Doanh nghiệp Internet Việt 'đá' nhau vì lợi ích

Kinh tếThứ Ba, 16/07/2013 11:42:00 +07:00

(VTC News) - Xung đột trong quyền lợi và cạnh tranh đã phát sinh nhiều mâu thuẫn khó có thể dung hòa giữa các doanh nghiệp Internet.

(VTC News) - Xung đột trong quyền lợi và cạnh tranh đã phát sinh nhiều mâu thuẫn khó có thể dung hòa giữa các doanh nghiệp Internet.

Nhà mạng "đấu" nhau, khách hàng thiệt

Từ mấy năm trở lại đây những màn "đấu đá" giữa các doanh nghiệp Internet (ISP) như FPT Telecom, Viettel, VDC, CMC Telecom đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của thị trường Internet Việt Nam. Trong khi các ISP liên tục tố nhau "chơi xấu" thì ở giữa, khách hàng lại là người lãnh đủ hậu quả.
Điển hình trong màn "đấu đá" này là trường hợp của 2 ISP FPT Telecom và CMC Telecom. Hai doanh nghiệp này có thỏa thuận kết nối ngang hàng trong nhiều năm. Tuy nhiên, tới năm 2012, phía FPT Telecom nhận thấy lượng kết nối từ các thuê bao của CMC Telecom đến các website cũng như dịch vụ trực tuyến đặt trên máy chủ của mình vượt trội quá nhiều so với chiều ngược lại. Và từ đó vấn đề bắt đầu nảy sinh.
internet
Nhà mạng "đấu đá", khách hàng hứng hậu quả
Khi ấy FPT Telecom đã yêu cầu CMC Telecom phải thanh toán cước kết nối giữa 2 doanh nghiệp theo dung lượng kết nối. Trong quá trình "bóng bàn" giữa 2 bên, kéo dài đến tận hết quý I/2013 mới đạt được thỏa thuận, tình trạng truy cập chéo vào website và dịch vụ của đôi bên hết sức khó khăn. Hiện tượng chậm hoặc không thể truy cập thường được khách hàng của FPT Telecom phản ánh khi kết nối đến website đặt tại máy chủ của CMC Telecom, điều tương tự cũng xảy ra đối với người dùng của nhà mạng CMC.
Còn mới đây nhất là vụ "đá" nhau của 2 "ông lớn" trong số các ISP Việt Nam là Viettel và VDC. Theo đó, vào 3/2013, khách hàng sử dụng dịch vụ 3G của Viettel phàn nàn khi không thể truy cập vào nhiều website có lượng người xem đông đảo như nhaccuatui.com, kenh14.vn... Và điểm chung của những website này là đều được đặt trên hệ thống máy chủ của VDC. Nguyên nhân được Viettel đưa ra khi đó là do 2 nhà mạng này đang trong quá trình thỏa thuận dịch vụ với nhau.
Tuy nhiên khi đi sâu vào tìm hiểu sự việc được biết đây là hành động "trả đũa" của Viettel khi VDC đã chặn dịch vụ của nhà mạng này trước đó. Cả 2 ISP này đều nắm thị phần lớn tại Việt Nam, vì vậy việc ngắt kết nối của nhau đã ảnh hưởng tới một lượng không nhỏ khách hàng, qua đó khiến doanh thu của các doanh nghiệp này cũng sụt giảm đáng kể.
Những màn cắt kết nối như trên không phải hiếm tại thị trường Internet Việt Nam. Nhà mạng lớn "cắt" để ép nhà mạng nhỏ phải trả thêm phí dịch vụ, 2 "ông" có lượng khách hàng tương đương thì có thể thoải mái đấu qua đấu lại mỗi khi có mâu thuẫn về quyền lợi. Xét cho cùng chỉ có khách hàng là chịu thiệt thòi nhất khi ngồi giữa. Không những vậy, kết nối chậm, không truy cập được... cũng là những nguyên nhân chủ yếu khiến người dùng Việt dần mất lòng tin với các ISP trong nước.
Cần Bộ TT&TT giải tỏa "bức xúc"
Chiếm giữ thị phần Internet khiêm tốn hơn những doanh nghiệp hàng đầu, ông Hà Thế Minh, Chủ tịch CMC, cho biết đã đến lúc Bộ TT&TT cần đưa ra một bộ nguyên tắc chung, mặc dù có thể không làm hài lòng tất cả các bên nhưng tất cả đều phải tuân thủ. Trong đó quy định rõ mức giá chi trả cũng như chất lượng kết nối giữa các ISP.
Theo quan điểm của ông Minh, điều này không chỉ tránh được việc tranh cãi về quyền lợi giữa các ISP mà còn loại bỏ được tình trạng cạnh tranh chèn ép của doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ như hiện nay. Thực tế đang xảy ra là ISP nào cũng có lý do để bảo vệ quyền lợi cho mình nên khi cùng ngồi xuống để tìm giải pháp khắc phục tình trạng tranh chấp đều khó đi đến thống nhất chung.
Cùng quan điểm trên, đại diện FPT Telecom cho rằng Bộ TT&TT cần đứng ra điều tiết thị trường internet. Qua đó xây dựng quy định chung về mức giá để các ISP căn cứ vào đó để tự thỏa thuận với nhau. Từ đó sẽ chấm dứt được các mâu thuẫn xung quanh việc ăn chia không đều về kết nối Internet giữa các nhà mạng.
Về phía Netnam, ISP này lại cho rằng Bộ TT&TT chỉ nên can thiệp bước đầu, trong thời gian ngắn hạn, sau đó để cho thị trường tự phát triển. Lý lẽ được nhà mạng này đưa ra là do Internet có nhiều đặc thù riêng và quá trình phát triển mới được hơn 20 năm, nên không thể áp dụng mô hình của viễn thông truyền thống để quản lý được.
Chia sẻ quan điểm của Netnam, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Lê Nam Thắng, cho biết mặc dù theo luật Internet cũng nằm trong khái niệm viễn thông. Nhưng trong khi viễn thông truyền thống trên thế giới đã có những bộ khung và quy định hết sức chặt chẽ, có thể mang về áp dụng ở Việt Nam thì Internet lại chưa có mô hình chuẩn. Tùy theo điều kiện từng nước sẽ có quy định khác nhau nhưng chủ yếu vẫn do thị trường quyết định.
Thứ trưởng Thắng cho biết, hiện nay Việt Nam đã có những khung quy định nhưng mới chỉ dừng ở mức nguyên tắc chung nhất, về phía Bộ vẫn muốn để các doanh nghiệp và thị trường dựa trên đó để tự thỏa thuận về việc kết nối. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều trục trặc giữa các ISP vì vậy Bộ muốn các doanh nghiệp đóng góp ý kiến xem có cần có khung quy định cứng như viễn thông truyền thống không, hay là xây dựng khung nguyên tắc để trên cơ sở đó doanh nghiệp tự thỏa thuận hoặc để doanh nghiệp tự thỏa thuận theo cơ chế thị trường ?
Cũng theo quan điểm của Bộ TT&TT, nguyên tắc quản lý Internet sẽ để cho thị trường quyết định, trong đó Bộ chỉ giữ vài trò định hướng. Vì vậy, Bộ sẵn sàng lắng nghe quan điểm cũng như đóng góp của doanh nghiệp nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách để tiếp tục thúc đẩy kết nối Internet qua đó nâng cao chất lượng mạng và đảm bảo giá thành hợp lý.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn