Doanh nghiệp khốn đốn vì đồ chơi nhập lậu

Tổng hợpThứ Bảy, 22/10/2011 09:06:00 +07:00

Hàng trăm nghìn đơn vị đồ chơi trẻ em trôi nổi từ TQ vừa bị phát hiện, trong đó có nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực, bị cấm kinh doanh.

Giữa tháng 9, Đội quản lý thị trường 2B (QLTT), thuộc Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp với lực lượng chức năng tại Bến xe Tây Nam (cơ sở 2, P.Trung Mỹ Tây, Q.12) kiểm tra, phát hiện lô hàng đồ chơi trẻ em cực lớn, lên đến 150.000 đơn vị sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc không có tem hợp quy CR. Trong đó có nhiều loại đồ chơi gây nguy hiểm, mang tính bạo lực.

Cùng thời điểm, Đội QLTT 3A kiểm tra 3 hộ kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em trên đường Trần Bình và cửa hàng trên đường Ngô Nhân Tịnh (P.2, Q.6), niêm phong tạm giữ hơn 1.000 đơn vị sản phẩm và 4 thùng hàng các loại, như vỉ siêu nhân, vỉ đồ chơi Yoyo, mô tô… xuất xứ Trung Quốc, do không hóa đơn chứng từ, không dán tem CR, giả mạo.
Quản lý thị trường TP.HCM thu giữ hàng nghìn đơn vị đồ chơi trẻ em vi phạm tại
đường Trần Bình, P.2, Q.6 - Ảnh: Hoàng Việt
 

Đội còn phát hiện 40 cái đĩa bay đồ chơi hiệu Toys-UFO xuất xứ Trung Quốc nhập lậu, có dấu hiệu xâm phạm quyền sáng chế, xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa  đối với sản phẩm đồ chơi đĩa bay Tosy-UFO của Công ty CP Robot Tosy đã được đăng ký bảo hộ độc quyền. Đồ chơi “dỏm” còn tràn vào tận siêu thị Maximark Cộng Hòa (P.4, Q.Tân Bình) khi đội QLTT 3A phát hiện nhiều loại đồ chơi xe, máy bay, búp bê xuất xứ Trung Quốc nhập lậu, không gắn mác CR được bày bán ở đây.
Theo ông Đặng Văn Đức - Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, đồ chơi trẻ em nhập lậu rất phức tạp, phải chống ngay từ cửa khẩu. Tuy nhiên, việc này cũng rất khó vì đa số hàng này đi bằng con đường tiểu ngạch. Khi QLTT ra quân kiểm tra thì có giảm, sau đó họ kinh doanh trở lại. “Theo tôi thì phải rút giấy phép kinh doanh các đơn vị vi phạm. Nếu họ tái phạm thì không cần số lượng lớn cũng có thể truy tố trách nhiệm hình sự nếu chứng minh được hàng qua biên giới", ông Đức chia sẻ.
Về góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Tường Minh - Tổng thư ký Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA) - bức xúc: “Hiện tồn tại thực tế là hàng đồ chơi trẻ em nhập lậu tràn lan trên thị trường, đặc biệt là đồ chơi mang tính bạo lực, đa phần là hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Đồ chơi không rõ xuất xứ thì không thể quản lý về mặt chất lượng, chắc chắn ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặc biệt là sức khỏe trẻ em. Công tác quản lý cần được siết chặt hơn chứ không thể lỏng lẻo như hiện nay”.
Cũng theo ông Minh, cơ quan quản lý nhà nước cần phân cấp rõ trách nhiệm của lực lượng chức năng. Nếu để xảy ra tình trạng đồ chơi trẻ em nhập lậu tràn lan thì cán bộ phụ trách địa bàn phải chịu trách nhiệm. Cần kiên quyết xử phạt thật nặng, rút giấy phép kinh doanh, đồng thời truy tố trách nhiệm hình sự đối tượng tái vi phạm về kinh doanh đồ chơi độc hại, bạo lực. “Cơ quan quản lý nhập khẩu ở biên giới, cửa khẩu phải chịu trách nhiệm, vì chính sự quản lý lỏng lẻo của họ đã giết chết ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước. Thực tế là ngành công nghiệp này hoàn toàn thua ngay trên sân nhà một phần là do hàng nhập lậu, trôi nổi tràn lan. Không chỉ bảo vệ trẻ em, bảo vệ người tiêu dùng,  quản lý chặt chẽ việc nhập lậu còn để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước”, ông Minh nói.
Theo Thanh niên
Bình luận
vtcnews.vn