Doanh nghiệp nội dung "tố" nhà mạng ăn chặn doanh thu

Kinh tếThứ Bảy, 13/07/2013 04:41:00 +07:00

(VTC News) - Không chỉ phải trả chi phí sử dụng đầu số hàng tháng, các DN nội dung còn phải phân chia cả doanh thu nội dung lên tới 55-75% cho nhà mạng.

(VTC News) - Không những phải trả chi phí sử dụng đầu số hàng tháng, các doanh nghiệp nội dung còn phải phân chia cả doanh thu nội dung lên tới 55-75% cho nhà mạng. 

DN nội dung: Nhà mạng "nắm đằng chuôi"
Từ cuộc Hội thảo kết nối Internet và kết nối giữa doanh nghiệp di động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung mới diễn ra vừa qua, cho thấy vấn đề bức xúc giữa nhà mạng (Telco) và doanh nghiệp nội dung (CSP) trong thời gian vừa qua vẫn chủ yếu xoay quanh tỷ lệ phân chia doanh thu. Các CSP cho rằng trong mối quan hệ hợp tác tưởng chừng là bình đẳng với các Telco thì thực tế là mình luôn phải chịu cảnh "chiếu dưới".
Tham khảo từ nhiều CSP lớn và có uy tín trên thị trường, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết hiện nay các CSP đang phải hứng chịu nhiều khó khăn từ phía Telco trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, không chỉ việc CSP sử dụng đầu số nào cũng phải phụ thuộc vào mong muốn của Telco mà phía nhà mạng còn có thể ngừng kết nối bất cứ lúc nào mình thích. Chính sự "chủ động" này dẫn tới việc CSP rất khó phát triển thương hiệu đồng thời không chủ động được trong hoạt động kinh doanh.
noi dung so
Phân chia doanh thu vẫn là câu chuyện "dài kỳ" giữa Telco và CSP 
Ngoài ra CSP cũng phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược kinh doanh của Telco. Nếu Telco cũng cung cấp dịch vụ nội dung cạnh tranh trực tiếp với CSP thì coi như các doanh nghiệp nội dung này hết "cửa" bởi họ không được tự quyết định giá cước dịch vụ nhằm cạnh tranh. Qua đó, khiến CSP không có cơ hội để sản xuất và cung cấp dịch vụ có hàm lượng nội dung chất lượng cao.
Trong các vấn đề bức xúc thì mức phân chia doanh thu luôn là "nóng" nhất.

Phía CSP cho rằng hiện nay Telco đang quá "tham lam", khi mỗi tháng doanh nghiệp nội dùng đã phải trả chi phí sử dụng đầu số (xấp xỉ 100 triệu đồng) nhưng nhà mạng vẫn tiếp tục đòi phân chia cả doanh thu nội dung, chiếm khoảng từ 55-75%.
Mặc dù đã phải chịu "chèn ép" về doanh thu như vậy nhưng CSP vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc khi muốn thu về lợi nhuận.

Về bản chất CSP chỉ cung cấp dịch vụ chứ không thu cước trực tiếp từ khách hàng mà phải thông qua Telco. Do đó, nếu Telco không thu được cước từ khách hàng thì CSP cũng không được trả cước, trong khi CSP phải chịu trách nhiệm về chi phí nội dung. Không những vậy thời gian thanh toán của Telco còn kéo dài và thường không đúng hạn với tỷ lệ chênh lệch đối soát cao lên đến 2%.
Nhằm giúp các CSP giải tỏa vấn đề quanh tỷ lệ phân chia doanh thu, Cục Viễn thông cho biết dự kiến trong thời gian tới sẽ cho ra quy định về phân chia doanh thu cũng như quy định về đối soát và thanh toán nhằm đảm bảo quyền lợi công bằng giữa các bên gia vào lĩnh vực nội dung số trên di động. Đồng thời cho phép CSP được tự quy định giá cước dịch vụ nội dung do mình cung cấp nhưng phải công khai giá cước với người sử dụng.
Nhà mạng: Doanh nghiệp chỉ nói một chiều
Ngược lại với "kể khổ" của CSP, phía Telco, Phó Giám đốc Viettel Telecom, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng hầu hết mọi người đều chỉ nhìn bức tranh phiến diện, một chiều về mối quan hệ giữa Telco và CSP.

Ông Dũng cho biết, mặc dù "than vãn" nhiều như trên nhưng doanh thu của các CSP vẫn tăng đều, bản thân Viettel cũng đang thực hiện cung cấp nội dung như vậy nên rất hiểu vấn đề này.
Phía Viettel cho biết, hiện nay vẫn có những dịch vụ mà CSP được chia 70-80% doanh thu nhưng bên cạnh đó cũng có những dịch vụ chỉ được khoảng 30% và điều này chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng nội dung. Vì thế, Telco này không ủng hộ việc CSP được quyền tự quy định mức giá dịch vụ, nếu muốn làm vậy doanh nghiệp nội dung có thể ra mắt thẻ cao riêng để khách hàng thanh toán thay vì tính phí qua mạng di động của Viettel.
Nhiều lý do khác cũng được đại diện Viettel đưa ra nhằm củng cố cho quan điểm của mình. Theo đó, có tới 90% số CSP hiện nay đều cung cấp các nội dung không có bản quyền như truyện tranh, kết quả bóng đá ...

Ngoài ra, có các CSP thu phí dịch vụ với mức "quá đáng" như cài GPRS, kết quả xổ số lên đến 15.000 đồng ... Tuy nhiên mỗi khi có phàn nàn của khách hàng thì chỉ mình Telco phải hứng chịu. Chính vì vậy phía Viettel cho rằng sở dĩ mình phải tự quy định giá dịch vụ là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dùng trên mạng của hãng.
Cùng chiều với quan điểm của Viettel, ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho rằng hiện nay các Telco cũng đang cung cấp cả dịch vụ nội dung thay vì chỉ cung cấp hạ tầng cho CSP như trước.

Chính vì vậy, Cục Viễn Thông cần ban hành các văn bản quy định nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho thị trường, thay vì các quy định về tỷ lệ ăn chia. Bởi theo ông Nguyên, hiện có rất nhiều CSP tìm mọi cách để trục lợi từ khách hàng, khiến Telco bị mang tiếng đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng trong mạng của mình. 
Qua các quan điểm của cả Telco và CSP, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, trong thời gian tới Cục sẽ có điều chỉnh hợp lý nhằm đảm bảo sự bình đẳng và công bằng giữa Telco và CSP. Theo đó, Telco cung cấp kết nối cho CSP, CSP trả cước kết nối cho Telco, Telco hoạt động như CSP thì phải hoạch toán riêng.
Về giá cước dịch vụ cũng như phân chia doanh thu giữa Telco và CSP cũng sẽ có quy định cụ thể. Về phân chia doanh thu sẽ có 2 phương án để cho các bên lựa chọn: Telco sẽ chỉ được hưởng một khoản duy nhất là doanh thu cước kết nối hoặc ngoài khoản trên Telco sẽ được hưởng thêm một khoản nữa không quá 50% doanh thu nội dung.
Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ quản lý kho số nội dung qua đó phân bổ trực tiếp kho số dịch vụ nội dung cho các CSP và các Telco có trách nhiệm kết nối tới các CSP đã được Bộ phân bổ kho số nội dung.


Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn