô tô dưới 24 chỗ có dung tích khác nhau. Cụ thể, đối với xe có dung tích từ 3.0 trở lên sẽ bị tính thuế TTĐB tăng từ 90%-150%, áp dụng từ ngày 1/7/2016.

Luật có hiệu lực từ ngày 6/4/2016, nhưng tới 1/7/2016 Chính phủ mới ban hành Nghị Định 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về việc thi hành Luật và có hiệu lực thực hiện ngay từ ngày ban hành.

Do chưa có Thông tư hướng dẫn, thời gian ban hành quy định gấp gáp, việc áp dụng thực hiện tính thuế TTĐB khi đó được các doanh nghiệp hiểu theo nhiều cách khác nhau mà không có sự hỗ trợ từ phía cơ quan thuế. Bản thân các Chi cục Thuế cũng chưa được hướng dẫn nên không giải thích rõ cho doanh nghiệp ô tô.

Sau 42 ngày từ khi Nghị định 100 được ban hành và có hiệu lực, ngày 12/8/2016, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 130 hướng dẫn các doanh nghiệp về cách tính thuế TTĐB mới.

Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trước ngày 1/7/2016 nhưng xuất hóa đơn từ ngày 1/7/2016 sẽ phải tính thuế TTĐB theo mức mới từ 90%-150%.

Với quy định áp dụng thuế TTĐB theo mức mới như vậy, các doanh nghiệp xuất hóa đơn bán hàng sau ngày 1/7/2016 phải nộp cộng thêm số tiền thuế TTĐB cho mỗi xe từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng, tùy dung tích xi lanh.

Do vậy, có doanh nghiệp sẽ bị truy thu từ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi, đa số các doanh nghiệp ký hợp đồng bán xe cho khách trước ngày 1/7/2016 nhiều tháng, hoặc nhiều trường hợp hàng về nhưng không kịp làm thủ tục thông quan (có xe phải mất từ 2-3 tháng).

Có trường hợp xe còn tồn từ năm 2015 đã hoàn tất nộp thuế TTĐB theo luật cũ, bán ra sau 1/7/2016 vẫn phải chịu mức thuế mới và phải truy thu. Điều này dẫn đến nguy cơ làm doanh nghiệp mất vốn phải phá sản, giải thể. Nhiều trường hợp hàng đã bán không thể yêu cầu khách trả thêm khoản tiền tăng thuế TTĐB mới. doanh nghiệp càng lớn thì khả năng bị phá sản sẽ càng cao.

Vì thế, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét cho phép doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mở tờ khai trước ngày 1/7/2016 vẫn được tính thuế TTĐB theo biểu thuế cũ khi xuất hóa đơn sau ngày 1/7/2016, và chỉ áp dụng tính thuế mới sau 45 ngày kể từ ngày 1/7/2017.

Doanh nghiệp than khó khăn

Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc (Hà Nội), thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh ô tô nhập khẩu cao cấp (có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên) đã phải đóng cửa vì thuế TTĐB với những xe này tăng lên quá cao.

Hinh anh

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lo phá sản.

Thuế tăng khiến giá xe bị đẩy lên cao chót vót, không bán được hàng. Không chỉ tại Hà Nội mà ở Hải Phòng, TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã phải bán lỗ để thu hồi vốn, thậm chí phải rao bán cả salon ô tô. Có doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, lại bị truy thu thuế hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, ông Tuấn nói.

Ông Trần Dũng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Màu Đức (Hải Phòng), cho biết, thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016, công ty ông bán gần 30 chiếc ô tô dung tích xi lanh từ 3.5L trở lên. Trong đó, một số xe được ký hợp đồng bán trước ngày 1/7/2016, nhưng xuất hóa đơn sau thời điểm này.

Đến nay, cơ quan thuế đang yêu cầu truy thu. Với chiếc xe Lexus 570 có mức truy thu lên tới 1,6 tỷ đồng, Lexus RX 350, truy thu 470 triệu đồng, RX 460 truy thu 500 triệu đồng. Tính ra như vậy công ty sẽ bị truy thu hàng chục tỷ đồng, chưa kể có thể bị truy thu cả thuế giá trị gia tăng.

Trong khi đó, những chiếc xe này khi bán cho khách hàng, giá vẫn tính dựa trên mức thuế tiêu thụ đặc biệt cũ, tức 60%. “Chúng tôi giờ đã ngừng kinh doanh ô tô nhập khẩu, nay nếu bị truy thu, không biết lấy đâu số tiền lớn để nộp thuế”, ông Dũng lo lắng.

Ông Mai Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV Hoàng Phước Minh (TP.HCM), cũng bày tỏ sự hoang mang trước quyết định của Bộ Tài chính.

Bởi, theo ông Hoàng, doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh của mình, hợp đồng bán ô tô thường ký với khách từ trước rồi mới nhập khẩu xe, không thể nâng giá bán được. Nếu bị truy thu số tiền quá lớn, công ty không biết lấy đâu ra. Trong khi, doanh nghiệp đã ngừng nhập xe từ tháng 11/2016, từ đó đến nay giờ không dám nhập nữa.

Một số doanh nghiệp làm dịch vụ nhập xe tại Hà Nội tiết lộ, cơ quan thuế đề nghị truy thu tới hàng tỷ đồng chỉ vì lý do xuất hóa đơn sau 1/7/2016. Nay họ đã ngừng kinh doanh xe nhập khẩu, nếu bị truy thu thuế chỉ còn nước tuyên bố phá sản.

Video: Cán bộ dàn hàng, ngăn khách vào quán để thu thuế

Hoài Linh
Bình luận
vtcnews.vn