Nâng cấp thương hiệu, CEO Asanzo đặt mục tiêu dẫn đầu ngành điện tử

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Tư, 19/09/2018 11:56:00 +07:00

Nỗ lực làm mới Logo và nhận diện thương hiệu là một phần trong chiến lược đưa Asanzo trở thành tập đoàn điện tử và công nghệ hàng đầu của Chủ tịch Phạm Văn Tam.

Tìm hình ảnh Asanzo trong mắt công chúng

Abdul Kariem vừa từ Hà Nội trở về Vĩnh Long. Đây là chuyến bay đầu tiên của chàng trai 18 tuổi tới Thủ đô để dự chung kết cuộc thi thiết kế Logo của Asanzo. Kariem vẫn nhớ y nguyên cảm giác hồi hộp xen lẫn tự hào khi trình các vị giám khảo, đứng đầu là chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam về ý tưởng thiết kế Logo mới cho tập đoàn. Với Kariem, đó là cách không thể hoàn hảo hơn để đánh dấu mốc tuổi 18.

Picture1

CEO Phạm Văn Tam muốn Asanzo trở thành người dẫn đầu ngành điện tử Việt.

Sau 5 năm có mặt trên thị trường điện tử Việt Nam vốn bị xâm chiếm gần như hoàn toàn bởi các thương hiệu ngoại, Asanzo đã làm được điều không tưởng khi chiếm 16% thị phần cả nước, đứng top 4 thị trường và là sự lựa chọn của rất nhiều gia đình Việt.

Như lời của Kariem: “Ở Vĩnh Long quê em, bà con hay dùng TV Asanzo vì giá cả phù hợp, chất lượng tốt mà lại dễ dùng”. Đó cũng là một trong số những giá trị mà nhà thiết kế trẻ muốn đưa vào trong mẫu thiết kế của mình.

Picture2

Abdul Kariem là một trong 2 thí sinh đạt giải nhì của cuộc thi thiết kế logo Asanzo.

“Logo của em hướng tới sự tinh tế, tối giản với hai gam màu trắng, xanh chủ đạo, học hỏi phong cách hiện đại từ quốc tế. Chẳng hạn như chữ O cách điệu, gợi liên tưởng tới con chip, qua đó thể hiện tham vọng Asanzo sẽ là một tập đoàn điện tử dẫn đầu với dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại, đột phá”, Kariem diễn giải bằng sự hào hứng, nhiệt thành của một người trẻ dành cho thương hiệu diện tử Việt đang ngày một phát triển.

“Đứa con tinh thần” của Karem là một trong gần 700 tác phẩm tham dự cuộc thi “Thiết kế logo Asanzo”. Mở cửa nhận bài từ ngày 11/6, cuộc thi thu hút sự tham gia của công chúng ở khắp mọi miền nước, từ nhà thiết kế tới những người không chuyên, đủ độ tuổi khác nhau, phần lớn là giới trẻ.

Có thiết kế hình tượng hóa Asanzo thành biểu tượng ngọn núi, thể hiện sự vững mạnh và tầm nhìn vươn xa; có logo lại sử dụng ngôi sao, thể hiện sự gần gũi và tỏa sáng; cũng có những thí sinh chọn hình ảnh cánh quạt, bảng vi mạch điện tử…

Giống như Karem, mỗi logo lại ẩn chứa một câu chuyện về thương hiệu. Những cách nhìn, quan điểm của Kariem và hàng trăm tác giả khác là điều mà doanh nhân Phạm Văn Tam tìm kiếm khi tổ chức cuộc thi lần này. Ông muốn biết cộng đồng nghĩ gì, nói gì và mong đợi những gì về tập đoàn mà mình xây dựng.

Picture3 3

Mỗi mẫu thiết kế là một góc nhìn về Asanzo của người Việt trẻ.

Đó cũng là lý do mà ông chủ hãng điện tử Việt bỏ ra hàng tỉ đồng tổ chức cuộc thi công khai có quy mô toàn quốc thay vì thuê một đơn vị thiết kế chuyên nghiệp vốn đơn giản, tiết kiệm thời gian và công sức hơn khá nhiều.

Ông cho biết: “Tôi muốn logo phải xuất phát từ sự sáng tạo và tiếng nói của công chúng, như vậy, thương hiệu mới dễ đi vào lòng người dùng, mới tạo sự gắn kết lâu dài giữa doanh nghiệp với khách hàng trong nước. Bởi lẽ không ai hiểu người Việt bằng chính người Việt".

Sẵn sàng cho mục tiêu dẫn đầu ngành điện tử Việt

Hiểu người Việt chính là yếu tố cốt lõi giúp Asanzo chinh phục người tiêu dùng cả nước ngay từ những sản phẩm đầu tiên. Năm 2013, thị trường tivi Việt gần như bị thống trị hoàn toàn bởi các thương hiệu ngoại. Không ai có thể tin một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ bé như Asanzo có thể chen chân vào “Đại dương đỏ” đầy khốc liệt này.

Nhưng với 20 năm lăn lộn trong ngành điện tử từ Nam chí Bắc, đi khắp mọi vùng miền đất nước, doanh nhân Phạm Văn Tam đã thấy được kẻ hở của thị trường.

Đó là việc các thương hiệu ngoại hầu như chỉ tập trung phát triển dòng sản phẩm cao cấp với những tính năng hiện đại dành cho khách hàng ở khu vực thành thị có thu nhập khá trở lên. Trong khi đó, nhóm khách hàng đại chúng có thu nhập trung bình ở các vùng nông thôn, các khu công nghiệp lại hầu như bị bỏ quên.

Với họ, những tính năng hiện đại của các sản phẩm cao cấp hầu như vô nghĩa. Giá cả, độ bền, mẫu mã đẹp, khả năng tiết kiệm điện và tính tiện dụng mới là ưu tiên hàng đầu. Và tivi Asanzo đã được sản xuất theo những gì mà người tiêu dùng phổ thông mong đợi. Chỉ trong năm đầu tiên, 150.000 chiếc đã được tiêu thụ, đạt doanh thu 670 tỷ đồng, thương hiệu Asanzo cũng từ đó ghi dấu ấn trên thị trường điện tử Việt.

Đến năm 2016, Tivi của Asanzo đã chiếm lĩnh 16% thị phần tivi cả nước, trong đó hơn 70% đến từ các vùng nông thôn.

Picture4 3

Chủ tịch Phạm Văn Tam hiểu rõ những gì mà người Việt cần ở một chiếc Tivi.

Bên cạnh Tivi, hãng điện tử Việt còn có các dòng sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện gia dụng được “may đo” theo đúng nhu cầu và hành vi của người dùng Việt. Những chiếc máy lạnh, máy lọc nước, nồi cơm điện, loa di động hay gần nhất là Smartphone của Asanzo nhờ đó đều được thị trường đón nhận rất tích cực.

Năm ngoái, tổng doanh thu của tập đoàn ước đạt 4620 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2016.Với sự tăng trưởng ổn định trong suốt thời gian qua cùng niềm tin ngày một lớn của người dùng trong nước, Asanzo đang sẵn sàng cho bước phát triển tiếp theo.

Việc làm mới Logo và nhận diện thương hiệu chính là bước đi đầu tiên trong kế hoạch đưa đưa tập đoàn lên vị trí dẫn đầu của ngành điện tử nước nhà: “Asanzo sẽ phải là một tập đoàn điện tử đa ngành hàng đầu Việt Nam, gồm 5 lĩnh vực tivi, điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác như laptop, máy tính bảng...” – CEO Phạm Văn Tam tự tin cho biết.

Theo ông Tam, Logo hiện tại dù đẹp nhưng hơi rườm rà và khó in lên các sản phẩm chất liệu bằng thép. Asanzo cần một hình ảnh mới thể hiện tốt hơn các giá trị bản sắc của Asanzo như trung thực tạo uy tín, đối diện và chinh phục, sáng tạo – chủ động tạo nhu cầu, công nghệ tạo tầm vóc, trách nhiệm đối với con người và giá trị thật.

Các thiết kế đạt giải ở cuộc thi Logo vừa qua dù khá ấn tượng nhưng với tầm vóc, vị thế và tham vọng của Asanzo thì vẫn chưa thật tương xứng. Do đó, tập đoàn vẫn sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi khác ở quy mô lớn hơn trong tương lai gần.

Picture6 5

CEO Phạm Văn Tam đã sẵn sàng đưa Asanzo ra biển lớn.

Song song với đó, Asanzo cũng đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn, hướng tới mục tiêu IPO trong 3 năm tới. Theo tiết lộ của CEO Phạm Văn Tam, một phần nguồn vốn huy động được sau IPO sẽ dùng để xây dựng khu công nghiệp Asanzo dành riêng cho các doanh nghiệp điện tử, công nghệ và công nghiệp phụ trợ.

Đây sẽ là bàn đạp để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Asanzo, hướng tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới của tập đoàn. Tất cả nằm trong kế hoạch lớn mà vị doanh nhân này vẽ nên nhằm định vị lại nền điện tử nước nhà trên bản đồ công nghệ thế giới trong 5 năm tới.   

    

Phạm Hà
Bình luận
vtcnews.vn