Độc đáo cháo ấu tẩu Hà Giang

Tổng hợpThứ Sáu, 02/11/2012 07:27:00 +07:00

Có dịp được thưởng thức lại món cháo ấu tẩu ngay giữa thủ đô, tôi chợt nhớ lại thời gian ngắn ngủi công tác vài ngày trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn thuở nào.

Có dịp được thưởng thức lại món cháo ấu tẩu ngay giữa thủ đô, tôi chợt nhớ lại thời gian ngắn ngủi công tác vài ngày trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn thuở nào. Ngày đó, cũng là lần đầu đặt chân lên đất Hà Giang, mọi thứ đối với đứa như tôi quả lạ lẫm lắm. Lạ từ đường đi nước bước, cho đến những món ăn – những đặc sản vùng miền không nơi nào giống nơi nào.

Sẵn tâm hồn ăn uống, tôi chẳng ngại ngần thưởng thức những món ăn mà không phải người nào dưới xuôi lên với vùng cao cũng dám thử. Vừa ăn vừa trấn an, người bản địa ăn được, mình ăn chắc cũng chả sao. Và trong số những món ăn đó có cả món cháo từng được mệnh danh là loại cháo độc dược.

Gọi là độc dược có lẽ cũng không oan. Đất Hà Giang với núi non trùng điệp, đá chồng lên đá, mây ấp ôm mây. Chính nơi đây, trên đỉnh những ngọn núi cao chót vót tưởng chạm tới chân mây này lại mọc lên một loại củ có tên là ấu tẩu. Ấu tẩu cứng như đá tai mèo, xù xì và gai góc. Tôi thắc mắc tại sao ấu tẩu lại có cái tên đậm chất dân tộc như thế, nhưng không ai biết nguồn gốc tên gọi “ấu tẩu”  được tộc người nào đặt ra. Còn về cái sự “độc” của món cháo, ngay cả những em bé 4 đến 5 tuổi nơi đây cũng có thể trả lời vanh vách được.

 
Nói đến ấu tẩu, nhiều người liên tưởng đến củ ấu dưới miền xuôi bởi tên gọi của chúng na ná nhau. Thực tế, hai loại củ này hoàn toàn khác nhau cả về hình dáng lẫn thành phần hóa học. Củ ấu là loại cây thủy sinh, có thể ăn sống hoặc chế biến tùy ý, còn củ ấu tẩu thì ngược lại, chúng mọc trên núi đá và sẽ gây chết người nếu ai lỡ ăn sống hoặc chế biến không đúng cách. Theo y học cổ truyền, trong ấu tẩu có chứa 1 lượng anconitin khá lớn, chất này có dược tính được xếp vào bảng A độc dược. Với 1 liều từ 1mg, có thể gây ngộ độc nặng, còn đối với liều từ 2 – 3mg thì đủ làm chết 1 người trưởng thành.

Ấu tẩu hay còn gọi là ô đầu và phụ tử từ lâu đã được đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại Hà Giang lấy ngâm rượu để xoa bóp tay chân mỗi khi trái gió trở trời.  Theo người dân bản xứ, ấu tẩu nếu ăn sống sẽ khiến cơ thể co rúm lại, khó thở và dẫn đến tử vong. Nhưng độc đáo ở chỗ, nếu biết cách chế biến, loại củ được giới đông y xếp vào bảng A độc dược này không những ăn được mà còn có tác dụng chữa được các bệnh liên quan đến phong tê thấp và tim mạch. Bởi lẽ, dược tính trong ấu tẩu giúp làm thông 12 kinh mạch trong cơ thể con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng. Đối với những người bị tình trạng âm hư dương thịnh và phụ nữ có thai thì không nên dùng.

 
Lên công tác Hà Giang đúng mùa đông, giữa cái lạnh cắt da cắt thịt, sáng sớm tỉnh dậy nhìn không rõ mặt người dù chỉ đứng cách nhau vài bước chân, khi đó chỉ muốn lót dạ món gì thật nóng, được sì sụp hít hà bên bếp than đỏ lửa, thật còn gì thú hơn thế. Chẳng biết độc đến đâu nhưng hễ cứ đặt chân lên vùng cao nguyên đá Hà Giang này, ai cũng muốn nếm qua món ăn này ít nhất một lần. Còn đối với người bản địa nơi đây, củ ấu tẩu sau khi trải qua các công đoạn chế biến để loại bỏ độc tố nấu thành cháo lại trở thành món ăn hàng ngày giúp bồi bổ sức khỏe và phòng ngừa các bệnh về xương khớp.

 
Trở về Hà Nội sau chuyến công tác đầy ý nghĩa, thi thoảng tôi lại bồi hồi nhớ về cái vị nhằng nhặng đắng của ấu tẩu hòa lẫn vị ngon ngọt của móng giò heo, vị dẻo thơm của gạo tẻ trộn nếp cái hoa vàng. Mấy năm sau ngày đi thực tế trên vùng đất cao nguyên ấy, tôi lại có dịp được thưởng thức chính hương vị thuần chất Đông Văn Mèo Vạc ấy ngay tại thủ đô Hà Nội. Chủ quán đã bị món cháo ấu tẩu mê hoặc đến nỗi quyết đưa bằng được hương vị lạ lùng này về tận đất hà thành. Và câu chuyện độc đáo về một loại củ mọc trên núi đá, trên những dãy núi tận nơi cực Bắc của tổ quốc lại được bắt đầu với những ai muốn một lần được thử? Sao lại không?

 

Muốn có tô cháo ấu tẩu ngon cần rất nhiều công đoạn. Củ ấu tẩu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm, sau đó rửa sạch và đem ninh hơn 4 giờ, tới khi củ mềm, bở tơi. Gạo dùng để nấu cháo là gạo tẻ trộn với chút gạo nếp cái hoa vàng nhằm tạo độ sánh và hương thơm cho cháo. Gạo sau khi vo sạch được cho vào nồi nước lấy từ nước hầm chân giò heo (lợn) ninh chung với củ ấu tẩu. Trong quá trình nấu, nêm nếm cháo cho vừa ăn.

 Khi ăn có thể cho thêm thịt nạc băm, trứng gà, hành, ngò, tiêu. Cháo có mầu sậm, khi ăn có vị hơi đăng đắng. Nhưng cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu bùi, dẻo, quện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm. Theo kinh nghiệm dân gian, cháo ấu tẩu có tác dụng giãn gân cốt, giảm đau cơ, nhức xương, xua tan mệt mỏi của người đi đường xa. Còn nếu ăn với lá tía tô, cháo có tác dụng giải cảm rất tốt.

Kim Chi

 

 

Bình luận
vtcnews.vn