Doanh nghiệp xã hội: Khó có cơ hội phát triển tại VN?

Kinh tếThứ Năm, 17/05/2012 04:34:00 +07:00

(VTC News) - Các doanh nghiệp xã hội mang lại nhiều ưu điểm như phục vụ cộng đồng, đặc biệt phục vụ tầng lớp đáy của xã hội, nhưng lại khó có cơ hội phát triển.

(VTC News) - Các doanh nghiệp xã hội mang lại nhiều ưu điểm như phục vụ cộng đồng, đặc biệt phục vụ tầng lớp đáy của xã hội, nhưng lại khó có cơ hội phát triển tại Việt Nam.


Tại hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam - Khái niệm, bối cảnh và chính sách”, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, hiện nay có khoảng hơn 165.000 đơn vị hoạt động liên quan đến lĩnh vực xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận.

Các DNXH đóng góp rất to lớn đối với xã hội. Bình quân 1 DNXH có số vốn đăng ký ban đầu chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng, nhưng đã tạo ra việc làm cho khoảng 51 lao động, trong đó có 18 lao động có hoàn cảnh.

Doanh nghiệp Xã hội: Khó có cơ hội phát triển tại VN (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Internet) 

Đặc biệt, lợi nhuận thu về 400 triệu đồng và cải thiện cuộc sống của 2.262 đối tượng, bên cạnh đó còn tạo ra nhiều các giá trị xã hội và môi trường khác.


Mặc dù vậy, DNXH vẫn đang gặp nhiều khó khăn như chưa được công nhận chính thức từ phía Nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn….

Đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của DNXH tại Việt Nam trong những năm qua, Giám đốc Hội đồng Anh Robin Rickard nói: “Mặc dù là hình thức mới, DNXH rất cần được nuôi dưỡng và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình tạo ra những ảnh hưởng tích cực, sâu rộng đối với kinh tế và xã hội Việt Nam”.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc nghiên cứu chuyên sâu về mô hình DNXH là một bước đi kịp thời và mang ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, cũng như các cơ quan nhà nước trong việc thiếp lập các khung khổ chính sách đối với DNXH.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại cho rằng, các giải pháp tăng cường sự truyền thông về vai trò của DNXH; hỗ trợ tài chính trực tiếp; đào tạo nâng cao năng lực; phát triển các thể chế trung gian; tạo mặt bằng, tiếp cận cơ sở hạ tầng, thông tin, xúc tiến thương mại; ưu tiên mua sắm từ DNXH… sẽ là những giải pháp thiết yếu để thúc đẩy sự phát triển của các DNXH.


Vũ Cường


Bình luận
vtcnews.vn