Doanh nghiệp chia sẻ về lợi ích từ phát triển công nghệ

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Bảy, 11/05/2019 10:38:00 +07:00

Các doanh nghiệp Việt cho biết, việc áp dụng công nghệ là một trong những lời giải cho bài toán phát triển hiện nay.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA, ông Lữ Thành Long đã đề cập tới một vấn đề thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước: làm thế nào để xây dựng một nền tảng mới cho ngành kế toán dịch vụ để giải quyết nhu cầu về công tác báo cáo tài chính và kê khai thuế cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ cá thể.

Hiện nay, ở Việt Nam đang có đến hơn 400.000 doanh nghiệp siêu nhỏ hầu như không sử dụng phần mềm kế toán và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nền tảng kết nối MISA Starbooks mà MISA cung cấp có thể giúp: Người làm kế toán có thể cung cấp dịch vụ kế toán cho nhiều doanh nghiệp một cách dễ dàng.

LTLong

 Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA, ông Lữ Thành Long.

Các doanh nghiệp tìm được người cung cấp dịch vụ kế toán một cách nhanh chóng. Đồng thời là công cụ cho người làm kế toán để thực hiện công tác báo cáo tài chính cho doanh nghiệp. Giải pháp mới này của MISA giải quyết bài toán nhân lực kế toán, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chỉ cần chi 2 triệu đồng/tháng để sử dụng kế toán dịch vụ.

Đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ cho thị trường Việt nam, MISA đã trở thành đơn vị điển hình cho phong trào “Make in Vietnam” mà Bộ TT&TT khởi xướng từ đầu năm 2019.

Đến nay, các sản phẩm của MISA không những sử dụng tốt tại thị trường Việt Nam, giúp thay đổi phương thức làm việc, nâng cao hiệu suất kinh tế mà còn được xuất khẩu ra các nước trong khu vực và quốc tế. Với tiềm năng mạnh mẽ và không ngừng phát triển, MISA chắc chắn sẽ cho ra đời nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường Việt và ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới về các sản phẩm ICT Make in Vietnam.

Còn theo ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC, sau 26 năm phát triển, CMC luôn trăn trở làm sao để đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Hiện tại, Internet đang tác động đến mọi khía cạnh của đời sống. Xu thế của cách mạng 4.0 là hệ thống nền tảng và kinh doanh nền tảng ra đời. Thách thức của doanh nghiệp là năng suất, trí tuệ, tốc độ, kết nối và cung cấp công nghệ mọi lúc mọi nơi. Với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc kết nối là yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên số. Các quốc gia như Hàn Quốc thành công vì đã chiếm lĩnh được công nghệ.

Sau 3 năm nghiên cứu, CMC cung cấp C.OPE2N là nền tảng công nghệ mở để giải quyết nhu cầu chuyển đổi số của Việt Nam và nhu cầu ứng dụng các công nghệ mới như Big Data, IoT, BlockChain, Security... Đây là một nỗ lực của CMC nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế số Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Theo ông, mọi doanh nghiệp đều có thể tiếp cận nền tảng mở này để kết nối với nền kinh tế số. Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế World Class, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn