Độc chiêu bán dạo kiếm trăm triệu mỗi tháng ở Sài Gòn

Thời sựThứ Ba, 08/05/2012 02:01:00 +07:00

(VTC News) – Nuốt dao lam, thổi lửa, hát rong, pê đê bán kẹo kéo… đang tràn ngập vỉa hè đường phố Sài Gòn hằng đêm.

(VTC News) – Nuốt dao lam, thổi lửa, hát rong, pede bán kẹo kéo… đang tràn ngập vỉa hè đường phố Sài Gòn hằng đêm.

Thời gian gần đây, khi đến các quán ăn, quán nhậu ở TP.HCM vào những buổi tối, có thể dễ dàng bắt gặp các em nhỏ trong độ tuổi từ 8 – 15 tuổi biểu diễn các màn xiếc rùng rợn, nhất là màn nuốt lửa, nuốt dao lam để xin tiền thực khách.

Về đêm, H. là một trong những đứa trẻ như vậy mà chúng tôi gặp được tại quán ốc Bà Lâm (đường Thành Thái – Q.10).

Biểu diễn xong cho thực khách xem, H.ngồi cùng chúng tôi tâm sự, em được 1 người đàn ông lạ mặt, quen “sơ sơ” với gia đình em đưa từ TP Rạch Giá – tỉnh Kiên Giang lên TP.HCM cách đây vài tháng. Để "có" được em, người đàn ông này đã đưa cho gia đình H. 2 triệu đồng gọi là tiền “chi phí”.

Lên tới thành phố, H được những “sư phụ” trong nghề truyền lại "bí quyết" để kiếm tiền như nuốt lửa, nuốt rắn, nhai than chỉ trong 1 ngày. Đến ngày thứ 2, thì H. được các đàn anh, đàn chị đẩy ra đường để “hành nghề”.


Trẻ em biểu diễn nuốt lửa ở TP.HCM 

Khi chúng tôi hỏi liệu làm như thế thì có bị bỏng hay không, H. chìa ra cho chúng tôi thấy cái lưỡi của em bị phồng rát chính từ những lần đi làm “xiếc” ở các quán nhậu giống như vậy.

 
>> Xem video: Cướp Sài Gòn manh động cỡ nào
Ngày ngày, trời vừa vào tối H. cùng 2 bạn nhỏ khác xuất phát từ căn phòng cho thuê tại quận 8, sau đó được những người "chăn dắt" chở đến khu hải sản đường Thành Thái để biểu diễn tới 2h sáng mới được về nhà.

“Nhiều hôm về tới nhà, tụi con mệt rã rời, gục hẳn. Mồm miệng tụi con bỏng rát, ăn không nổi nên buộc phải ăn cháo trắng” – một "ảo thuật gia" tên V. tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (chủ cửa hàng trên đường Thành Thái – Q.10) cho biết, những tiết mục mà các em biểu diễn hằng đêm không phải là xiếc, mà chỉ là những trò lừa đảo, những cách bóc lột sức lao động của trẻ em, tạo ra lòng thương hại của thực khách để được cho tiền.

Một buổi tối đi làm, mỗi em có thể kiếm được từ 300.000 – 500.000 đồng. Hàng tháng có thể thu về từ 7.000.000 – 9.000.000 đồng, nhưng tất cả những số tiền này, các em đều phải nộp về cho những ông chủ, còn lại chỉ được trả lương từ 2.000.000 – 2.500.000 đồng tùy theo lứa tuổi và tùy theo số tiền mà các em có thể kiếm được hằng đêm.

Tại một quán nhậu khác ở bờ kênh Nhiêu Lộc (Q.3), rất đông thực khách đang hò reo, ấn tượng với màn nhảy của 1 thanh niên theo điệu nhạc Pop Micheal Jackson. Vừa nhảy, người thanh niên này vừa đon đả mời chào khách hàng mua từng thanh kẹo kéo, kẹo cao su.

Tiếp xúc với chúng tôi, chàng vũ công tên Nguyễn Thanh Hùng (quê ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, tạm trú ở phường 13, quận Bình Thạnh) cho biết, Hùng vào TP.HCM khi vừa mới học xong lớp 10 để tìm kế mưu sinh.

Bán kẹo kéo, nhảy theo điệu nhạc của ông vua nhạc pop Micheal Jackson. 

Trong 3 năm sống ở Sài thành, Hùng đã phải làm rất nhiều nghề khác nhau, nhưng số tiền dành dụm được cũng chẳng bao nhiêu. Ở quê, ba mẹ của Hùng lại đau ốm liên tục, hai em gái của Hùng đã nghỉ học để đi làm mướn, Hùng buộc phải tìm cho mình một hướng đi khác.

>> Những tư liệu 'độc' về giải phóng Sài Gòn

Vốn thần tượng ông vua nhạc pop Micheal Jackson, Hùng đã nảy ra ý định áp dụng những điệu nhảy vào nghề nghiệp của mình. Cùng lúc, Hùng đã chịu khó tìm tòi qua sách báo, băng đĩa cùng với việc lên mạng tìm kiếm, học hỏi thêm các thủ thuật về ảo thuật nhằm thu hút khách.


Một người bán kẹo kéo đang mời khách nhậu mua hàng.  


Mỗi cây kẹo kéo bán được Hùng lãi 2.000 đồng, mỗi cây kẹo cao su lãi được 5.000 – 7.000 đồng.

“Mỗi đêm, em có thể có được tiền lãi trên dưới 2 triệu đồng từ vài trăm cây kẹo kéo và kẹo cao su. Thậm chí có buổi tối, em bán được nhiều kẹo, lời đến trên 3.000.000 đồng, chưa kể số tiền mà khách “bo” thêm. Có điều chịu khó đi nhiều 1 chút mà thôi” – Hùng kể lại.

Cũng theo Hùng, hiện em không còn phải lo lắng nhiều cho cuộc sống riêng tư của mình như trước nữa. Thêm vào đó, lại có thể tiết kiệm thêm 1 số tiền nhỏ để gửi về cho gia đình, lo cho 2 người em gái đi học lại từ số tiền bán hàng rong hằng đêm của mình.

“Có lẽ em sẽ làm thêm 1 thời gian nữa để có thêm tiền ổn định hơn. Còn về lâu về dài, em sẽ phải tìm 1 nghề khác ổn định hơn, thoải mái và đỡ vất vả hơn…”

Việt Dũng – Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn