Doanh nghiệp nghìn tỷ của Bộ Công thương đặt mục tiêu… lỗ 95 tỷ đồng

Kinh tếChủ Nhật, 23/06/2019 07:03:00 +07:00

Vinaincon lên kịch bản lỗ hợp nhất sau thuế khoảng 95 tỷ đồng trong năm 2019.

Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon, mã VVN) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông 2019 với mục tiêu lỗ tiếp gần 95 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn (Xi măng Quang Sơn) sẽ tiếp tục lỗ lớn. Nếu kết quả kinh doanh không được cải thiện, đây sẽ là năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp của VVN.

Vinaicon

 Vinaincon tiếp tục làm ăn bết bát. (Ảnh: H.H)

Doanh nghiệp hiện là tổng thầu EPC nhiều công trình công nghiệp có quy mô của ngành Công thương dự kiến đạt doanh thu 4.150 tỷ đồng. Trong số này, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 2.980 tỷ đồng, hơn 1.169 tỷ đồng còn lại đến từ doanh thu của Xi măng Quang Sơn.

Vinaincon cũng chưa lên kế hoạch chia cổ tức cùng trích lập các quỹ mà sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 để trình đại hội đồng cổ đông xem xét, quyết định.

Theo báo cáo của Ban kiểm soát, năm 2018, các chỉ tiêu về tổng doanh thu, thu nhập và lợi nhuận của Vinaincon đều không đạt. Cụ thể, doanh thu năm 2018 của VVN là 3.251 tỷ đồng bằng 77,5% kế hoạch. Tuy nhiên, VVN lỗ sau thuế hợp nhất tới 284,7 tỷ đồng, trong đó, riêng Xi măng Quang Sơn lỗ 361 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2018, Vinaincon có tổng tài sản hơn 6.062 tỷ đồng, song đang gánh khoản nợ hơn 6.421 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hợp nhất âm 358 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban kiểm soát, hệ số nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của Vinaincon năm 2018 là 1,06 lần, cho thấy toàn bộ tài sản của công ty cơ bản đang được tài trợ bằng vốn vay và nợ phải trả.

Từ đó, Ban kiểm soát kiến nghị VVN tiếp tục lập phương án thoái vốn Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Bộ Công thương xem xét quyết định. Đồng thời, lập phương án thoái vốn của tổng công ty đầu tư tại các đơn vị không giữ cổ phần chi phối làm ăn kém hiệu quả để thu hồi vốn. Song song đó, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức tại các Công ty TNHH MTV Điện 2, Điện 4, Xây lắp Hóa Chất, thu gọn các chi nhánh, xú nghiệp, giảm chi phí gián tiếp để tăng lợi nhuận.

Với Xi măng Quang Sơn, ban kiểm soát đề nghị Hội đồng quản trị tăng cường công tác quản trị ở tất cả các khâu để giảm thiểu lỗ cho công ty.

Vinaincon thành lập 22/9/1998 theo quyết định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). Từ tháng 6/2011, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tổng công ty cổ phần. Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaincon từ 2011 đến nay là ông Nguyễn Gia Du, Tổng giám đốc là ông Hoàng Chí Cường.

Những năm gần đây, dù được ưu ái nhận nhiều công trình trọng điểm nhưng hoạt động kinh doanh của Vinaincon lại lao dốc chóng mặt.

Vinaincon bán thầu hưởng phí

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vinaincon mắc nhiều vi phạm tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Cụ thể, theo kết luận, gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt) số 01 thuộc dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Tisco do Công ty Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) thực hiện với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD. Nhưng sau đó phần C đã được tách ra, giao lại cho nhà thầu phụ là Vinaincon.

Để có hợp đồng thi công phần C (trị giá hơn 42,9 triệu USD), Tổng giám đốc Vinaincon đã có văn bản gửi Bộ Công thương xin được tham gia. Tại văn bản, Vinaincon cam kết sẽ bố trí lực lượng, huy động nhân lực, tài chính để đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng, tiến độ của Tisco cũng như MCC, tuân thủ mọi quy định quản lý xây dựng.

Ngay sau đó, Bộ Công thương ký văn bản gửi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và Tisco đề nghị xem xét, chấp thuận để Vinaincon được đảm nhận toàn bộ phần công việc xây lắp của gói thầu EPC theo như cam kết của Vinaincon.

Tisco sau đó có văn bản gửi MCC xác nhận về năng lực, kinh nghiệm của Vinaincon để thi công phần C của hợp đồng EPC số 01.

Tháng 9/2009, Tisco, MCC ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C với giá tạm tính là gần 43 triệu USD (tương đương khoảng hơn 764,1 tỷ đồng theo đơn giá USD thời điểm đó), thời gian thực hiện là 21 tháng.

Tuy nhiên, khi có được hợp đồng, Vinaincon đã không thực hiện theo cam kết mà ký 40 hợp đồng giao việc và khoán nhân công với 29 nhà thầu khác (28 nhà thầu Việt Nam và 1 nhà thầu Trung Quốc) với giá trị hơn 505,1 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra xác định Vinaincon chuyển nhượng thầu có thu phí quản lý của các nhà thầu từ 5-10% giá trị hợp đồng. Cụ thể, trong hợp đồng với Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng số 18, Vinaincon đã hưởng gần 882 triệu đồng phí quản lý trên tổng giá trị gói thầu 9,7 tỷ đồng; tại hợp đồng với Công ty cổ phần Xây dựng 203 có giá trị hơn 13,9 tỷ đồng, Vinaincon đã hưởng phí quản lý số tiền gần 698 triệu đồng; tại hợp đồng với Công ty cổ phần Thiết bị công nghiệp MAKSTEEL, Vinaincon hưởng phí quản lý hơn 2 tỷ đồng…

Đáng nói, Vinaincon và các nhà thầu được doanh nghiệp này giao việc nhưng không thực hiện các điều khoản cam kết trong hợp đồng.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn