Đội bóng nào là khắc tinh số 1 của tuyển VN hiện nay?

Thể thaoThứ Hai, 22/10/2012 12:00:00 +07:00

(VTC News)- Trước thời điểm người Mã vươn lên mạnh mẽ, bóng đá Việt Nam vẫn coi Thái Lan là đích cần vượt qua, Indonesia là kỳ phùng địch thủ trong khu vực.

(VTC News)- Trước thời điểm người Mã vươn lên mạnh mẽ, bóng đá Việt Nam vẫn coi Thái Lan là đích cần vượt qua, Indonesia là kỳ phùng địch thủ trong khu vực.

>>> Thua Malaisya, U21 Việt Nam thành cựu vô địch

Kể từ khi trở lại hội nhập với bóng đá Đông Nam Á những năm 1990, đội tuyển Việt Nam ít khi coi Malaysia là một địch thủ đáng gờm. Không ít lần, Malaysia phải ôm hận trước những thất bại hết sức đau đớn trước tuyển Việt Nam như vòng bảng Tiger Cup 1998, bán kết Sea Games 2003, tranh hạng ba Tiger Cup 2002.

 Thế hệ Hồng Sơn, Malaysia chỉ là đối thủ khó chịu chứ chưa phi kình địch của tuyển Việt Nam.

Suốt một thập kỷ ròng rã từ 1996 (thời điểm cúp bóng đá Đông Nam Á Tiger Cup được tổ chức lần đầu) đến 2006, người Mã chấp nhận núp bóng dưới những người hàng xóm. Trên bình diện tuyển quốc gia cũng như đội U23, họ chỉ có duy nhất một lần giành ngôi á quân khu vực.

Sở hữu nền kinh tế năng động và phát triển nằm trong top châu Á (thứ 28 thế giới), lại có lượng cổ động viên tôn sùng môn thể thao vua đông đảo, ưu tiên phát triển các đội tuyển Malaysia được giới chức trách quan tâm đặc biệt. Trong bối cảnh các nền bóng đá "vùng trũng" trên bản đồ thế giới đồng loạt khó khăn và rớt hạng thảm hại, người Mã đã có một bản lộ trình chi tiết về việc "cướp cờ", thống trị bóng đá Đông Nam Á, tiến tới nâng tầm lên các mục tiêu châu lục.

"Hi sinh" Sea Games 2007 và AFF Cup 2008


Năm 2007, sau một thời gian dài sử dụng các đời HLV ngoại không thành công (Allan Harris rồi Bertalan Bicskei), Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) bắt đầu thay đổi chính sách. Norizan Bakar, Sathianathan lần lượt được tín nhiệm ở chiếc ghế nóng đội tuyển.

Quyết tâm phục hưng bóng đá Malaysia, FAM mạnh dạn thay máu lực lượng.

Những thất bại tối mắt tối mũi tại giải vô địch châu Á 2007 rồi vòng loại World Cup 2010 khiến Sathianathan, một HLV lâu năm làm công tác đào tạo trẻ, cùng FAM ngồi lại bàn bạc với nhau và đi tới quyết định: "Hi sinh" toàn bộ lớp cầu thủ "ngôi sao" khi ấy và tin dùng thế hệ cầu thủ mới, trẻ trung hơn, tài năng hơn và khát vọng hơn.

Nói là làm, ở Sea Games 2007, Sathianathan triệu tập 90% cầu thủ ở độ tuổi 21 tới Thái Lan thi đấu với mục tiêu chính là "cọ xát, học hỏi kinh nghiệm". Giải đó, họ bị loại từ vòng bảng, xếp sau U23 Singapore và U21 Việt Nam.

Thành phần ưu tú trong lứa cầu thủ trẻ này tiếp tục được thử lửa mạnh mẽ hơn trên đấu trường AFF Cup. Năm 2008, những Safee Sali, Norsharul, Azmi, Safiq dừng chân tại vòng bảng khi đối đầu với những địch thủ mạnh là Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, thầy trò Sathianathan không bị khiển trách bởi mục tiêu chính của họ vẫn là "hái quả ngọt" ở Sea Games 2009 và AFF Cup 2010.

Đẩy mạnh liên kết đào tạo nước ngoài, cọ xát với những CLB mạnh thế giới


FAM đã học tập Singapore khi cho phép đội tuyển U22 quốc gia (có biệt danh "những chú tiểu hổ" và được chỉ đạo trực tiếp từ Ong Kim Swee, người vừa cùng các học trò lên ngôi vô địch giải U21 quốc tế 2012 tại Gia Lai) tham dự giải ngoại hạng Malaysia nhằm tăng cường kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc. Năm 2009, U22 Malaysia còn gây ngạc nhiên khi lên ngôi vô địch quốc gia trước hàng loạt đội bóng mạnh ở giải ngoại hạng.

Malaysia không tiếc tiền mời các đội bóng lớn vđá giao hữu cho cầu thủ cọ xát.

Song song với đó, FAM liên tục đưa cầu thủ có tiềm năng đi đào tạo tại những nền bóng đá phát triển và liên kết với nhiều câu lạc bộ mạnh châu Âu về đá giao hữu. Câu chuyện một cầu thủ 20 tuổi lần đầu lên tuyển đã được đối đầu với Syria và... Chelsea như Rozaimi Rahman đã không còn mới mẻ gì ở Malaysia.

Nazmi Faiz lọt vào mắt xanh của CLB giải Ngoại hạng Bồ Đào Nha, S.C. Beira-Mar. Kumaahran Sathasivam chơi cho U17 Cruzeiro của Brazil trong khi Ariff Zulkifly là thành viên của học viện đào tạo Ole của New Zealand. Đó là còn chưa kể những khóa đào tạo ngắn hạn từ Arsenal, Tottenham... đưa các cầu thủ trẻ Malaysia tiếp cận gần hơn tới môi trường bóng đá chuẩn thế giới.

Rajagopal, đại diện cho lớp huấn luyện viên nội tài năng và tâm huyết với bóng đá trẻ của người Mã.

Với tiềm lực tài chính hùng mạnh cùng mối quan hệ rộng, FAM đã tạo ra được hiệu ứng rất tốt khi vừa quảng bá hình ảnh bóng đá Malaysia ra nước ngoài vừa kết hợp liên kết đào tạo trẻ.

Mới đây, sự kiện doanh nhân Tony Fernandez thâu tóm câu lạc bộ Ngoại hạng Anh Queens Park Rangers đã mở ra cơ hội rất lớn cho các tuyển thủ nước này được tới thử việc và tập huấn tại Loftus Road.

"Thu hoạch vàng"

Với chiến lược nhất quán, bài bản cùng những con người tâm huyết như Norizan Bakar, Sathianathan, Ong Kim Swee và "nông dân tóc bạc" Rajagopal, Malaysisa tiến những bước chậm nhưng chắc chắn. Trong khi các đội bóng khu vực như Thái Lan, Singapore, Việt Nam bối rối trong việc tìm kiếm lớp kế cận thế hệ vàng thì người Mã đột ngột tăng tốc.

Bước đầu tiên chính là màn lên ngôi đầy bất ngờ tại Sea Games 2009. Dù thua U23 Việt Nam (1-3) ở ngày ra quân nhưng U21 Malaysia càng chơi càng lỳ lợm. Họ quật ngã "ông kẹ thất thế" U23 Thái Lan để tiến vào bán kết. Gặp lại thầy trò HLV Calisto ở chung kết, U23 Malaysia đã làm được điều không tưởng là hạ gục ứng cử viên số 1 với tỉ số 1-0 để lần thứ 5 giành HCV Sea Games.



Một năm sau ngày chặn đứng vinh quang trước ngưỡng cửa thiên đường của những Thành Lương, Tiến Thành, người Mã với nòng cốt là các nhà vô địch Sea Games, tiếp tục khiến đội quân dưới trướng Calisto "thất điên bát đảo". Trong hai lượt trận bán kết AFF Cup 2010, Safee Sali và các đồng đội chính thức phế truất Việt Nam khỏi ngôi vương Đông Nam Á.

Sau đó, tại chung kết, thy trò Rajagopalđánh bại Indonesia với tổng tỉ số 5-2 để lần đầu tiên đứng trên đỉnh bóng đá khu vực.



Chưa dừng lại, bóng đá Malaysia tiếp tục nối dài những ngày trị vì Đông Nam Á. Tại Sea Games 26 diễn ra vào cuối năm ngoái, U23 Malaysia xuất sắc giành ngôi nhất bảng tử thần với sự hiện diện của chủ nhà Indonesia, Thái lan và cả Singapore.

Ở trận chung kết, trong cuộc tái đấu với chủ nhà Indonesia khí thế ngút trời tại thánh địa Bung Karno, U23 Malaysia thể hiện bản lĩnh thép khi lần thứ hai tại giải đánh bại đội quân xứ vạn đảo, bảo vệ thành công tấm huy chương vàng Sea Games.

Chiến thắng ấy được giới chuyên môn đánh giá rất cao và các đội bóng khác cũng thừa nhận thẳng thắn rằng Malaysia hiện tại đang có lực lượng trẻ già giơ, chất lượng nhất khu vực.

Malaysia thống trị khu vực suốt 3 năm nay.

Malaysia nhìn xa thế nào?

Theo Chương trình Phát triển Bóng đá Quốc gia Malaysia (NFDP), ngân sách cho các hoạt động của riêng ủy ban này vào khoảng 10 triệu Ringit Malaysia/năm (xấp xỉ 68 tỷ VNĐ).Ủy ban đặt mục tiêu cho U17 Malaysia phải vượt qua vòng loại và tham dự World Cup U17 thế giới năm 2019. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, 1.647 cầu thủ Malaysia ở độ tuổi 7-12 đã được tuyển chọn đào tạo ngay từ bây giờ.

Trong suốt thời gian chơi thể thao, số cầu thủ tiềm năng này sẽ bị bộ thể thao Malaysia cấm tham gia các môn thể thao khác. Hiện Malaysia có khoảng 14 trung tâm đào tạo trẻ đạt chất lượng quốc tế.

Dự kiến, đến năm 2013, con số trung tâm sẽ được nâng lên gấp đôi khắp cả nước.FAM tin rằng con số 10 triệu Ringit Malaysia hàng năm cho công tác đào tạo trẻ vẫn chưa đủ. Tham vọng của họ là trong tương lai có thể nâng con số này lên ngang với Hàn Quốc, quốc gia chi khoảng 100 triệu đô la/năm cho công tác trẻ (khoảng 300 triệu Ringit Malaysia).


Lý Sơn

Bình luận
vtcnews.vn