Độc đáo rừng nguyên sinh giữa đồng bằng Thái Bình

Thời sựThứ Ba, 13/03/2012 12:35:00 +07:00

(VTC News) - Ở một tỉnh đồng bằng đất chật người đông vào hàng bậc nhất nước như Thái Bình còn rơi rớt lại 2 mảnh rừng già thật là đáng quý.

(VTC News) - Nói tới rừng già ở những tỉnh vùng cao thì không lạ, nhưng ở một tỉnh đồng bằng đất chật người đông vào hàng bậc nhất nước như Thái Bình còn rơi rớt lại 2 mảnh rừng già thật là đáng quý.

Mảnh đất được ưu ái đó là khu Miếu Go thuộc làng Vọng Lỗ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ và khu đền vua Rộc ở xã Vũ An, huyện Kiến Xương. 

Khu miếu Go hay còn gọi là miếu Sổ (tên Hán Việt là làng Vọng Lỗ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ) thờ Tản Viên sơn thánh.

Toàn cảnh miếu Go 

Nơi đây vào 1936 còn là nơi  thành lập chị bộ Đảng huyện Phụ Dực. Đó là một gò đất nổi lên giữa cánh đồng rộng chừng 2ha với nhiều loại cây gỗ và thảo dược quý hiếm như: Sộp, thông đỏ, sơn...cây cối ùm tùm xung quanh thành vồng tròn đã tạo nên sự kỳ thú cho vùng đất quê lúa.

Đây có lẽ là "mảnh rừng" độc đáo duy nhất ở Thái Bình.

Hào nước bao quanh rừng miếu Go 

Khu rừng nguyên sinh Miếu Go có hào nước bao bọc, xung quanh là không gian của mây, tre, xà cừ, si, đa, thông. Trưa hè nắng nóng gay gắt, chỉ cần bước qua chiếc cổng nhỏ, bước vào mảnh rừng là đã thấy mát rượi bởi bóng những cây cổ thụ phủ trùm, những rặng tre bụi mây bao bọc. Khi hoàng hôn buông phủ là cả mảnh rừng ríu ran tiếng chim.

Ông Trần Văn Tý - Ban quản lý khu di tích (88 tuổi) tự hào khoe: "Khu rừng đặc biệt có khoảng 3 cây sơn, và một loại cây mà dân làng hay gọi là cây gỗ, cây thông đỏ hàng 100 năm và nhiều loại thảo dược khác".

Ông Trần Văn Tý - Ban quản lý khu di tích  trước cây sơn

Có những cây lớn đến 3 người ôm và có cây đến hàng trăm tuổi. Không chỉ vậy ngày trước các loại chim, sáo, cò, vẹt thường về làm tổ rất nhiều. Gọi là cây gỗ đẻ vì rễ lan đến đâu, mầm chồi nẩy cây mới đến đó, hơi giống lá bạch đàn, nhưng dài hơn, thân thẳng, cao, mọc thẳng từ đất vào quấn lấy nhau, đến giờ cây đã đẻ 3 cây to và nhiều cây con khác. Theo dân trong vùng, nhà nào hiếm muộn con cái tới đó cầu tự, khấn vái sẽ được toại ý.

Nơi đây tồn tại 1 khóm tre khá lớn, các cây tre mọc đâm chen nhau trên 1 hõm đất rất lạ là không bao giờ đầy. Hõm đất được bao phủ bằng lá cây rừng rụng xuống, theo ông Tý thì thỉnh thoảng ông có đổ lá cây hay đất phủ lên cho đầy nhưng một lúc sau thì lại bị trũng xuống mà không hiểu vì sao.

Được biết, toàn bộ khóm tre này chỉ được lấy chuyên dùng trong lễ hội Đuổi Bệt của làng. Ông Tý cho biết: "sắp tới khu rừng miếu Go sẽ được trồng thêm những cây lưu niên để ngày càng thêm rợp mát".

 Hố tre không bao giờ đầy ở Miếu Go

Cũng trong niềm cảm xúc về nét độc đáo của vùng đất làng mình, bà Nguyễn Thị Sơn (60 tuổi) quê ở thôn Xuân Lai, xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ hào hứng kể: "Nhà tôi cách mảnh rừng miếu Go này chừng 5km, ở đây vài chục năm, đi qua bao lần, đã nghe dân làng kiểu cũng nhiều lần, mà hôm nay mới có dịp tới thăm khu rừng. Quả thật là rất đáng quý, bởi ở giữa vùng đồng bằng đất chật người đông mà vẫn còn tồn tại một khu rừng già, đầy cây cối và chim muông; lại có tòa miếu cổ kính, linh thiêng…"

Tòa miếu Go không lớn, hình chữ Đinh, xây thời Nguyễn, nhưng độc đáo là có sập đá, cao hơn 1m, rộng chừng 3m2 chạm trổ tinh xảo, ở sau bàn thờ thánh. Một điểm đặc biệt nữa là có tượng linh thú (con sấu hay còn gọi là sư tử trong huyền thoại) ngồi đội mái lá, mỗi con một vẻ mặt, hình dáng rất sinh động ví như "sấu đội lá mái mặt nhìn quay ngang”.

Kiến trúc miếu Go thời Nguyễn 

Có rất nhiều ý kiến lý giải về nguồn gốc của khu rừng này, có người cho rằng thời xa xưa có người mang đất và cây từ miền núi về đắp và trồng nên, vì đất đồng bằng không thể có những cây như thông, lim, xà cừ được.

Có ý kiến khác rằng dân từ vùng núi, trung du di cư về đồng bằng (vì thành hoàng của họ là Sơn Tinh - thần núi) lập miếu rồi mới trồng cây gây rừng hoặc cũng có thể đã có khu rừng trước rồi họ xây miếu vào đó.

Tuy nhiên, theo sách Địa chí Thái Bình lý giải rằng cách đây chừng trăm năm, ở Thái Bình có khá nhiều mảng rừng già bao trùm, bao bọc nhiều đền miếu thiêng liêng, thậm chí còn có muông thú quần tụ đông đảo tại các huyện như Hưng Nhân, Duyên Hà, Kiến Xương, Phụ Dực (cũ); nhưng do sự phá hoại của con người và sự biến đổi khí hậu, nên nhiều mảnh rừng xưa chỉ còn trong hoài niệm. Vì thế mà hiện nay hai mảng rừng già còn sót lại của Thái Bình rất quý giá và cũng rất đỗi mong manh. Vừa qua miếu Go đã xây tường rào, cổng kín thẳng tắp.

Cổng vào rừng miếu Go  

Ông Trần Thế Vinh - cán bộ văn hóa xã An Vũ tâm sự: "Do khu rừng gắn với truyền thuyết Đuổi Bệt nên hàng năm vào dịp lễ hội và cả ngày thường rất nhiều du khách về thăm quan, nghiên cứu.

Đây là một "kỳ quan thiên nhiên" mà tạo hóa đã ban tặng cho xã chúng tôi. Miếu Go đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa, người dân trong xã luôn bảo nhau giữ gìn khu rừng này..."

Nói về khu rừng không thể không nhắc đến lễ hội Đuổi Bệt. Tương truyền, ngày xưa có một ông quan giỏi, sau khi cùng nhà vua dẹp giặc Nguyên Mông xong, chán cảnh triều đình bê bối nên xin về quê ở ẩn.

Toàn cảnh miếu Go  

Trước khi về nhà vua ban cho một cái lốt hổ (áo da hổ). Do ông là người tốt, được các quân lính tôn sùng nên họ xin ông được theo cùng. Suốt nhiều ngày ròng rã, về đến làng Xổ, thuộc tổng Vọng Lỗ, phủ Long Hưng (nay là làng Vọng Lỗ xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ) tiền bạc, lương thực mang đi đường đã hết.

Vì sợ để quân lính chết đói, ông đã dùng áo lốt hổ khoác vào người giả làm hổ để vào làng bắt gà, lợn của dân làng cho quân lính sinh hoạt qua ngày. Bất bình trước cảnh hổ dữ vào làng hoành hành, có một gia đình ba anh em đã quyết tâm cùng nhau đánh đuổi hổ nhưng đều phải tử trận, còn người em nuôi của gia đình đêm về nghĩ cách đánh lại hổ bằng cách giả hổ, thấy hổ thật "ông hổ" hoảng sợ bị thương và chạy về khu rừng Miếu Go đó rồi chết. Từ đó dân làng đã lập đền thờ “ông hổ” tại khu rừng Miếu Go và lập các đình thờ 4 người anh em đánh hổ kia.

Cây gỗ Đẻ trong rừng già miếu Go  

Để tưởng niệm truyền thuyết, cứ đến ngày mùng 1/4 (âm lịch) hàng năm lễ hội “Đuổi Bệt” lại được tổ chức nhằm tái hiện lại các trận của 4 anh em trong làng với “ông hổ”.

Ông Tý cũng cho hay: Lễ hội kéo dài từ 20/3 tới 1/4 âm lịch hàng năm, kiệu thánh được rước từ miếu vào khất đài trong làng để tế lễ. Có chừng 20 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng từ 6 đình trong tổng Vọng Lỗ cũ, tập trung về khất đài. Chỉ có dân trong một xóm của thôn Thượng được - nhà con trai trưởng (quan đệ nhất) nằm trong tầm ngắm được chọn dựng khất đài. Gia đình ấy phải khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, không được cãi cọ, trộm cắp.

Cây si cổ thụ tại rừng miếu Go 

Cũng trong ngày chính hội, cả làng không ai được nói to, nhà nào có đám tang thì cũng chưa được nổi kèn trống, khóc than, đưa tang. Sáng 1/4, trừ ông thủ từ, còn không ai được vào miếu. Sáng 1/4, sau khi rước thánh về miếu thì mới được đánh trống to, mọi hoạt động mới tiến hành bình thường.

Ngoài ra ở Thái Bình, tại huyện Kiến Xương còn tồn tại một khu rừng nguyên sinh rộng 2,4 mẫu tại Đền vua Rộc. Đền vua Rộc thờ một vị tướng phương Bắc, bị tử trận khu vực này, khu rừng cũng có hào nước sâu bao quanh. Qua cổng đền - ngũ môn đồ sộ cao gần 30 m, là lạc vào thế giới của Màng Rề, Móc, Bẹ Vàng, Thiều Hoa....

Tòa đền 5 gian xây bằng gỗ, kiến trúc thời Nguyễn, hình chữ đinh. Tương truyền đền nằm trên hai mũi rồng, hai ao nhỏ vẫn còn ăm ắp nước hai bên là mắt rồng. Lễ hội đền Vua Rộc diễn ra vào ngày 5-6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, có trò đánh cờ, hát chèo...

Một số hình ảnh rừng đền Vua Rộc:


 
 
 
 
 

Chi Bảo

Bình luận
vtcnews.vn