Độc chiêu bán dạo: Nghề mua vui gây ám ảnh

Thời sựThứ Năm, 10/05/2012 06:41:00 +07:00

(VTC News) – Những người biểu diễn ở các quán nhậu không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động nên biểu diễn rất nguy hiểm, người xem cũng ám ảnh.

(VTC News) – "Những người biểu diễn ở các quán nhậu hoàn toàn không được đào tạo bài bản, không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động nên khi biểu diễn rất dễ nguy hiểm đến tính mạng, mà ngay cả người xem cũng bị ám ảnh."




Theo TS Phạm Đức Trọng – Trưởng khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM, những chiêu bán hàng rong đường phố chưa được xem là 1 hiện tượng xã hội bởi lẽ những chiêu trò như thổi lửa, nuốt dao lam, nuốt rắn, hát rong, pê đê nhảy hip hop bán kẹo kéo… là một hình thức mưu sinh bằng sức lao động, nhưng lại không đăng kí kinh doanh.

Theo TS Trọng, những độc chiêu bán hàng rong đường phố ở các quán nhậu tại TP.HCM chưa phải là 1 hiện tượng xã hội. 

Cũng theo ông Trọng, điều chúng ta cần quan tâm ở đây là những kẻ đứng đằng sau, lợi dụng sức lao động của những người lao động nghèo, nhất là đối với các em nhỏ để hưởng “các món lợi kếch xù”.

Những đối tượng này nhởn nhơ hoạt động theo một hệ thống bài bản, có tổ chức như là một cơ quan bình thường để làm giàu trên sức lao động của người khác, mà không có một chút rung động.

Bên cạnh đó, ông Trọng cũng đã nhấn mạnh rằng: Những người biểu diễn ở các quán nhậu hoàn toàn không được đào tạo bài bản, không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động nên khi biểu diễn rất dễ nguy hiểm đến tính mạng, mà ngay cả người xem cũng bị ám ảnh.

Hiện đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu các hiện tượng gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội, còn đối với những hiện tượng nói trên vẫn chưa được tổ chức thành đề tài để nghiên cứu trong khoa xã hội học.

Là một người đi rất nhiều nơi trên thế giới, TS. Trọng cho rằng các chiêu “độc” bán hàng rong ở quán nhậu không chỉ thấy có ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng có hiện tượng này

“Nó đã trở thành một nghề kiếm sống, của những người lao động nghèo, Đơn giản chỉ là vấn đề mưu sinh. Họ không làm việc này thì có thể làm việc khác. Có chăng là công việc của họ được xã hội đánh giá và nhìn nhận thế nào, miễn sao là họ không ỷ lại sức lao động của người khác, vi phạm pháp luật”.

Trong khi đó, ông Trần Mạnh Thái – giảng viên khoa Văn hóa học, Đại học Văn Hiến TP. HCM lại cho rằng những chiêu “độc” bán hành rong như vậy không được coi là nét văn hóa của Sài Gòn ngày nay.

Đó chỉ là phương thức mưu sinh có sự sáng tạo, chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng của những người lao động nghèo, không có tư liệu sản xuất. Việc làm của họ không làm ảnh hưởng đến tình hình chung, cũng như cảnh quan và sự phát triển của Thành phố.

Ông Thái cũng đã ví von rằng những người bán hàng rong trên đường phố và những người nghệ sĩ biểu diễn trên đường không khác nhau là mấy.

Điểm khác biệt duy nhất là những nghệ sĩ đường phố có thể là họ đã được đào tạo bài bản qua trường lớp, được công chúng đón nhận. Họ biểu diễn công khai trên đường phố, được xã hội công nhận. Đó được xem là nét văn hóa đang hình thành ởTP. HCM.

“Còn đối với những chiêu thức bán hàng rong độc đáo trên đường phố thì không được như vậy, Họ không được ai công nhận, dù rằng họ cũng lao động cật lực, nguy hiểm không kém” – ông Thái nhìn nhận.

Một ví dụ dẫn chứng cụ thể nhất, có lần ông Thái hằng ngày liên tục chứng kiến một người đàn ông mang đàn ngồi gảy và hát tại một đoạn đường ở quận Gò Vấp cho khách qua đường thưởng thức.

Người đàn ông này hát những bản tình ca rất ngọt ngào, say sưa chỉ trên một con đường duy nhất. Thu nhập chính của anh ta nhờ vào những khoản tiền mà khách cho, mỗi ngày cũng được từ 160.000 đồng – 240.000 đồng.

Khi ông Thái hỏi người đàn ông về mục đích biểu diễn thì được tâm sự rằng vì thu nhập chỉ là một phần, lí do khác là anh ta muốn được biểu diễn để thỏa lòng đam mê, đem lời ca tiếng hát của mình để phục vụ cho công chúng.

Cuối cùng, ông Trần Mạnh Thái đã kết luận: Chúng ta nên thông cảm cho những “nghệ sĩ” đường phố đấy, mà không nên cấm vì nếu cấm ở đây sẽ chuyển sang chỗ khác. Thậm chí nếu nghiêm trọng hơn chúng có thể dẫn đến những tệ nạn xã hội đáng tiếc.

“Ngoài ra, nếu muốn cho thực trạng này trở thành một nét đẹp, văn minh của xã hội thì đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo ra một môi trường lành mạnh cho họ hoạt động, tạo công ăn việc làm cho họ và hoàn toàn không nên ngăn cấm, giữ tư liệu sản xuất của họ” – ông Thái khẳng định.

Ngọc Thân – Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn