Doanh nghiệp xăng dầu Nhật vào Việt Nam: 'Không có chuyện xăng giá rẻ đâu'

Kinh tếThứ Tư, 11/10/2017 07:34:00 +07:00

Doanh nghiệp xăng dầu nước ngoài vào Việt Nam sẽ cho người dân nhiều lựa chọn dịch vụ nhưng giá xăng dầu sẽ không giảm như kỳ vọng.

Sau khi trạm xăng 100% vốn đầu tư nước ngoài của Idemisu Q8 (IQ8) khai trương và đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, dư luận trong nước bày tỏ sự hưởng ứng với “làn gió mới” này, nhất là sau khi IQ8 cho biết, kế hoạch trong tương lai sẽ mở rộng mô hình trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.

Trong bối cảnh từ nhiều năm nay, mảng kinh doanh bán lẻ xăng dầu chỉ có các doanh nghiệp trong nước độc chiếm, nhất là những năm qua, số vụ gian lận xăng dầu móc túi khách hàng được cơ quan chức năng, báo chí phát hiện không thể đếm bằng đầu ngón tay vì quá nhiều thì người tiêu dùng càng mong muốn sẽ tác động tích cực đến hoạt động này.

20171006125549img3348-1507282472541

Trạm xăng IQ8  tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội. (Ảnh: NLĐ)

Thêm nữa, việc độc quyền dẫn đến khách hàng không được coi trọng, không thực sự là “thượng đế” khi bỏ tiền để dùng, mua dịch vụ, sản phẩm. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều lý do làm mất lòng tin của người tiêu dùng với các công ty xăng dầu trong nước.

Vì thế, việc IQ8 bước chân vào lĩnh vực này như đem lại một hy vọng cho người dân trong sự thay đổi trong dịch vụ mà taxi công nghệ (grab hay uber) đã mang lại. Người dân hy vọng, ngoài sự thay đổi về cung cách, thái độ phục vụ thì giá cả xăng dầu cũng sẽ giảm vì có nhiều sự cạnh tranh.

Trao đổi về vấn đề này, TS.Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế) cho rằng, việc IQ8 kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam sẽ nâng cao tính cạnh tranh thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Mục tiêu của công ty là mở rộng thị trường bán lẻ xăng dầu như vậy, trước thị trường bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có một cuộc cạnh tranh thực sự, đó là dấu hiệu tốt cho thị trường.

Bởi lẽ, khi có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thì người mua xăng sẽ có lợi, thị trường sẽ phát triển. Càng nhiều sự cạnh tranh thì thị trường càng minh bạch, càng phát triển mạnh mẽ.

Về vấn đề giá xăng sẽ giảm khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào kinh doanh bán lẻ xăng dầu, TS.Long nhận định, dù là doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước khi tham gia vào kinh doanh xăng dầu đều phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, cụ thể là Nghị định 83/2014 của Chính phủ.

Theo đó, các doanh nghiệp trong hay ngoài nước, tư nhân hay nhà nước  hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu đều phải tuân thủ theo Nghị định 83 về giá cả.

Video: Cây xăng gian lận móc túi khách hàng

Chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho rằng, hiện nay, quy định của nước ta về giá xăng có khống chế mức giá trần, Chính phủ cũng có quỹ bình ổn xăng dầu để đảm bảo giá xăng dầu ổn định. Khi có sự cạnh tranh, các doanh nghiệp bị khống chế về giá, sẽ không có sự chênh lệch quá lớn giữa trạm xăng nước ngoài và trong nước. Tuy nhiên, sẽ có sự khác nhau về giá để cạnh tranh dù không chênh lệch là không lớn.

TS.Ngô Trí Long cũng đồng tình với ý kiến này. “Tính cạnh tranh sẽ thể hiện ở chỗ có thể giá sẽ thấp hơn mức giá quy định bởi hiện chúng ta đang quy định giá trần" – ông Long nói.

Là doanh nghiệp chiếm đến 50% thị phầ bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tỏ ra không hề lo ngại bởi sự cạnh tranh đến từ doanh nghiệp nước ngoài.

Ông cho biết, bản thân ông rất hoan nghênh sự có mặt của IQ8 cũng như các công ty khác có mong muốn bước vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam. Bởi, càng nhiều nhà phân phối thì người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Về góc độ lãnh đạo doanh nghiệp, ông cho biết, không phải đến khi IQ8 vào Việt Nam, Petrolimex mới chuẩn bị cho sự cạnh tranh, mà điều này đã được công ty chuẩn bị từ rất lâu và sẵn sàng tham gia cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn