Doanh nghiệp sửa giấy phép, lấn chiếm mỏ quặng

Bạn đọcThứ Ba, 17/06/2014 07:50:00 +07:00

(VTC News) – Mặc dù đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng Công ty secpentin Thanh Hóa vẫn ngang nhiên khai thác mỏ quặng ở địa danh do mình sửa chữa.

(VTC News) – Mặc dù đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng Công ty cổ phần secpentin và phân bón Thanh Hóa vẫn ngang nhiên khai thác mỏ quặng ở địa danh do chính đơn vị này sửa chữa.

'Cả gan’ sửa quyết định của Bộ


Sự việc sửa giấy phép khai thác mỏ xảy ra rại Công ty cổ phần secpentin và phân bón Thanh Hóa (tiền thân là Xí nghiệp secpentin và phân bón Thanh Hóa), trụ sở tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Vốn là một đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác secpentin cung cấp cho các nhà máy sản xuất phân lân nung chảy trên toàn quốc từ những năm 1976. Ngày 30/3/1991, Giám đốc Xí nghiệp secpentin và phân bón Thanh Hóa thời bấy giờ là ông Lê Kim Hoạt ký Đơn xin khai thác khoáng sản số 8/KH-KT gửi Bộ Công nghiệp nặng cấp phép khai thác mỏ secpentin Thanh Hóa thuộc xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa với diện tích 97,6ha trong thời hạn 15 năm.

Đơn của Xí nghiệp trên được các cấp quản lý, tham mưu phê duyệt, đến ngày 17/4/1991, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng ký quyết định 147 CNNg/KTM giao Xí nghiệp secpentin và phân bón Thanh Hóa được khai thác mỏ Secpentin Bãi Áng – Thanh Hóa.

Quyết định 147/CNNg/KT ghi rõ vị trí khai thác thuộc địa phận xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa với diện tích khai thác 97,8ha và không có thời hạn.

Quyết định 147 CNNg/KTM của Bộ Công nghiệp nặng bị giám đốc công ty Secpentin và phân bón Thanh Hóa sửa chữa. 

Những tưởng rằng, sau khi được Bộ Công nghiệp nặng cấp giấy phép khai thác mỏ theo đúng địa phận mình yêu cầu, Xí nghiệp secpentin và phân bón Thanh Hóa sẽ ổn định sản xuất và chấp hành khai thác đúng quyết định, thế nhưng, ngay sau khi nhận được quyết định của số 147CNNg/KTM Bộ Công nghiệp nặng, giám đốc của Xí nghiệp này đã tự ý sửa chữa địa danh “xã Tế Thắng” được ghi trong quyết định thành “xã Tế Lợi” để trực tiếp thực hiện khai thác quặng ở xã này.

Từ khi tự ý sửa quyết định của Bộ đến nay, Xí nghiệp secpentin và phân bón Thanh Hóa, năm 2006 thì tiến hành cổ phần hóa trở thành Công ty Cổ phần secpentin và phân bón Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là Cty secpentin Thanh Hóa) đã khai thác được hàng triệu tấn mỏ quặng tại địa phận mình sửa chữa.
Tại quyết định số 41/2008/QĐ-BCT ngày 17/11/2008 được Bộ Công thương phê duyệt quy định khu vực mỏ Bãi Áng thuộc danh mục đầu tư khai thác, chế biến quy mô công nghiệp giai đoạn 2008-2015.

Trong đó khu vực secpentin Bãi Áng thuộc địa bàn 2 huyện Triệu Sơn và Nông Cống (huyện Nông Cống bao gồm 4 xã: Tế Thắng, Tế Nông, Tế Tân và Tế Lợi).

Từ một đơn vị có 100% vốn nhà nước, năm 2005, công ty secpentin Thanh Hóa thực hiện cổ phần hóa vớn 100% vốn tư nhân. Theo luật định, doanh nghiệp này phải thực hiện lại các thủ tục để xin giấy phép khai thác mới. Thế nhưng, lãnh đạo công ty này vẫn dựa vào giấy phép cũ do người tiền nhiệm sửa chữa để tiếp tục hoạt động của mình,
“lòe” cấp trên cấp quyết định cho thuê đất vào các năm 2003 và 2005.

Dấu vết sửa chữa rõ ràng, dấu đỏ của Xí nghiệp secpentin Thanh Hóa đóng phủ lên, nhìn bằng mắt thường đã có thể phát hiện quyết định có vấn đề nhưng không hiểu sao, năm 2003 và 2005 Sở Địa chính Thanh Hóa (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa) vẫn tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa để cơ quan này tiếp tục ban hành Quyết định số 3687/QĐCT năm 2003 và Quyết định số 1889/QĐ-UBND năm 2005 cho doanh nghiệp này thuê đất tại địa danh đơn vị này đã sửa chữa là xã Tế Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Việc ban hành hai quyết định trên, vô hình trung UBND tỉnh Thanh Hóa đã “hợp thức hóa” cho việc tự ý sửa chữa quyết định của Xí nghiệp secpentin Thanh Hóa trước đây.

Gần 20 năm vô tư khai thác ở địa danh do mình tự ý thay đổi, tháng 11/2011, Sở Tài nguyên và môi trường Thanh Hóa đã lập đoàn thanh tra, phát hiện và kết luận “Cty secpentin Thanh Hóa đã tự ý sửa chữa địa danh, phủ dấu mỏ secpentin lên Quyết định số 147CNNg/KTM ngày 17/4/1991 và bản đồ kèm theo của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng là trái pháp luật”.

Công an đề nghị ‘thu hồi’, tỉnh chỉ ‘đính chính’


Phát hiện thấy hành vi sửa chữa quyết định của Cty secpentin Thanh Hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc điều tra.

Đến ngày 12/6/2013, Đại tá Nguyễn Văn Bính - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Thanh Hóa đã ký Công văn số 95/CV-CQ CSĐT (PC46) gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giải quyết đơn tố cáo Công ty CP Secpentin và phân bón Thanh Hóa.

Xí nghiệp khai thác secpentin Thanh Hóa tại xã Tế Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. 

Công văn của PC46 Thanh Hóa nêu rõ, năm 1991, Công ty Cổ phần Secpentin và phân bón Thanh Hóa (trước đây là xí nghiệp khai thác Secpentin Thanh Hóa) được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng ký quyết định 147 CNNg/KTM ngày 14/4/1991 giao khai thác mỏ Secpentin tại địa phận xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi có quyết định 147 CNNg/KTM, ông Lê Kim Hoạt – Nguyên giám đốc mỏ Secpentin đã tự ý sửa nội dung: Từ khu vực khai thác mỏ ở xã Tế Thắng, huyện Nông Cống thành khu vực khai thác mỏ xã Tế Lợi, huyện Nông Cống rồi đóng dấu của mỏ Secpentin Thanh Hóa đè lên phần nội dung sửa chữa.

Năm 2003, thực hiện chính sách cổ phần hóa của Nhà nước, Xí nghiệp khai thác Secpentin Thanh Hóa đã tiến hành chuyển đổi, cổ phần hóa 100% và đổi tên thanh Công ty Cổ phần Secpentin và phân bón Thanh Hóa nhưng không làm các thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ khác mà tiếp tục sử dụng quyết định số 147 CNNg/KTM đã bị sửa chữa để tiến hành làm thủ tục thuê đất, giao dịch khác có liên quan và khai thác khoáng sản tại xã Tế Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập có đủ cơ sở kết luận: “Việc ông Lê Kim Hoạt – tự ý sửa chữa Quyết định số 147 CNNg/KTM của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng về địa điểm khai thác mỏ từ “Tế Thắng” sang “Tế Lợi” là vi phạm Trật tự quản lý hành chính nhà nước: Sửa chữa tài liệu giấy tờ của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên việc này chưa gây hậu quả thiệt hại cho nhà nước, chỉ là vi phạm hành chính. Hơn nữa sự việc xảy ra từ năm 1991, đến nay đã hết thời hạn xử lý theo quy định” – trích nội dung công văn.

Dù đã quá hạn xử lý nhưng từ tình hình thực tế trên, PC46 đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường thu hồi quyết định số 147/CNNg ngày 17/4/1991, chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn Cty secpentin Thanh Hóa lập hồ sơ mới trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép chủ quyền mỏ theo đúng quy định của pháp luật.

Dựa trên báo cáo của PC46 Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan, ngày 12/8/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ra thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Quyền tại cuộc họp xem xét giải quyết các kiến nghị về cấp phép khai thác mỏ ở huyện Nông Cống.

Nội dung thông báo tái khẳng định hành vi trái pháp luật của việc sửa chữa địa danh trong quyết định khai thác mỏ của Cty secpentin Thanh Hóa.

Tuy nhiên, đến lúc này, UBND tỉnh Thanh Hóa lại “đổ” cho quyết định của Bộ Công nghiệp nặng ban hành không đúng địa danh và coi việc sửa chữa quyết định của Cty secpentin Thanh Hóa từ hơn 20 năm trước là đúng thực tế và không ra quyết định thu hồi theo đề nghị của cơ quan cảnh sát điều tra mà lại đề nghị Bộ Công thương "đính chính".

“Quyết định số 147/CNNg/KTM ngày 17/4/1991 của Bộ Công nghiệp nặng giao khu vực khai thác mỏ secpentin Bãi Áng cho Xí nghiệp khai thác secpentin Thanh Hóa của Tổng công ty phân bón và hóa chất cơ bản (nay là Công ty CP secpentin và phân bón Thanh Hóa) không đúng địa danh Tế Thắng mà là xã Tế Lợi, huyện Nông Cống; đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét, đính chính lại” – trích thông báo.

“Sai phạm chồng sai phạm”


Không những có ra văn bản đề nghị Bộ Công thương đính chính lại văn bản doanh nghiệp đã sửa chữa, UBND tỉnh Thanh Hóa còn dựa trên giấy phép đã sửa chữa, tiếp tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công secpentin Thanh Hóa để doanh nghiệp này hoàn thiện hồ sơ cấp phép. Đồng nghĩa với việc này, UBND tỉnh Thanh Hóa “cho phép” doanh nghiệp khai thác khoáng sản dựa trên quyết định có sai phạm và chưa được cấp giấy phép mới đến hết năm 2013.

Hoạt động khai thác quặng của công ty secpentin và phân bón Thanh Hóa trên địa danh được sửa chữa trên giấy phép. 

Việc UBND tỉnh Thanh Hoá cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty secpentin Thanh Hóa là hoàn toàn trái với kết luận của Tổng Cục trưởng Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại cuộc họp về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vào ngày 14/7/2012.

Cụ thể, tại mục 3 của bản Thông báo số:1629/TB-ĐCKS ngày 6/9/2012 Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản nêu rõ: “Diện tích khu vực khai thác của Công ty Cổ phần secpentin và phân bón Thanh Hóa được xác định trên cơ sở kết quả xác định mốc giới được thuê đất xây dựng Nhà máy chế biện quặng serpentin của Công ty TNHH Hoàng Ngân và cách đường ranh giới này 50 m.

Trên nguyên tắc này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo UBND tỉnh Thanh Hoá xem xét các vấn đề liên quan trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ cho Công ty Cổ phần secpentin và phân bón Thanh Hóa”.


Thế nhưng trên thực tế cho đến hiện nay các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa tiến hành được việc xác định mốc giới giữa hai doanh nghiệp này nhưng không hiểu sao UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đơn vị này?

Được biết, năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo yêu cầu công ty secpentin Thanh Hóa “trong thời gian chưa được cấp phép mới phải có phương án đảm bảo ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong đơn vị, đồng thời khẩn trương lập hồ sơ cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản để hoạt động.

Trường hợp đến ngày 31/12/2013 mà vẫn chưa được cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản, UBND tỉnh sẽ đình chỉ hoạt động khai thác, khi nào có giấy phép thì hoạt động trở lại”.


Tuy nhiên cho đến nay, công ty secpentin Thanh Hóa vẫn chưa có giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền câp nhưng UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn tiếp tục để Công ty này ngang nhiên khai thác khoáng sản dựa trên quyết định của Bộ đã bị sửa chữa. Đồng nghĩa với việc này là hàng ngàn tấn secpentin, vốn là tài nguyên quý báu của quốc gia bị khai thác không phép trước sự lúng túng của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa?

VTC News tiếp tục thông tin về sự việc này.
Kỳ 2: Tự sửa giấy phép khai thác mỏ: 'Sai sót từ lịch sử'

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn