Phát triển hạ tầng Internet: Cần bỏ bớt gánh nặng thuế phí

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Sáu, 04/08/2017 09:09:00 +07:00

Mặc dù được nhận định là hạ tầng xương sống của nền kinh tế số giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhưng các doanh nghiệp kinh doanh internet đang phải rơi vào cảnh “1 cổ 2 tròng” với nhiều loại thuế phí khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá, internet là hạ tầng quan trọng trong quá trình kết nối kinh tế số của khu vực, tạo thêm nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giao thương, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý nhà nước và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là một trong những hạ tầng thiết yếu mà các quốc gia đang ưu tiên đầu tư và phát triển trong nền kinh tế tri thức.

Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới với hơn 50 triệu người sử dụng, đạt tỷ lệ trên 50% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới là 46,64%. Mục tiêu trong thời gian tới của Việt Nam là tăng người sử dụng Internet lên mức 80-90% dân số, ngang bằng với các nước phát triển hiện nay.

Với sự phát triển đó, internet đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế cao cấp đến từ Oxford Economics (Hãng tư vấn và dự  báo độc lập kinh tế toàn cầu), việc tăng cường ứng dụng công nghệ internet di động ước tính góp phần gia tăng GDP thêm 3,7 tỷ USD trong 5 năm qua ở Việt Nam và tạo ra gần 140.000 việc làm mới, tương đương với 6,4% tốc độ tăng trưởng GDP. Họ cũng dự báo, mật độ thuê bao sẽ tăng gần gấp đôi từ nay tới 2020 (khoảng 80%). Sự bùng nổ công nghệ này góp phần nâng cao GDP thêm 5,1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và sẽ tạo ra khoảng 146.000 việc làm.

1

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa qua, nhiều doanh nghiệp viễn thông đều đồng loạt cho rằng cần bỏ quy định nộp phí viễn thông công ích 

Oằn lưng chống phí

Đóng vai trò to lớn như vậy, những tưởng các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng internet sẽ được ưu đãi, khuyến khích phát triển nhưng trên thực tế lại đang phải oằn lưng chống đỡ với nhiều loại phí chồng chéo lên nhau.

Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh internet vừa phải nộp 0,5% doanh thu phí thương quyền lại vừa phải nộp thêm 1,5 % doanh thu cho quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, việc cùng một lúc nộp 2 loại phí là quá sức nộp nghĩa vụ của doanh nghiệp. Bởi lẽ, theo ông Ngọc hiện việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng internet đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không có lãi, hoặc là lãi thấp. Thời gian qua, hạ tầng băng rộng viễn thông đã thay đổi sang cáp quang. Hạ tầng không dây thì chuyển sang 4G. Mỗi khi đổi như vậy, doanh nghiệp phải đầu tư một số tiền rất lớn và phải khấu hao trong nhiều năm. Thậm chí doanh nghiệp còn phải đi vay ngân hàng để có đủ vốn đầu tư.

Đơn cử như FPT Telecom, mảng kinh doanh hạ tầng internet trong 2 năm gần đây đã không còn tăng trưởng do phải đầu tư mạnh vào hạ tầng cáp quang. Cũng trong nhiều năm qua, công ty này đã nỗ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông để đưa internet về với bà con hơn 20 tỉnh thành vùng sâu vùng xa như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Yên Bái, Cà Mau… với số tiền đầu tư rất lớn và chấp nhận lỗ. Đây cũng chính là một trong những mục đích được đặt ra cho hoạt động của Quỹ viễn thông công ích nhưng đã được FPT Telecom thực hiện tự nguyện trên tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng, việc thu phí dịch vụ viễn thông công ích bao gồm cả doanh thu internet áp dụng từ 2016-2020 là một bước thụt lùi trong việc quản lý nhà nước về công nghệ trong thời kỳ kinh tế số ). Bởi lẽ giai đoạn trước đó (2011-2015), doanh thu internet không nằm trong danh mục bị thu phí dịch vụ viễn thông công ích.

Cần bỏ “1 cổ 2 tròng”

Với những điểm bất hợp lý như trên, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa qua, nhiều doanh nghiệp viễn thông đều đồng loạt cho rằng cần bỏ quy định nộp phí viễn thông công ích. Trên thực tế, FPT đã nhiều lần than khóc gửi văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng đề xuất bỏ thu khoản phí này nhưng vẫn chưa được chấp thuận. “Nếu doanh nghiệp vẫn bắt buộc phải đóng quỹ DVVTCI thì cần phân biệt, xem xét xem loại nào cần phải đóng góp, loại nào không cần. Các dịch vụ cơ bản của kinh tế số như kết nối internet, truyền dữ liệu cho các cơ quan xí nghiệp, vận hành trung tâm dữ liệu hay các dịch vụ giá trị gia tăng trên internet thì nên được hỗ trợ, khuyến khích”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điển này, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CMC cũng cho rằng phí công ích có bản chất là chia sẻ lợi ích với cộng đồng, chỉ nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đóng góp, không nên quy định thành một loại phí bắt buộc. 

Nhìn lại các con số tăng trưởng kinh tế mà internet đóng góp ở trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng kết quả đó sẽ chỉ có thể đạt được khi Việt Nam ý thức được những giá trị đóng góp của internet và tạo ra các chính sách, môi trường pháp lý để khuyến khích đầu tư, tham gia vào lĩnh vực này.

Theo Boston Consulting, việc giới hạn về các hoạt động trực tuyến có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia khoảng 2,5% mỗi năm.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn