Đóng tàu hàng tỷ đồng không được đăng kiểm, doanh nghiệp cầu cứu Bộ trưởng GTVT

Kinh tếThứ Hai, 05/06/2017 07:45:00 +07:00

Anh Bùi Thanh Luân cho biết, anh vay hàng tỷ đồng từ ngân hàng để đóng tàu, phát triển du lịch nhưng do sự quan liêu, chậm trễ của Cục Đăng kiểm Việt Nam nên nhiều tháng nay phải oằn mình trả lãi ngân hàng, trong khi con tàu vẫn chưa được đăng kiểm.

Nhiều năm qua, Chính phủ tập trung nguồn lực để phát triển ngành du lịch bởi đây là ngành công nghiệp không khói, siêu lợi nhuận và mang lại giá trị phát triển bền vững, lâu dài.

Là một chủ doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch khoảng 12 năm nay, anh Bùi Thành Luân (trú tại xóm Thái Hòa, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã nhìn thấy những tiềm năng du lịch mà thiên nhiên ưu đãi cho hòn đảo nhỏ xinh đẹp.

Tuy nhiên, để ra đảo, du khách vẫn phải dùng thuyền truyền thống, hoặc đi tàu cao tốc cũ với chi phí cao, kinh phí đầu tư tàu cũng rất lớn.

Những năm gần đây, anh Luân được tiếp xúc với công nghệ đóng tàu bằng vật liệu polypropylen copolyme (PPC). Trên thế giới, công nghệ PPC được đánh giá là hiện đại, vật liệu nhẹ, bền, đẹp, không tốn chi phí bào trì bảo dưỡng, sơn sửa, không bị nước biển ăn mòn, thân thiện môi trường… nên anh quyết định vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng để đầu tư đóng tàu chở khách du lịch từ đất liền ra đảo.

Hinh anh

Cano du lịch công nghệ PPC sức chở 20 người chạy thử nghiệm thành công.

Tháng 9/2016, anh thuê công ty Việt Séc đóng tàu bằng vật liệu PPC với giá thành trên 2 tỷ đồng. Nhưng, để đến lúc con tàu đi vào hoạt động thì chi phí cho nó rơi vào khoảng 3 tỷ.

Anh tâm sự, những năm gần đây, lượng khách ra du lịch tại Quan Lạn tăng mạnh. Công ty anh đã dồn toàn bộ vốn liếng vào tàu PPC với hy vọng nó sẽ là bước ngoặt đưa công ty phát triển và đưa được nhiều khách ra du lịch đảo hơn.

Theo anh Luân, hiện giờ khách đi ra đảo chủ yếu vẫn bằng tàu gỗ. Mỗi ngày vận chuyển tối đa chỉ được 5 chuyến từ sáng đến tối, thời gian để từ đất liền ra đến đảo cũng rất lâu, khoảng 2 giờ đồng hồ.

Tàu cao tốc cũ thì chi phí đóng tàu lớn, chi phí bảo trì, bảo dưỡng sơn sửa và đặc biệt không bị nước biển ăn mòn nên chỉ mất chi phí đóng tàu và vận hành, tiết kiệm được rất nhiều chi phí khác khi sử dụng lâu dài. Với tàu PPC thời gian để đi từ đất liền ra đảo chỉ mất có 45 phút.

Sau khi ký hợp đồng với công ty Việt Séc, anh Luân vui mừng, khấp khởi hy vọng chờ ngày được bàn giao con tàu để đưa vào hoạt động đúng mùa du lịch.

Thế nhưng, từ đó đến nay đã hơn nửa năm kể từ ngày công ty Việt Séc gửi hồ sơ lên Cục Đăng kiểm Việt Nam để hoàn thiện thủ tục đăng kiểm con tàu nhưng anh vẫn chưa nhận được hồi âm.

“Tháng cao điểm du lịch bắt đầu từ tháng 4, vậy mà bây giờ đã hết tháng 5 rồi nhưng tôi vẫn chưa được đăng kiểm tàu. Bao nhiêu hợp đồng ký với các công ty tour đều phải hủy cả, may là họ không phạt tôi chứ không thì chúng tôi phá sản. Cục Đăng kiểm làm việc quá quan liêu, thiếu trách nhiệm, cố tình làm cản trở doanh nghiệp. Như vậy thì ngành du lịch làm sao mà phát triển, ngành công nghiệp đóng tàu cũng sẽ chết theo” – anh Luân nói.

Quá bức xúc, anh Luân đã phải gửi đơn kêu cứu lên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Hinh anh  4

Thư anh Luân 'kêu cứu' tới Bộ Giao thông vận tải. 

Trong đơn, anh nêu: Tôi có đặt Cty CP công nghệ Việt Séc ở Vũng Tàu đóng một cano du lịch chở khách bằng vật liệu PPC. Tàu dài 11m, sức chở 35 người, trang bị hai động cơ tổng công suất 500HP. Tôi đã chạy thử tàu. Tàu chạy rất tốt, đạt các thông số kỹ thuật.

So với các loại tàu vỏ gỗ gia đình tôi đã sử dụng kinh doanh du lịch thì tàu PPC an toàn, thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm chi phí bảo hành và bảo dưỡng. Thế nhưng do không đăng kiểm được nên tôi không thể nhận tàu. Việc này làm hỏng hết cả kế hoạch kinh doanh của tôi.

Hinh anh  3

Văn bản ủng hộ của Bộ giao thông vận tải về việc sử dụng vật liệu PPC để đóng tàu. 

Anh Luân bức xúc: “Cách làm việc của Cục đăng kiểm là quá quan liêu, cản trở doanh nghiệp phát triển, giết chết doanh nghiệp. Nếu với cách làm việc như thế này thì vận tải đường thủy không phát triển được. Tôi đề nghị cách chức Cục trưởng Cục Đăng kiểm để thay người mới có đủ tư duy, năng lực lãnh đạo giúp cho ngành vận tải đường thủy phát triển.

Video: Thử nghiệm tàu vật liệu PPC sức chở 35 người

Được biết, phương pháp đóng tàu bằng vật liệu PPC được sáng chế tại Séc và đưa vào sử dụng từ năm 1998. Đây được xem là phương pháp đóng tàu hiện đại, vật liệu mới, với những tính năng vượt trội, đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, công ty Việt Séc cũng đã đóng tàu cung cấp cho Lực lượng Hải quân hoạt động ổn định, có hiệu quả từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, khi đóng tàu dân sự, Cục Đăng kiểm Việt Nam lại từ chối đăng kiểm với lý do chưa có Quy chuẩn kỹ thuật và cục dùng Thông tư 43 chưa có hiệu lực để làm khó doanh nghiệp khiến người có nhu cầu đóng tàu và doanh nghiệp đóng tàu khiến họ rất bức xúc gửi đơn kêu cứu nhiều nơi.

Cục Đăng kiểm sẽ trả lời như thế nào về vấn đề này?

VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn