Doanh nghiệp Việt thời khốn khó: Kẻ 'lên sàn' bán thân, người 'đắp chiếu' đi ngủ

Kinh tếThứ Hai, 28/03/2016 07:24:00 +07:00

Những doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn

(VTC News) - Những doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong kinh doanh sản xuất, thua lỗ triền miên có trường hợp phải lên sàn chào bán cổ phiếu, trường hợp phải 'đắp chiếu", xin khoanh nợ ngân hàng.

Thua lỗ triền miên, nhà máy nhiên liệu sinh học 1.900 tỷ buộc phải 'đắp chiếu'


Ngày 28/3, lãnh đạo Cục thuế Quảng Ngãi cho biết, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BF) vừa kiến nghị cơ quan thuế xem xét tạm hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra năm 2016, do dư nợ vay đầu tư của doanh nghiệp này tại ba ngân hàng PV Combank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng, trong năm 2016 đến hạn phải trả gốc 100 tỷ đồng.

Đó là chưa kể mỗi năm doanh nghiệp này ít nhất phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 70 tỷ đồng (lãi suất ưu đãi doanh nghiệp đầu tư 7% mỗi tháng). Khoản vay này đã bị chuyển sang nợ nhóm 5 (nhóm có nguy cơ mất vốn) trong quý 4/2015 do chủ đầu tư không còn nguồn thanh toán.

Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung cũng kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi và Ngân hàng Nhà nước xem xét giải pháp khoanh nợ và chuyển xếp lại nhóm nợ để có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng giá rẻ khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Được biết, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) được Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung khởi công xây dựng vào tháng 9/2009, với tổng vốn gần 1.900 tỷ đồng.
Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) - Ảnh: Zing 
Nhà máy có công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol mỗi năm, đưa vào vận hành thương mại vào tháng 2/2012. Do giá bán ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất nên nhà máy càng hoạt động càng lỗ nặng buộc phải tạm dừng hoạt động từ tháng 4/2015.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong gần một năm "đắp chiếu" như vậy, gần 220 kỹ sư, công nhân tại đây vẫn được nhận lương đều đặn hàng tháng.

Mãi tới tháng 3 năm nay, doanh nghiệp mới cho 128 kỹ sư và công nhân nghỉ chờ việc không hưởng lương. 50 nhân sự được giữ lại cũng chỉ để bảo quản, thanh quyết toán công trình nhưng cũng tiêu tốn tiền bảo dưỡng, lương và bảo hiểm lên tới 2 tỷ đồng mỗi tháng.

Ngoài ra, BF đã ký hợp đồng với Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn cung ứng 38 kỹ sư, công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Dung Quất để "giữ chân bộ máy khung"(phòng khi nhà máy hoạt động lại thì trở về làm việc).

Một lãnh đạo Sở Công thương Quảng Ngãi bức xúc nói: "Đến tháng 3/2016, khi chi tiêu hết nguồn vốn đầu tư lưu động thì BF mới tạm dừng trả lương cho kỹ sư, công nhân, kiến nghị cơ quan chức năng tạm hoãn nộp thuế, khoanh nợ, giãn nợ thì khó thể chấp nhận".

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) "lên sàn"

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) dự kiến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 14/4 tới, với 525.000 cổ phần (chiếm 10,5% cốn điều lệ), tối thiểu thu về 5,25 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khoảng 3,25 triệu cổ phần (chiếm 65% vốn điều lệ) sẽ được VFS bán cho nhà đầu tư chiến lược đã được chọn là Tổng công ty Vận tải thủy với giá 32,5 tỷ đồng.

Nhà nước vẫn nắm giữ 20% vốn của hãng phim truyện này, trong khi số còn lại bán ưu đãi có cán bộ, công nhân viên của công ty. Như vậy, hãng Phim truyện Việt Nam được định giá trên 50 tỷ đồng.
Hãng Phim truyện Việt Nam ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
Hãng Phim truyện Việt Nam ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội 
Hãng Phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, với lịch sử tồn tại và phát triển gắn chặt với ngành điện ảnh và các hoạt động nghệ thuật.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, VFS lại rơi vào cảnh thua lỗ triền miên do kinh phí sản xuất phim lớn và thời gian kéo dài, trong khi nguồn phí để thực hiện các dự án phim còn hạn chế và chủ yếu đến từ đặt hàng của Nhà nước.

Đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, VFS có khoản lỗ lũy kế 39,6 tỷ đồng, chủ yếu do các bộ phim làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước trong giai đoạn 2004-2014 (lỗ 34,3 tỷ đồng). Hiện công ty còn nợ tiền thuê đất 5,7 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân người lao động tại đây cũng ngày càng giảm sút, đạt trung bình 2,5 triệu đồng năm 2014. Tổng tài sản tại ngày 30/9/2014 đạt 78,7 tỷ đồng, nợ phải trả lên tới 46,6 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 2 tỷ đồng.

Sau cổ phần hóa, VFS dự kiến ngoài phim truyện và nghệ thuật sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác như kinh doanh nhà hàng, quán ăn, xuất khẩu các mặt hàng kinh doanh của công ty, đặt ra mục tiêu cho năm 2016 sẽ đạt doanh thu 45 tỷ đồng.

Dân Myanmar có thêm hãng cung cấp dịch vụ viễn thông mới - Viettel

Theo thông tin mới nhất trên Nikkei, Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Myanmar cho biết, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã được nhận giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại quốc gia này.

Trước đó, bên cạnh mạng viễn thông quốc doanh MPT, tại Myanmar còn có hai hãng viễn thông Telenor ASA của Na Uy và Ooredoo đến từ Qatar. Hai công ty viễn thông này đã trúng thầu giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông vào năm 2014 tại Myanmar, và trở thành những nhà mạng viễn thông nước ngoài đầu tiên được phép hoạt động ở nước này.

Trong khi đó Viettel, đại diện duy nhất của Việt Nam cũng tham gia nhưng bị "trượt".

Theo như lời ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel thì lý do Viettel bị thua khi đó là do các đối thủ bỏ giá rất cao, Viettel không thể cạnh tranh được.

Tuy nhiên sau đó, Viettel vẫn theo đuổi mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar, khi thông qua nghị quyết dự án đầu tư vào thị trường này, đồng thời lập công ty Viettel Myanmar để tìm kiếm cơ hội tại đây.

Ngoài Viettel, một tập đoàn viễn thông khác của Việt Nam là VNPT hồi tháng 9/2014 cũng khai trương văn phòng đại diện tại thành phố Yangon (Myanmar), với mục tiêu làm “bước đệm” thâm nhập vào thị trường này.

Còn người Việt sắp có thêm hãng hàng không mới - Vietstar Airlines

Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines.

Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) có trụ sở tại 28 Phan Thúc Duyện- Phường 4 - Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập vào tháng 4 năm 2010 với mục tiêu cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa cho nhu cầu ngày càng cao của khách hàng tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là dịch vụ air taxi bằng các loại máy bay nhỏ dành cho đối tượng khách hàng có nhu cầu nhanh chóng.
Theo thông tin từ website của công ty, Vietstar Airlines là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng.

Đây là lý do mà song song với kinh doanh dân dụng, công ty còn phục vụ cho cả quân dụng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát.

Vietstar Airlines được thành lập từ 3 cổ đông chính là Công ty sửa chữa máy bay A41 (Quân chủng Phòng không - Không quân, Công ty Cổ phần Hàng không Ngôi Sao Việt và Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Tín Thành với vốn pháp định ban đầu là 400 tỷ đồng.

Vietstar Airlines được cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung, đã hoạt động từ năm 2011 và đang nỗ lực xin được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không từ 2 năm nay.

“Công ty đã xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu gồm logo, biểu tượng riêng phù hợp với hoạt động kinh doanh của Công ty”, ông Phạm Trịnh Phương, Tổng giám đốc Vietstar Airlines cho biết.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho đến ngày 31/12/2015, vốn điều lệ của công ty là 800 tỷ đồng, còn góp của chủ sở hữu là 700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 652.7 tỷ  đồng. Tại thời điểm này, công ty còn thiếu 47,3 tỷ đồng so với yêu cầu vốn tối thiểu đối với hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và nội địa quy định của pháp luật.

Tiệp Tiệp(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn