Doanh nghiệp viễn thông: Cổ phần hóa và hợp tác

Khoa học - Công nghệChủ Nhật, 24/04/2011 09:03:00 +07:00

(VTC News) -“Viễn thông Việt Nam và một năm không yên lành?” là những dự đoán về thị trường viễn thông VN năm nay phải chăng sẽ không phẳng lặng?

(VTC News)- Thời gian gần đây, thị trường viễn thông  mà cụ thể là trong lĩnh vực thông tin di động đã có nhiều biến động. Trong chương trình “Nhân vật sự kiện Thông tin và Truyền thông phát vào lúc 9h ngày 24/4 trên kênh VTC2 đồng thời đăng tải trên báo VTC News với chủ đề “Viễn thông Việt Nam và một năm không yên lành?” sẽ mang đến cho độc giả bức tranh viễn thông VN năm nay phải chăng sẽ không phẳng lặng?

Từ nghị định quy định trong lĩnh vực viễn thông của Thủ tướng Chính phủ, vô hình chung đã tác động đến tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT, vốn đang sở hữu hai thương hiệu mạng điện thoại di động là Vinaphone và Mobifone hay thương vụ mua EVN Telecom của FPT không thành, tuy nhiên FPT vẫn quyết tâm tham gia vào thị trường di động khi có thông tin tập đoàn này sẽ đầu tư vào mạng Sfone.

Trong khi đó, cũng có thông tin cho rằng, mạng di động CDMA này đang được hai doanh nghiệp trong nước nhòm ngó và mua đến 40 % cổ phần. Gần đây nhất, Đông Dương Telecom tuyên bố ra mắt mạng di động ảo vào quý 3/2011. Cũng trong thời gian vừa qua một loạt các doanh nghiệp có tên tuổi trong làng CNTT như VTC, FPT, VDC,… đã thay đổi lãnh đạo cao cấp…Tất cả đã tạo nên một bức tranh CNTT viễn thông Việt Nam đầy sôi động trong thời gian qua, và nhiều người dự đoán rằng, nó sẽ tác động lớn tới thị trường  viễn thông trong năm 2011.

Các khách mời tham gia chương trình

Khách mời tham dự chương trình:

Ông Phạm Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Phan Hoàng Đức -  Phó tổng giám đốc Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).

Ông Phạm Anh Chiến - Phó tổng giám đốc Công ty Đông Dương Telecom.

Sau đây là nội dung chương trình:

-BTV Ngọc Hân: Chúng ta sẽ bắt đầu chương trình NVSKTTTT tháng 4/2011 với câu hỏi đầu tiên dành cho cả ba vị khách mời, các ông có những đánh giá như thế nào về những biến động của thị trường viễn thông Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Phạm Hồng Hải: Tôi cho rằng, quá trình mở cửa cạnh tranh mới bắt đầu và Luật Viễn thông cho phép thông qua những hoạt động cạnh tranh đó.

Ông Phan Hoàng Đức: Trước hết, tôi nghĩ một thị trường viễn thông luôn sôi động và biến động rất là tốt, đây là một môi trường cạnh tranh. Việc ra đời nghị định 25 của Chính phủ (Nghị định Số: 25/2011/NĐ-CP ban hành ngày 6/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông – PV) là sự tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với ngành viễn thông chúng tôi là tập đoàn kinh tế vẫn tham gia thị trường này, khi nhà nước ban hành luật chúng tôi có trách nhiệm triển khai, nhưng không phải là một sự lo âu trên đống lửa.

Hoàng Hải, Nam – 22 tuổi: Có phải sắp tới VNPT sẽ không được sở hữu hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone nữa hay không?   

Ông Phan Hoàng Đức: Chúng tôi nghĩ rằng nghị định 25 là nghị định do Chính phủ triển khai để quản lý với thị trường viễn không, chắc chắn đối với VNPT là một doanh nghiệp Nhà Nước, việc triển khai và thực hiện nghị định này sẽ rất là nghiêm túc.  Chúng tôi đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý là Bộ Thông tin - Truyền Thông, sau khi có hướng dẫn của Bộ thì chúng tôi sẽ triển khai từng bước rất là nghiêm túc.

 Ông Phạm Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông.

BTV Ngọc Hân: Tại sao nghị định 25 được ban hành vào thời điểm này, thưa ông?   

Ông Phạm Hồng Hải:  Nghị định 25 chỉ là hướng dẫn sở hữu luật viễn thông. Một trong những nội dung của nghị định này chính là đưa ra tỷ lệ sở hữu chéo là 20%. Lý do để đưa ra nghị định này là nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông.  Được áp dụng cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Quy định giảm tỷ lệ sở hữu chéo để tăng tính cạnh tranh minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp.

Tuyết Lan, 23: Giả sử như có sự chia tách hay sáp nhập của VNPT thì phần còn lại của thị trường viễn thông sẽ chịu tác động như thế nào?

Phạm Anh Chiến: " Tôi cho rằng vấn đề sáp nhập hay chia cắt là xu thế tất yếu. Đặc biệt với VN đây là dấu hiệu tốt cho thị trường VN. Vì sau sáp nhập hay chia cắt sẽ dẫn đến những chiến lược mới, tầm nhìn mới mà người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. Khi đó sẽ tạo nên nhiều hứng khởi cho các nhà mạng mới tham gia thị trường.
Ngoài ra, 1 nhà mạng lớn tham gia thì mối quan tâm của người sử dụng là các bước tiếp theo của nhà mạng sẽ làm gì? Đối với cá nhân: tôi trông chờ nó sẽ tạo ra hướng đi mới cho viễn thông VN.

Phạm Hùng, Nam - 26: Tôi được biết, từ ngày 1/6/2011 VNPT sẽ bắt buộc phải chọn lựa một trong hai phương án là sáp nhập hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone hoặc sẽ cổ phần hóa một trong hai mạng. Chỉ còn hơn một tháng nữa, VNPT đã chuẩn bị gì cho việc này? Chủ trương cổ phần hóa Mobifone đã có từ năm 2005. Tuy nhiên tới tận bây giờ vẫn chưa được VNPT thực hiện. Phải chăng VNPT đang cố tình níu giữ để hưởng doanh thu?

Ông Phan Hoàng Đức: Việc triển khai theo luật, phải có các bước thực hiện, khi 1/6 nghị định có hiệu lực thì chắc chắn bộ sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể, nhưng tôi nghĩ rằng thời điểm 1/6 chưa phải thời điểm chốt để quyết định mọi vấn đề.

Còn vấn đề thứ hai tôi xin trả lời, đối với Tập đoàn kinh tế Nhà Nước, chủ sở hữu là Nhà Nước, VNPT được Nhà Nước ủy quyền để quản lý vốn, Mobifone và Vinaphone là doanh nghiệp của Nhà Nước và đều được chủ trương cổ phần hóa.

Ông Phan Hoàng Đức -  Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Tôi xin chia sẻ là Nhà nước vừa có quyết định thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa của Mobifone, chứ không phải quyền quyết định của VNPT.

Tiến trình đang được triển khai, Mobifone là một doanh nghiệp có giá trị doanh nghiệp rất lớn, đây là giá trị của Nhà nước nên nhà Nước hết sức thận trọng trong quá trình chỉ đạo tiến trình cổ phần hóa của Mobifone.

Thủ tướng đã có chỉ đạo tìm kiếm đối tác chiến lược tham gia quá trình này, việc cổ phần hóa của Mobifone hết sức đặc thù và dược chỉ đạo trực tiếp từ chủ sở hữu. Chúng ta quan tâm làm sao đảm bảo lợi ích của quốc gia, vì Mobifone sẽ tham gia thị trường quốc tế, Mobifone cần tìm được đối tác tốt không chỉ có có vốn, công nghệ mà còn có kinh nghiệm quản lý.    

BTV Ngọc Hân: Vậy tư cách pháp nhân của VNPT là gì, thưa đại diện vụ Viễn thông?       

Ông Phạm Hồng Hải:Vinaphone là doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân. Luật viễn thông quy định không được sở hữu chéo vốn hơn 20%, do đó, VNPT sẽ phải chịu sự điều chỉnh từ quy định của nghị định 25 này.

Ánh Ngọc: Theo thông tin mà tôi vừa nhận được, VNPT khẳng định không Vinaphone phải là doanh nghiệp độc lập nên không bị ảnh hưởng bởi Nghị định 25?

Ông Phan Hoàng Đức: Tôi cũng biết là những thông tin trên báo chí và các kênh khác nhau rất nhiều, tôi nghĩ đây không phải là một thông tin chính thức. Tôi khẳng định Vinaphone là doanh nghiệp, tuy nhiên mô hình tổ chức của Mobifone và Vinaphone khác nhau, Mobifone hoạt động độc lập theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, Vinaphone là doanh nghiệp phụ thuộc trong tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Chúng tôi là một mạng, hai nhà khai thác, dùng chung cơ sở hạ tầng, điểm vô tuyến… như vậy Vinaphone vẫn chịu sự điều chỉnh của Nghị định 25.

BTV Ngọc Hân: Ông nghĩ sao về sự sáp nhập, chia tách của các doanh nghiệp viễn thông?   

Ông Phạm Hồng Hải: Luật viễn thông cho phép mọi thành phần tham gia vào thị trường viễn thông. Quá trình chia tách và sáp nhập là điều đương nhiên sẽ xảy ra. Nhưng không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và yếu mới có những sát nhập chia tách mà nó phụ thuộc vào bản thân doanh nghiệp đó sẽ chọn hướng đi nào để phát triển. Để đảm bảo tính minh bạch, nhà nước cũng đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp.

Diệu Linh, Nữ - 20: Ông Phan Hoàng Đức, với tư cách là một chuyên gia, ông có nghĩ các nhà mạng nhỏ sẽ bị đuối sức trong cơn sóng lớn và có xu hướng sáp nhập với nhau. Vậy đây có phải điều sẽ gây khó khăn cho các nhà mạng lớn hay không?

Ông Phan Hoàng Đức: Đây là một câu hỏi hay, theo kinh nghiệm của tôi, không phải chỉ có nhà kinh doanh nhỏ mới có nhu cầu sáp nhập mà đấy là xu hướng của thị trường viễn thông thế giới.

Ngay cả Trung Quốc gần chúng ta cũng vậy, từ 6 nhà khai thác bây giờ họ gộp lại thành 3 nhà khai thác, đây là một xu hướng tích hợp các loại hình dịch vụ. nếu tách riêng thì tốn kém, việc tích hợp các dịch vụ trên các nền cố định và dịch vụ là rất rõ ràng. Theo kinh nghiệm của tôi, đây cũng là vấn đề rất lớn và rất quan trọng trong thời gian sắp tới của viễn thông Việt Nam.                          

Ông Phạm Anh Chiến - Phó tổng giám đốc Công ty Đông Dương Telecom. 

Nam - 22: Nếu nói là thị trường biến động và phức tạp thì tại sao Đông Dương telecom lại chọn thời điểm này để khởi động với việc triển khai mạng di động 4G?

Phạm Anh Chiến:  "Nếu như thế giới chuyển động từ 2G lên 3G rồi 4G thì số liệu truyền trên mạng lớn hơn. Chúng ta nên nhìn theo bức tranh Internet và xu thế tất yếu của di động. Ngoài ra, chúng tôi đánh giá nếu như nhìn dưới góc độ điên thoại Smartphone với sự ra đời của Android và bùng nổ di động giá rẻ, .... Chúng ta ko đánh giá ở 4G mà thiết bị wifi, khi 4G ra đời nó sẽ giải quyết sự truy cập wifi của di động...

Ngoài ra, nêu xét từ thị trường VN, chúng ta mới có 4 % người sử dụng băng rộng.  Đông Dương Telecom đánh giá đây là bước đi để phát triển Internet băng rộng. Ngoài ra đối với VN và thế giới thì các nhà mạng mới phải luôn có thay đổi.

Hồng Thịnh, Nam - 23: Mobifone và Vinaphone sáp nhập hay không thì cũng không quan trọng, tôi quan tâm là sau những thay đổi đó thì giá có giảm hay không?

Ông Phan Hoàng Đức: Tôi cũng chia sẻ là vấn sáp nhập hay không sáp nhập có lẽ đối với khách hàng không là quan trọng, quan trọng là khách hàng được lợi gì từ việc này.

Tôi xin thông tin thêm với tất cả các vị, không phải vì nghị định 25 ra chúng tôi mới đối mặt với việc sáp nhập hay không sáp nhập, mà đó là chủ trương của Nhà Nước.

Chúng tôi cũng đang có kế hoạch cơ cấu lại mô hình, đem lại giá trị để khách hàng được hưởng tiện ích đầy đủ với chi phí thấp.

Về giá cả, chúng tôi khẳng định là do thị trường quyết định, đó là vấn đề hết sức quan trọng, trách nhiệm của doanh nghiệp là cố gắng giảm cước viễn thông để đem lại giá trị tốt nhất đối với khách hàng.

Nam - 27: Đông Dương Telecom khi được cấp đầu số 099 và được Chính phủ cho hợp tác với Viettel thì sự phát triển trong tương lai như thế nào?

Phạm Anh Chiến: Chúng tôi thấy rằng đây không phải là "nước đục" mà là "nước trong". Vì hiện tại nhu cầu sử dụng mạng di động của mọi người rất lớn. Hiện nay chung chúng tôi còn thấy có thị trường ngách rất lớn đó là nhu cầu sử dụng từ những người thu nhập cao. Đó là họ quan tâm đến chất lượng tốt của nhà mạng thay vì quan tâm đến việc giảm giá thành. Tôi cho rằng đây là điểm tốt cho chúng tôi đưa ra chiến lược phát triển.

VTC News


Bình luận
vtcnews.vn