Đọc vị tuyển Việt Nam sau thành công lịch sử

Thể thaoThứ Ba, 06/05/2014 07:34:00 +07:00

(VTC News) - ĐT futsal Việt Nam đã có những bước tiến rất dài kể từ năm 2012. Song, tất cả chỉ đang là bước khởi đầu.

(VTC News) - ĐT futsal Việt Nam đã có những bước tiến rất dài kể từ năm 2012. Song, tất cả chỉ đang là bước khởi đầu. 

Năm 2010, futsal Việt Nam bắt đầu ghi dấu trên đấu trường châu lục khi lọt vào VCK châu Á. Và kể từ đó cho đến kì SEA Games 2013 trên đất Myanmar vừa qua, dưới sự dẫn dắt của HLV người Italia - Sergio Gargelli, futsal Việt Nam dần nổi lên như một đối thủ khó nhằn trong khu vực.
Song, trong giai đoạn 2010-2013, trình độ của các cầu thủ Việt Nam chỉ dừng lại ở mức “kẻ ngáng đường” trước các đội mạnh. Chính vì thế, cuối năm 2013, ĐT futsal Việt Nam chia tay với HLV Gargelli và ký hợp đồng với HLV người Tây Ban Nha - Bruno Jose Garcia Formoso. 
HLV Formoso futsal Việt Nam
 HLV Formoso mang đến những điều tích cực cho futsal Việt Nam
(Ảnh: Quang Minh)
Có thể nói đây là một bước đi đúng đắn của futsal Việt Nam. Dưới thời HLV Formoso, chỉ trong khoảng nửa năm ngắn ngủi, ĐT futsal Việt Nam đã có những bước phát triển đáng nể, đặc biệt là ở mặt chiến thuật - điều mà trước đó HLV Gargelli đã thất bại trong suốt 3 năm. 
Những mặt được của ĐT futsal Việt Nam
Điều dễ thấy nhất dưới thời HLV mới, futsal Việt Nam đã không còn “ngây thơ” bước vào trận đấu như trước. Các cầu thủ luôn có sự sẵn sàng nhập cuộc ngay với trận đấu. Điều này được thể hiện qua việc, HLV Formoso thực hiện rất nhiều sự đổi người trong cả trận đấu nhưng ĐT futsal Việt Nam vẫn duy trì được một thế trận đúng như ý đồ của ông thầy người Tây Ban Nha. 
Quan trọng hơn, tại vòng VCK futsal châu Á đang diễn ra ở TP.HCM, ở cả ba trận đấu ở vòng bảng, ĐT futsal Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc tạo ra được sự chắc chắn trong lối chơi. Các cầu thủ đã bắt đầu có khái niệm chiến thuật khi thi đấu. 
ĐT futsal Việt Nam
 ĐT futsal Việt Nam bắt đầu có khái niệm chiến thuật khi thi đấu
(Ảnh: Quang Minh)
Ở hệ thống phòng ngự, ĐT futsal Việt Nam đã và đang có những nét tương đồng với các đội bóng tốp cao châu Á và thậm chí là thế giới. Các cầu thủ chơi kỉ luật, di chuyển linh hoạt giữa các vị trí để tạo ra một bức tường “di động” trước khung thành, hoặc dồn ép đối thủ ra biên, hạn chế tối đa những cú sút xa ở trung lộ - mối nguy hiểm tiềm tàng nhất đối với khung thành. 

... và chưa được
Nếu so sánh thời điểm hiện tại với năm 2012, năm mà ĐT futsal Việt Nam thất bại 4-9 trước Thái Lan ở trận chung kết AFF Cup, futsal Việt Nam thực sự đã có những bước tiến dài đáng ngợi khen. Tuy nhiên, tất cả chỉ đang là khởi đầu cho một nền futsal vững mạnh thật sự. 
Cách chơi futsal có thể được ví như chơi bóng rổ và chỉ khác nhau ở mặt tỉ số chung cuộc. Các cầu thủ phải liên tục di chuyển, luân phiên bóng thuần thục bằng mọi cách, để hướng đến mục tiêu ghi bàn. Và đôi khi không thể tiếp cận mục tiêu, các cầu thủ sẽ tận dụng những cú sút xa - đây chính là một trong những điểm mạnh nhất của Thái Lan và Nhật Bản, hai trong số nền futsal mạnh nhất châu Á, nhưng rất hiếm khi thấy ở ĐT futsal Việt Nam. 
Đọc vị futsal Việt Nam thời kỳ mới
 ĐT futsal Việt Nam cần nhiều hơn những phương án ghi bàn
Sự bế tắc trong lối chơi khi phải đối đầu với những đối thủ có thể hình cao to, chơi phòng ngự-phản công của ĐT futsal Việt Nam lộ ra khá rõ. Khi có bóng, các cầu thủ thường chỉ có ba cách để tiếp cận khung thành: đan bóng và dùng kĩ thuật cá nhân đột phá; tận dụng khả năng ném bóng dài chính xác của thủ môn Đặng Phước Anh; cuối cùng, thường xuyên sử dụng nhất là “bài cột 2”. 
“Bài cột 2” nói theo cách dễ hiểu nhất là, sẽ luôn có một cầu thủ tấn công áp sát khung thành đối phương, đứng trái hướng với bóng. Cầu thủ giữ bóng cùng những cầu thủ khác tìm mọi cách để chuyền, sút thật mạnh vào cột gôn xa bóng nhất. Và lúc đó thì cầu thủ tấn công kia sẽ lao vào đệm bóng cận thành. 
Đây là có thể được coi là chiến thuật đơn giản nhất của bộ môn futsal ở thời điểm hiện tại. 
đọc vị futsal Việt Nam thời kỳ mới
Cần nhiều hơn sự đa dạng trong thành phần đội tuyển 
ĐT futsal Việt Nam là đội có số lần thay người nhiều nhất giải. Nhưng những lần thay đổi đó lại không hề mang lại được một sự mới mẻ nào.

Ở trận đấu chiều qua (5/5), Nhật Bản thắng Kyrgystan 5-0, ba bàn thắng đầu tiên của các cầu thủ xứ mặt trời mọc đều đến sau những lần thay đổi. Có cảm tưởng, ĐT futsal Nhật có hai đội hình, một để chơi chắc chắn và một để tung sức tấn công. 
ĐT futsal Việt Nam còn khá yếu ở mặt “ý thức tuân thủ chiến thuật” - khái niệm hoàn toàn khác so với “tư duy chiến thuật”. Điểm yếu của các cầu thủ là chưa có kĩ năng bao quát sân tốt cùng sự kỉ luật được đặt lên hàng đầu.

Trong rất nhiều tình huống để thua, các cầu thủ Việt Nam vẫn để lộ ra những khoảng trống ngay sát khung thành. Và chính điều này dẫn đến việc dù thủ môn có tài năng đến đâu thì vẫn phải ngậm ngùi vào lưới nhặt bóng. 
Kết 
ĐT futsal Việt Nam dù đã có những mặt tiến bộ trong chiến thuật nhưng đôi khi lại quá bài bản trong những tình huống cần sự đột biến. Nhưng không có việc gì phải vội vàng cả, sự thuần thục chiến thuật là nền tảng cho việc phát huy được lối đá kĩ thuật, luôn ẩn chứa bất ngờ.
đọc vị futsal Việt Nam thời kỳ mới
 Phát triển là một chặng đường dài, không có gì phải vội vàng (ảnh: Quang Minh)
Thành công nào cũng cần phải trải qua những chặng đường phát triển. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải thật sự kiên trì với con đường đã chọn. ĐT futsal Việt Nam đã và đang có những bước khởi đầu cho một thành công mới. Và điều đó giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào sự nỗ lực của các cầu thủ cho mục tiêu: Đạt tới trình độ châu Á và tiệm cận trình độ của những nền futsal tốp 10 thế giới nơi Việt Nam hiện đang xếp thứ 44.

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn