Doanh nhân Đỗ Hoài Nam: 'Biết luật sai mà không sửa mới đáng lo'

Thời sựThứ Sáu, 01/07/2016 14:11:00 +07:00

Cựu CEO Emotiv Đỗ Hoài Nam, một lãnh đạo khởi nghiệp trẻ ở Việt Nam cho rằng Quốc hội xin ý kiến đại biểu về việc tạm hoãn thi hành Luật Hình sự 2015 để sửa đổi là việc cần thiết, hợp lý.

Ngày 27/6, trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triệu tập trong cuộc họp bất thường nhằm thống nhất một số vấn đề liên quan tới việc khắc phục các sai sót của Bộ luật Hình sự.

Bộ luật Hình sự vừa được Quốc hội khoá XIII thông qua tháng 11/2015, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã phát hiện Bộ Luật hình sự này có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

bo luat hinh su-1

Bộ Luật Hình sự 2015 được thông qua tháng 11/2015

Trong đó, một nhóm các doanh nghiệp đã có kiến nghị gửi lên lãnh đạo Nhà nước liên quan đến việc bỏ Điều 292 Bộ Luật Hình Sự 2015 (BLHS 2015) về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Chia sẻ về vấn đề này, cựu CEO Emotiv Đỗ Hoài Nam, một lãnh đạo khởi nghiệp trẻ ở Việt Nam đã đi sâu phân tích vấn đề của điều 292 Bộ Luật Hình sự 2015.

do hoai nam -1

Cựu CEO Emotiv Đỗ Hoài Nam, một lãnh đạo khởi nghiệp trẻ ở Việt Nam 

Anh Đỗ Hoài Nam cho rằng online là một trong những lĩnh vực mới trong các hình thức kinh doanh tại Việt Nam.

“Khi Bộ Luật Hình sự 2015 được soạn thảo, số lượng doanh nghiệp kinh doanh online là rất ít so với các ngành nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này thường là đang trong giai đoạn phát triển, tập trung vào kinh doanh giá trị cốt lõi để có thể “sống” được nên có thể sự quan tâm đến công tác làm luật của Quốc hội, Chính phủ chưa nhiều”, ông Đỗ Hoài Nam nêu quan điểm.

Tại thời điểm soạn thảo và xin ý kiến góp ý, phong trào khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chưa mạnh mẽ như bây giờ.

“Thậm chí cho đến nay, chưa có một tổ chức, hiệp hội nào đại diện cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để đóng góp và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vục non trẻ này”, ông Đỗ Hoài Nam nói.

Khởi nghiệp sáng tạo là một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam, phong trào mới thực sự rầm rộ từ giữa 2015, sau khi đội “các chiến binh khởi nghiệp” được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp đón tại văn phòng Chính phủ và thi đấu bóng đá giao hữu.

Ông Nam nhận định: “Đây lại là một lĩnh vực có rất nhiều điểm “không truyền thống” và tốc độ phát triển đột biến, chính vì vậy các cơ chế góp ý cho việc soạn thảo luật chưa thể theo kịp được cũng là chuyện hiển nhiên”.

Điều quan trọng là Chính phủ và Quốc hội nhận ra điều này và sẵn sàng chủ động tìm cách để tiếp nhận ý kiến, dù là ý kiến được đưa ra rất muộn.

“Theo tôi, Quốc hội và Chính phủ đang làm việc rất năng động và thể hiện rất cụ thể tinh thần vì dân, vì doanh nghiệp. Cơ chế chưa phù hợp không quan trọng bằng việc chúng ta đang chủ động khắc phục và đưa các cơ chế mới vào thực thi, ngày một hoàn thiện nó hơn”, ông Nam bày tỏ.

do hoai nam -2

CEO Đỗ Hoài Nam trong buổi gặp gỡ của cộng đồng khởi nghiệp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 12/8/2015. Buổi gặp gỡ này do chính anh Đỗ Hoài Nam chịu trách nhiệm kết nối (Ảnh: Phạm Thịnh)  

Vì vậy, một nhóm các doanh nghiệp đã có kiến nghị gửi lên lãnh đạo Nhà nước liên quan đến việc bỏ Điều 292 Bộ Luật Hình Sự 2015 (BLHS 2015) về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Ông Nam thông tin nhóm “chiến binh khởi nghiệp” đã bàn bạc rất kỹ và đưa ra kiến nghị cụ thể nhất có thể vè việc bỏ điều 292 này cũng vì điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp online nói riêng và cả cộng đồng  khởi nghiệp nói chung.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp nghĩ ra một ý tưởng, tìm mọi cách để hiện thực hoá ý tưởng đó, tạo ra các prototype (mẫu đầu tiên).

Video: Những phát ngôn ấn tượng tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13

Sau đó đưa ra thử nghiệm ở phạm vi nhỏ để nhận phản hồi và điều chỉnh (đôi khi là thay đổi) dịch vụ/sản phẩm. Sau hàng chục, thậm chí là hàng trăm sự thay đổi, nếu may mắn, chúng tôi sẽ nằm trong số dưới 10% doanh nghiệp “sống sót”.

“Chỉ khi đó, chúng tôi mới thực sự hiểu là mình phải làm gì và làm như thế nào. Nếu nhìn vào quá trình trên thì chúng ta có thể thấy doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có thể biết mình cần phải xin giấy phép gì vào giai đoạn sau cùng”, ông Đỗ Hoài Nam phân tích.

Quá trình khởi nghiệp sáng tạo không bắt đầu bằng việc biết rõ mình phải làm gì, không bắt đầu bằng việc đi xin giấy phép.

 
Việc hình sự hoá việc kinh doanh trái phép này vô hình chung đang không khuyến khích, thậm chí đi ngược lại với các quá trình khởi nghiệp sáng tạo

Đỗ Hoài Nam

“Chính vì vậy, việc hình sự hoá việc kinh doanh trái phép này vô hình chung đang không khuyến khích, thậm chí đi ngược lại với các quá trình khởi nghiệp sáng tạo. Nó sẽ làm các bạn trẻ không dám mạo hiểm sáng tạo nữa, các nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào lĩnh vực này nữa”, ông Nam bày tỏ.

Vì vậy, ngày 27/6, Thường vụ Quốc hội đã phát phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tạm hoãn thi hành Bộ Luật hình sự 2015 đã khiến những người trong cộng đồng khởi nghiệp cảm thấy tin tưởng.

“Tôi nghĩ đây là một cách làm rất dân chủ”, ông Nam đánh giá.

Ông Nam cho rằng việc để Quốc hội XIV sửa Bộ luật Hình sự 2015 là một cách phù hợp, hiệu quả và cũng có thể là cách duy nhất khả thi.

Nói về công tác làm luật hiện nay của Quốc hội, ông Nam cho rằng nhìn từ một hướng tích cực, Quốc hội đã nhận ra và quyết tâm sửa đổi luật ngay từ trước khi có hiệu lực là một điều rất đáng mừng, vì đưa vào rồi mới sửa, hoặc cứ đưa vào mà không sửa thì mới là điểm đáng lo.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ, để hạn chế vấn đề soạn thảo luật không sát thực, chúng ta cần nhìn lại cách chọn đại biểu Quốc hội. Với tốc độ tang trưởng và thay đổi hiện nay, Quốc hội đang thực sự thiếu các chuyên gia và những người đại diện cho một số lĩnh vực quan trọng”, ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng một số nghành quan trọng chưa có đại diện trong Quốc hội. “Đây chính là một ví dụ điển hình. Hiện tại, năm 2016 được gọi là năm quốc gia khởi nghiệp nhưng toàn bộ Quốc hội lại không có một đại biểu nào của startup”, ông Nam kiến nghị.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn