Doanh nghiệp: lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng

Kinh tếThứ Tư, 11/05/2011 03:38:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều doanh nghiệp khẳng định nếu chỉ trông đợi từ nguồn vốn được vay của ngân hàng hay các tổ chức tín dụng thì chỉ còn cách "đóng cửa".

(VTC News) – “Có ba vấn đề chính mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện nay đang gặp phải: thứ nhất là vốn; thứ hai là vốn và thứ ba cũng là vốn” – Chủ tịch VCCI, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Tọa đàm “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp”.

"Tẩu hỏa nhập ma" với hồ sơ vay vốn

Thiếu vốn là vấn đề muôn thuở của các doanh nghiệp. Nhưng trong giai đoạn lạm phát và lãi suất mà các tổ chức tín dụng đưa ra hiện nay ở mức “ngất ngưởng” thì vấn đề vốn càng trở lên bức thiết với DN.

Ông Trần Văn Sinh – Giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng I cho biết: “Chúng tôi đi tìm vốn như “mò kim đáy bể”. Nhà nước thì khẳng định, không thiếu vốn cho DN, hỗ trợ tăng cường vốn để DN đảm bảo sản xuất kinh doanh nhưng thực tế thì để tiếp cận được nguồn vốn là quá khó khăn. Tôi xin nhấn mạnh là quá khó khăn!”.
 

DN than đến "tẩu hỏa nhập ma" với hồ sơ vay vốn của ngân hàng (Ảnh minh họa)
Theo ông Sinh, thủ tục xác minh tính khả thi của đề án vay vốn, tính minh bạch của báo cáo thường niên… mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng đưa ra khiến DN bị “tẩu hỏa nhập ma”. Nếu lo xong phần thủ tục thì lại đối mặt với tỷ lệ lãi suất đưa ra đang quá cao (có nơi lên tới 27%). Suy đi tính lại, giải pháp tốt nhất mà ông Sinh chọn cho DN của mình là hoạt động cầm chừng, không mở rộng kinh doanh trong giai đoạn này. Vì “chẳng tội gì è cổ đi làm chỉ để trả lãi ông ngân hàng” – như lời ông S bày tỏ.

Ông Đoàn Trọng Lý – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) chia sẻ kinh nghiệm đi tìm vốn của DN mình. Sau khi chạy mọi cửa để tiếp cận được nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được, DN của ông phải lên “chiến lược “tự cứu” từ các nguồn huy động vốn của cổ đông, người nhà, đẩy nhanh vòng vốn đang có, giảm lệ thuộc vào ngân hàng… Ông cho rằng giải pháp “quyết liệt tiết kiệm trong điều hành sản xuất kinh doanh” cũng là một cách huy động vốn từ nội tại của DN.

Chị Thu Minh – Giám đốc Công ty Cp Nội thất ô tô Sài Gòn đặt câu hỏi: “Nếu chúng tôi (DNVVV – pv) đã hùng mạnh rồi, có bề dầy năng lực như các công ty, tập đoàn lớn thì có khi chính các ngân hàng, tổ chức tín dụng lại là người đặt vấn đề để cho chúng tôi vay vốn. Khi DN còn nhỏ, mới thành lập, mọi thứ đề khó khăn thì DN mới cần hơn cả nguồn vốn được nhà nước tạo điều kiện cho vay. Thủ tục vay và yêu cầu tài sản thế chấp quá chặt chẽ để giữ về mình phần quản lý rủi ro của các ngân hàng đang làm khó cho DN. Thử hỏi xem có bao nhiêu DNVVV như chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn này một cách minh bạch nhất, nhanh nhất?”.

Lợi nhuận trên 40%/năm mới dám vay?

Mặc dù, mức lãi suất trần huy động vốn mà NHNN đưa ra là 14 % nhưng thực tế, một số ngân hàng thương mại đã phá rào bằng cách nâng lên thừ 15 – 19%/năm tùy vào thời điểm và số tiền gửi. Huy động đầu vào đã cao như thế thì chắc chắn mức lãi suất cho vay đầu ra cũng buộc phải vượt quá khung 20 – 22%/năm. Thậm chí, bằng nhiều loại phí, loại dịch vụ khác nhau, mức lãi suất thật mà các DNVVV phải chi trả cho ngân hàng có thể lên đến 27%.

Các doanh nghiệp đều lên tiếng rằng: Tạm lấy mức lãi suất phải trả là 27%/năm thì DN phải đảm bảo sản xuất kinh doanh có lãi hoặc tăng trưởng phải trên 40%/năm thì mới đảm bảo duy trì được hoạt động. Trong điều kiện kinh tế hiện này thì đó là điều “không tưởng” hoặc lạc quan hơn thì không DN nào dám tự tin như vậy.

Thực trạng vốn cho DNVVN hiện nay là DN cần thì không hoặc khó được vay vốn còn ngân hàng hay tổ chức tín dụng thì lại giữ vốn vì sợ mạo hiểm.
(Ảnh internet)
 
NH hay các tổ chức tín dụng cứng nhắc trong việc cho vay vốn khiến nhiều DNVVN phải huy động bằng nhiều nguồn khác nhau như đóng góp của cổ đông, chứng khoán, trái phiều, “mua – bán tín nhiệm” với nhau … thậm chí là cả “tín dụng đen” trong nhiều trường hợp cần thiết.

Thực trạng vốn cho các DNVVN đang xảy ra vấn đề: người cần thì không hoặc khó được dùng vốn, người có vốn thì lại khó hoặc không dám quyết mạnh việc cho vay. Nhiều chuyên gia NH khẳng định: nguồn tín dụng dồi dào để đáp ứng cho DN nhưng vướng ở khâu nào để cả 2 bên gặp được nhau lại là vấn đề nan giải.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi - Hiệu trưởng trường Đào tại Nhân lực Vietinbank đưa ra một số dẫn chứng trong việc nguồn vốn của các ngân hàng chậm được triển khai cho khối DNVVN. Chính sách tiền tệ đang thắt chặt, khống chế trong phạm vi dưới 20% khiến các  buộc NH phải lựa chọn khách hàng đủ tiềm năng mới cho vay. Ngân hàng cũng có thể đưa lãi suất lên cao, nếu DN tiếp cận được thì NH vẫn tiến hành cho vay.

Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, cung cầu vốn đang mất cân đối, chính sách tiền tệ tác động NH đang theo hướng thắt chặt, các biện pháp cả hành chính và tiền tệ đang tác động đến mỗi NH thì bản thân mỗi NH phải tháo gỡ khía cạnh này. Bà Mùi cũng đặt ra câu hỏi: lãi suất tới đây theo hướng nào, theo quan hệ cung cầu hay chặn đầu vào đầu ra…? Một chính sách ổn định và nhất quán là điều mà các DN cần nhất trong giai đoạn này.
 

 74,47% DNVVN có nhu cầu được vay vốn từ ngân hàng

Trong số hàng nghìn DNVVN hiện nay thì có đến có đến 74,47% DNVVN muốn tìm đến nguồn vốn bằng hình thức vay ngân hàng. Tuy nhiên, theo điều tra gần đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chỉ có 1/3 DNVVN có khả năng tiếp cận nguồn vốn NH, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Không ít DNVVN cho rằng thủ tục các ngân hàng đặt ra là “quá sức” đối với họ. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ thì cũng chỉ có 5 – 10% số DNVVN được vay.

Hoài Nam



Bình luận
vtcnews.vn