Cả năm thiếu 4,5 tỷ kWh điện, EVN vẫn đạt doanh thu 'khủng'

Kinh tếThứ Tư, 25/12/2019 15:09:00 +07:00
(VTC News) -

Tổng doanh thu toàn EVN năm 2019 đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm trước, trong khi đó lợi nhuận cũng đạt mức gần 1.000 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết như trên tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của EVN sáng 25/12.

Theo đó, tính đến cuối 2019, tổng doanh thu toàn EVN đạt 393.230 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỷ đồng, tăng 16,4%.

Lợi nhuận công ty mẹ - EVN đạt 950 tỷ đồng, tất cả các tổng công ty đều có lợi nhuận đạt kế hoạch.

Cả năm thiếu 4,5 tỷ kWh điện, EVN vẫn đạt doanh thu 'khủng' - 1

EVN báo doanh thu 2019 đạt gần 340.000 tỷ đồng, lợi nhuận công ty đạt 950 tỷ đồng. (Ảnh: EVN)

Ngoài ra, EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước. Cụ thể, toàn tập đoàn tính đến cuối 2019 là 712.678 tỷ đồng, tăng 6.174 tỷ đồng so với 2018, trong đó vốn chủ sở hữu là 219.092 tỷ đồng, tăng 1.646 tỷ đồng.

Hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của EVN là 2,25 lần, tỷ lệ tự đầu tư 30,7%.

Với kết quả kinh doanh như trên, năm nay giá trị nộp ngân sách của toàn EVN là 27.200 tỷ đồng, tăng 2.089 tỷ đồng so với 2018.

Tuy nhiên, EVN cho biết năm 2019 gặp nhiều khó khăn khi tình hình khô hạn xảy ra ở hầu hết các khu vực, nước về các hồ chứa ở mức rất thấp. Đặc biệt nước về các hồ thủy điện lưu vực sông Đà thấp nhất trong 30 năm trở lại đây, nên sản lượng điện suy giảm 16,3 tỷ kWh, sản lượng điện thiếu hụt là 4,5 tỷ kWh.

Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện còn gặp nhiều khó khăn, do nguồn khí Đông Nam Bộ suy giảm mạnh, cuối năm giảm còn 16,5 triệu m3/ngày. Nguồn than trong nước không đáp ứng nhu cầu nên phải nhập khẩu, khiến chất lượng thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Tình trạng quá tải lưới điện xảy ra tại một số nơi. Mặc dù EVN đã đảm bảo giải tỏa gần 4.200/4.880MW các nguồn điện tái tạo vào vận hành. Tuy nhiên, do một số các công trình lưới điện không đáp ứng tiến độ đưa vào đồng bộ nên xảy ra tình trạng quá tải lưới điện đối với 19 dự án nguồn điện (670MW) tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận được đấu nối trên truyến đường dây 110kV Tháp Chàm – Ninh Phước - Phan Rí.

Tiến độ phát điện thương mại Nhiệt điện Duyên Hải 3 tiếp tục chậm tiến độ sang quý I/2020. Các dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum, thuỷ điện Đa Nhim cũng không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong năm 2019.

Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I chưa thể khởi công được trong năm 2019 do khó khăn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Nhiều công trình lưới điện quan trọng gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (đường dây 220kV sau các trạm 500kV Phố Nối, Việt Trì, Lưu Xá), hoặc vướng mắc chuyển đổi đất rừng (đường dây 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nghĩa Lộ - Việt Trì, Nha Trang – Tháp Chàm,...).

Đặc biệt các công trình đồng bộ Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nghi Sơn 2 bị chậm tiến độ phải thực hiện giải pháp tăng cường tránh bị phạt do vi phạm tiến độ.

Từ đó, tổng giám đốc EVN kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành sớm trình Thủ tướng cơ chế giá điện mặt trời và cơ chế đấu thầu cạnh tranh. Hoàn thiện qui trình thủ tục, các cơ chế chính sách đối với các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT.

Báo cáo Thủ tướng chủ trương chuyển giao cho EVN tài sản và quản lý vận hành các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2 để tìm kiếm nguồn khí kịp thời cung cấp cho các nhà máy sau khi hợp đồng khí Nam Côn sơn hết hạn.

Đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nguồn điện ngoài EVN đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn